Sau thời gian tăng nóng, giá vé máy bay đã giảm đáng kể. Như chặng Hà Nội – TPHCM, thời gian sau 21h, giá chỉ còn 1,7 – 1,9 triệu đồng/vé (đã bao gồm thuế phí). Theo các hãng hàng không, để giá vé duy trì ổn định trong bối cảnh thiếu tàu bay trầm trọng, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ giảm các loại phí, thuế.
Sau tăng nóng, một số chặng bay giá vé bắt đầu giảm
Cục Hàng không Việt Nam vừa cho biết, giá vé máy bay trên các chặng bay nội địa hạng phổ thông (chưa gồm thuế, phí) đang được các hãng công bố thấp hơn đáng kể so với mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa hạng phổ thông cơ bản theo quy định.
Theo đó, chặng bay Hà Nội – TPHCM vào ngày 8/6 của Vietnam Airlines có giá thấp nhất khoảng 1,3 triệu đồng/vé và giá cao nhất gần 3 triệu đồng/vé (tương đương 37-86,4% mức giá tối đa); Vietjet dao động 1,1-2,6 triệu đồng/chiều/vé; Bamboo Airways có giá vé dao động từ 1,1-1,5 triệu đồng/chiều; Viettravel Airlines giá vé từ 1,1-1,2 đồng/chiều (tương đương 29,6-35,2% mức giá tối đa theo quy định). Trong khi đó, giá tối đa của chặng bay này theo quy định là 3,4 triệu đồng/chiều.
Ở chặng Hà Nội – Đà Nẵng, mức giá vé tối đa theo quy định là 2,89 triệu đồng. Song hiện giá vé của Vietnam Airlines từ 729.000 đồng đến 1,8 triệu đồng/chiều (tương đương 25-62% mức giá tối đa); Vietjet Air có mức giá 390.000 đồng đến 1,7 triệu đồng/chiều (tương đương 13,5 – 57,1% mức giá tối đa); Bamboo Airways dao động từ 769.000 đồng đến 1,4 triệu đồng/chiều.
Trên chặng Hà Nội – Phú Quốc, giá vé từng cao ngất ngưỡng, song hiện Vietnam Airlines công bố giá 2,3 triệu đồng/vé (tương đương 56,7% mức giá tối đa theo quy định); Vietjet Air có giá dao động từ 1,4-2 triệu đồng (tương đương 34,8-51% mức giá tối đa theo quy định).
Khi đặt vé cho các ngày bay xa hơn, các hãng có sẵn mức giá thấp hơn để hành khách lựa chọn. Trong tháng 7, giá vé tương đương từ 20-70% mức tối đa trên các chặng bay. Đáng chú ý, theo công bố, vé hạng phổ thông, phổ thông tiết kiệm trong khung giờ khởi hành trước 6h và sau 21h đang ở mức khá mềm, từ khoảng 1,7 – 1,9 triệu đồng/vé máy bay (bao gồm thuế phí) cho hành trình Hà Nội và TPHCM; Hà Nội, TPHCM đi Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn…
Làm gì để giá vé máy bay giảm bền vững?
Theo các hãng, việc giá vé tăng cao thời gian qua do ảnh hưởng từ việc chi phí đầu vào của ngành hàng không đồng loạt tăng mạnh. Điển hình như chi phí thuê máy bay (chiếm từ 55-60% tổng chi phí cấu thành giá vé), đối với giá thuê động cơ Airbus A321 là 48-50 nghìn USD/tháng vào năm 2019, hiện tăng lên 80-100 nghìn USD/tháng; tàu bay Boeing B-787 là 160 nghìn USD/tháng vào năm 2022, tăng lên 370 nghìn USD/tháng. Giá phụ tùng vật tư hiện tăng 10-13% so với thời điểm trước năm 2019. Cùng với đó, giá nhiên liệu và tỷ giá cũng liên tục biến động, khiến doanh nghiệp phát sinh thêm cả nghìn tỷ đồng.
Đại diện một hãng hàng không cho rằng, đến thời điểm này việc thuê máy bay không đúng so với kế hoạch. Do đó, để duy trì giá vé ở mức ổn định, Nhà nước cần điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để hỗ trợ các hãng trong giai đoạn khó khăn, đồng thời giảm 50% phí điều hành bay.
Cùng với đó, đơn vị quản lý cảng cần nghiên cứu quy trình điều hành ở sân bay theo hướng khoa học hơn. Bởi, hiện tại, một số hãng phải bay chờ, hạ tầng sân bay cũng như mật độ khai thác quá cao, ảnh hưởng rất lớn tới thời gian bay của các hãng. Nếu thời gian chờ được rút ngắn, các hãng hàng không có thể khai thác nhiều hơn, tăng doanh thu cao hơn; từ đó chi phí giảm xuống, hàng không cũng đỡ khó khăn hơn.
Tương tự, Vietnam Airlines lên phương án tăng số chỗ, số chuyến, số giờ bay. Qua đó, Vietnam Airlines mở bán vé máy bay tăng cường nhiều chuyến bay vào khung giờ muộn từ sau 21h hằng ngày. Các nhóm đường bay tăng cường chuyến tập trung vào: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn…
Trước việc các hãng tăng tần suất khai thác, giảm thời gian quay đầu tàu bay để đảm bảo sử dụng tàu bay hiệu quả, an toàn, Cục Hàng không yêu cầu người khai thác, tổ chức bảo dưỡng tàu bay chủ động rà soát quy trình bảo dưỡng, tối ưu hoá kế hoạch bảo dưỡng, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phụ tùng, thiết bị, dụng cụ phục vụ bảo dưỡng tàu bay nhằm kịp thời phát hiện và khắc phục triệt để hỏng hóc, đảm bảo tàu bay được đưa vào khai thác ở trạng thái tốt nhất.
“Các hãng bay cần đảm bảo thực hiện đầy đủ công tác huấn luyện định kỳ đối với nhân viên hàng không, quán triệt đội ngũ người lái tàu bay tuân thủ các quy định, quy trình khai thác, đặc biệt trong điều kiện thời tiết bất lợi”, Cục Hàng không Việt Nam cho hay.
|