Hà Tĩnh: Làng mật mía hơn 50 tuổi đỏ lửa ngày cuối năm

Còn hơn 1 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Những ngày này, làng nghề sản xuất mật mía Thọ Điền (xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) đỏ lửa nấu mật để phục vụ nhu cầu tiêu dùng vào dịp Tết.

Để ép mía, người dân cạo sạch vỏ, chặt thành từng khúc, bỏ vào máy

Sánh mịn đặc sản miền sơn cước

Trong cái lạnh “cắt da, cắt thịt”, chúng tôi tìm về làng Thọ Điền, nơi còn lưu giữ nghề nấu mật mía truyền thống. Ngay từ đầu làng, tiếng máy nghiền, máy ép mật hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ mật thơm ngon.

Theo những bậc cao niên trong làng, nghề nấu mật mía ở Thọ Điền đã tồn tại hơn 50 năm. Ngày trước, địa phương này vốn là nơi trồng mía lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh. Thấy đầu ra cây mía bấp bênh, người dân Thọ Điền quyết định ép mía, nấu mật, nhất quyết không bán mía lỗ vốn. Từ một vài hộ làm, dần dần khi nhu cầu thị trường tăng lên, Thọ Điền hình thành làng làm mật mía, trở thành nghề chủ lực trong phát triển kinh tế. Hiện nay, toàn xã Thọ Điền có khoảng 260 hộ trồng mía với diện tích hơn 24ha. Trong đó, hơn 100 hộ còn giữ nghề ép và nấu mật mía, ước tính mỗi năm cho thu nhập hơn 10 tỷ đồng.

Có thâm niên hơn 30 năm làm mật, ông Trần Văn Long (58 tuổi, trú tại xã Thọ Điền) chia sẻ: “Việc nấu mật mía rất vất vả, tôi phải dậy từ sớm để chuẩn bị củi lửa. Mía vụ cuối năm của gia đình tôi đã xay hết, nên thời gian này chủ yếu xay cho bà con trong làng. Giá mật năm nay cao gấp đôi so với năm trước. Hiện tại chúng tôi nấu đến đâu là bán đến đấy”.

Mật mía Sơn Thọ được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao

Vã mồ hôi cung cấp hàng Tết

Theo những người làm nghề trong làng, dùng củi nấu mật mía tuy vất vả, tốn công sức, thời gian nhưng thành phẩm cho ra là những giọt mật thơm ngon, sánh mịn hơn so với phương pháp nấu công nghiệp.

Anh Nguyễn Văn Dũng (trú tại xã Thọ Điền) cho biết: “Nghề làm mật mía là công việc truyền thống của gia đình tôi, tuy vất vả nhưng đổi lại thu nhập ổn định, năm nào chúng tôi cũng có một cái Tết đủ đầy. Do vào dịp gần Tết, người dân đặt mật nhiều nên chúng tôi thường phải dậy từ 4h sáng để làm”. Cũng theo anh Dũng, để có những giọt mật mía thơm ngon, sánh mịn phải trải qua nhiều công đoạn như: làm sạch mía, ép lấy nước, nấu và chắt lọc mật. Nước ép mía sau khi lọc bỏ tạp chất sẽ được nấu trong một chiếc chảo lớn từ 4 đến 5 tiếng. Trong thời gian đun mật, người nấu phải để ý độ lửa, lửa quá to sẽ bị cháy, nếu lửa nhỏ sẽ cô đặc mật mía. Loại củi được dùng để nấu mật là những thân gỗ khô lâu năm.

Để đưa sản phẩm mật mía Vũ Quang đến với đông đảo người tiêu dùng, thông qua Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), Thọ Điền thành lập hợp tác xã với sự tham gia của 30 thành viên, xây dựng thương hiệu “Mật mía Sơn Thọ”; đồng thời vận động người dân mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Là một trong những hộ dân có sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, bà Đoàn Thị Nhàn, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ mật mía Sơn Thọ, cho hay: “Vụ mía năm nay, Hợp tác xã trồng 5ha. Bình quân mỗi ngày chúng tôi ép được 5-6 tấn mía tươi, thu về khoảng 500 lít mật thương phẩm. Năm nay mía được mùa, dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường gần 3.000 lít mật thương phẩm, hiện giá bán giao động từ 50 – 70 ngàn đồng/lít”. Mật bán được giá nên cuộc sống các thành viên trong hợp tác xã nói riêng và người dân sản xuất mật nói chung được nâng cao. Nhiều hộ gia đình thoát nghèo cũng nhờ loại cây này.

Là một trong những hộ trồng mía nhiều ở thôn 5 (xã Thọ Điền), anh Bùi Đình Quyết cho hay, gia đình anh trồng 6 sào mía tươi cho sản lượng 2,8 tấn mật mía. Trừ các chi phí, mỗi năm gia đình anh thu về khoảng 100 triệu đồng. “Trước đây, để ép lấy nước mía chúng tôi phải sử dụng sức kéo của trâu nhưng từ khi có máy móc, công việc ép mía trở nên dễ dàng hơn. Mật mía Thọ Điền màu sắc đẹp, thơm ngon, phù hợp chấm với bánh chưng hoặc làm gia vị cho nhiều món ăn”, anh Quyết chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đăng Nhàn, Chủ tịch UBND xã Thọ Điền, cho biết: “Nghề nấu mật mía đã tồn tại hơn 50 năm nay. Qua quá trình phát triển, lưu giữ làng nghề truyền thống, mật mía xã Thọ Điền đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Năm nay cây mía phát triển tốt, mật bán giá cao, được thị trường ưa chuộng. Có thể khẳng định cây mía đã trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của địa phương”.

Theo Báo Phụ nữ Việt Nam