Hà Tĩnh: Rộn ràng mùa thu hoạch cam

Dịp cuối năm là thời điểm người dân ở tỉnh Hà Tĩnh tập trung thu hoạch cam bán ra thị trường. Nhờ thực hiện đồng bộ công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, cây cam đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

Dịp cuối năm là thời điểm cam Hà Tĩnh bước vào mùa thu hoạch rộ

Trên diện tích đất đồi rộng 2ha, gia đình chị Phan Thị Hiền ở xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc đã đầu tư trồng hơn 1.000 cây cam chanh, cam giòn, trong đó có khoảng 600 cây đang thời kỳ cho thu hoạch quả. Điểm nổi bật ở vườn cam của chị Hiền là có 35 cây cam chanh “cổ thụ” cao hơn 10m, cành lá sum suê, quả kết thành chùm, chín vàng.

Vườn cam của chị Phan Thị Hiền ở xã Thượng Lộc sai trĩu quả, chín mọng dịp cuối năm

“Toàn bộ diện tích cam của gia đình đạt tiêu chuẩn VietGAP và OCOP 3 sao. Năm nay sản lượng quả ước đạt trên 40 tấn, sau khi trừ các khoản chi phí dự kiến sẽ thu về hơn 1 tỷ đồng. Sản phẩm cam sạch, chất lượng được tiêu thụ ở nhiều nơi và hiện đã có rất nhiều thương lái đến tận vườn đặt mua với số lượng lớn”, chị Phan Thị Hiền vui mừng chia sẻ.

Những cây cam chanh “cổ thụ” mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân Hà Tĩnh

Mùa thu hoạch cam ở tỉnh Hà Tĩnh đang vào chính vụ và kéo dài đến tết Nguyên đán. Tại các huyện có phong trào trồng cam phát triển như: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc…người dân vui mừng, phấn khởi thu hoạch cam bán ra thị trường.

Qua tìm hiểu được biết, thời điểm này giá cam chanh thu mua bình quân tại vườn là 30 nghìn đồng/1kg, đặc sản cam giòn Thượng Lộc giá 60 nghìn đồng/1kg, sức tiêu thụ khá mạnh. Điều đó cho thấy với những địa phương có diện tích lớn, năng suất cao, cây cam sẽ mang lại nguồn lợi kinh tế gấp nhiều lần so với một số loại cây trồng khác.

Sản phẩm cam chanh Hà Tĩnh chất lượng thơm ngon, được thương lái đến tận vườn đặt mua với số lượng lớn

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ cho biết, trên địa bàn hiện có khoảng 2.030 ha cam, trong đó có hơn 1.700 ha đang thời kỳ cho thu hoạch quả với tổng sản lượng ước đạt 16.672 tấn, giá trị sản xuất ước đạt 416 tỷ đồng.

“Huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, tạo ra sản phẩm cam sạch, an toàn, chất lượng; chỉ đạo phòng chuyên môn tăng cường kiểm tra, quản lý chất lượng, nhãn hiệu đặc sản cam Khe Mây, lựa chọn một số hợp tác xã tiêu biểu tham gia Lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ 6”, ông Phan Kỳ thông tin.

Nhiều năm nay cây cam trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Hà Tĩnh

Qua tìm hiểu được biết, toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có hơn 7.200 ha cam, trong đó diện tích cho sản phẩm khoảng 6.200 ha. Đây là thời kỳ cao điểm của mùa thu hoạch cam, theo ước tính của ngành nông nghiệp Hà Tĩnh, năm nay năng suất cam bình quân ước đạt 110,4 tạ/ha, sản lượng ước đạt 67.814 tấn.

Tỉnh Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về đất đai, đặc biệt là các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, nhân rộng mô hình sản xuất cam hữu cơ, cam đạt tiêu chuẩn VietGAP được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Với năng suất cao, giá bán ổn định, mùa thu hoạch cam năm nay đã mang đến nhiều niềm vui cho người dân, tiếp thêm niềm tin, động lực trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Theo Báo điện tử Kinh tế & Đô thị