Xu hướng ngân hàng xanh đang được các nhà băng đặt tầm nhìn và đẩy tốc độ cao độ, đã cho thấy được sự khác biệt so với thời “nhẩn nha” xanh hóa tín dụng trước đây.
Ngân hàng OCB và Tổ chức Tài chính quốc tế IFC mới đây đã công bố ký kết thỏa thuận tư vấn chuyển đổi ngân hàng xanh và dịch vụ ngân hàng số bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Theo định vị “Green Bank” – Ngân hàng xanh, OCB muốn hướng hướng đến một doanh nghiệp xanh và có trách nhiệm với cộng đồng. Cùng với đó, ông Nguyễn Đình Tùng – TGĐ OCB cho biết: Chúng tôi không chỉ mong muốn truyền tải các năng lượng xanh tích cực mà còn mong muốn mang đến các giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp.
Một điểm được TGĐ OCB nhấn mạnh là không phải bây giờ OCB định vị Green Bank, thì mới bắt tay xây dựng ngân hàng mà thực tế đã triển khai xanh – số trong cả vận hành, sản phẩm, đặc biệt là tín dụng xanh cho doanh nghiệp. Theo đó, từ dư nợ tín dụng xanh 8%, OCB đang đặt mục tiêu tăng tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh lên 10% trong 2024 và 2025.
10% cũng là mục tiêu tín dụng xanh mà ngành ngân hàng đặt ra đến 2025. Thực tế hiện nay, số liệu do Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đưa ra, tổng dư nợ tín dụng xanh mới đạt 528 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,6% trong tổng dư nợ nền kinh tế, còn cách khá xa mục tiêu.
Trong khi đó, đáng chú ý, có 43 đơn vị làm tín dụng xanh tại cuối 2023, nhưng đã có những trường hợp đã thúc đẩy dư nợ lên sát mục tiêu 10%. Ví dụ như mức dư nợ xanh 8% của OCB. Hay SHB cũng đã đạt dư nợ tín dụng xanh 10% trong tổng dư nợ nhờ những chiến lược phát triển đồng bộ.
Ông Don Lâm, nhà sáng lập Vinacapital cho biết, các định chế nói riêng và doanh nghiệp nói chung đã thấy rõ nếu không xanh hóa, không là Green Bank, Green Business, không xác lập việc triệt tiêu tác động tiêu cực đối với môi trường địa phương hoặc trái đất, đối với cộng đồng hay nền kinh tế, và kiên định thực hành ESG, thì sẽ bị đào thải, thiệt thòi. Bởi trên toàn cầu, các tiêu chí xanh trở thành “giấy thông hành” đặc biệt, cần có.
Ngoài ra, với sự vào cuộc của Chính phủ và cơ quan chức năng, những rào cản từ nội tại chính sách, pháp lý, nền tảng phát triển sản phẩm dịch vụ xanh đang dần được tháo gỡ, mở đường cho ngân hàng – doanh nghiệp tiến về Sustainable Business – Kinh doanh bền vững, phát triển bền vững.
Dù vậy, việc hiện thực hóa các tham vọng về ứng phó với biến đổi khí hậu theo các chuyên gia quốc tế, vẫn chưa thể nhanh so với tốc độ của biến đổi khí hậu hiện nay và trong tương lai. “Tốc độ khử các-bon chậm trên toàn cầu đang đặt nhân loại vào một tình thế nguy cấp. Vì vậy, chúng ta cần có những hành động mang tính tập thể và toàn diện”, bà Lit Ping Low và bà Daisy Chee của PwC nhấn mạnh trong báo cáo về Chỉ số kinh tế Net Zero năm 2023.
Rõ ràng, việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hướng tới mục tiêu net zero trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói riêng và trên toàn cầu nói chung, không thể chỉ chờ những thúc đẩy trực tiếp hay gián tiếp một cách từ tốn nữa, mà cần tiến đến sự sàng lọc mạnh mẽ hơn nữa trong mỗi nguồn vốn, mỗi sản phẩm được đưa ra. Nói như ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ, hiện tại ngân hàng chưa thể triển khai 100% vốn xanh, nhưng đến một lúc nào đó, sẽ tiến đến từ chối các doanh nghiệp, dự án có tác động không tích cực tới môi trường.