Để né tránh sự kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng, các sản phẩm thời trang nhái thương hiệu “chuyển lên” kinh doanh trên các sản thương mại điện tử với chiêu bán hàng kín.

Túi hiệu fake ngập tràn trang thương mại điện tử
Túi xách thời trang của các thương hiệu đình đám là mặt hàng được nhiều người, đặc biệt là chị em phụ nữ vô cùng yêu thích. Do có giá thành cao từ vài triệu đến cả tỉ đồng, các sản phẩm túi hàng hiệu thường bị làm giả, nhái và phân phối cho người có nhu cầu bằng nhiều cách.
Nổi tiếng trên Shopee như một địa chỉ chuyên bán túi, giày, kính mắt, phụ kiện fake các thương hiệu lớn dưới những cái tên như: Hàng “siêu cấp”, hàng “VIP 1”… tài khoản có tên Sisterboutiqueluxury thường xuyên đăng tải các bài quảng cáo trên sàn thương mại điện tử.
“Hàng nhà em là hàng chế tác giống 99% các thương hiệu nổi tiếng, chị mua hàng nhà em yên tâm, rất nhiều khách mua hàng nhà em bảo còn đẹp hơn hàng thật họ mua cả trăm triệu” – nhân viên trực điện thoại của Sisterboutiqueluxury quảng cáo.
Đặt vấn đề muốn đến tận cửa hàng để chọn túi cho ưng ý, nhân viên cửa hàng cho biết: “Chị thông cảm bây giờ đang là cao điểm kiểm tra, nhà em đang bán hàng “nhạy cảm”, nên không cho khách đến xem trực tiếp được, nếu chị ưng, em ship cho chị kiểm tra thích mới lấy” – nhân viên cửa hàng cho hay.
Cũng chuyên bán túi nhái của các thương hiệu lớn trên Shopee, gian hàng có tên baohanluxurybag cũng thường xuyên quảng cáo bán các loại túi với mức giá từ vài trăm đến vài triệu đồng.
Ngỏ ý muốn mua một chiếc túi nhãn hiệu Dior với giá 2.156.000 đồng, phóng viên (PV) yêu cầu được đến cửa hàng để xem sản phẩm, người bán hàng thừa nhận: “Chủ yếu là hàng gia công, thời điểm này đang vô cùng ngặt không thể cho khách đến xem được. Nếu chị đặt online thì lúc nào cũng sẵn”.

Cửa hàng trực tiếp cũng chuyển qua ship hàng online
Thường xuyên đăng bài, chạy quảng cáo bán túi hiệu fake giá rẻ, cửa hàng Minh Hiền Store cho biết, có bán hầu hết các sản phẩm đang là “xu hướng” hiện nay.
Cửa hàng Minh Hiền Store, địa chỉ 157B phố Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, được giới thiệu bán các sản phẩm hàng hiệu đến từ nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Gucci, Louis Vuitton, Hermes…
“Ở cửa hàng chủ yếu là hàng nhập, nếu chị muốn mua loại cao cấp hơn – hàng VIP Pháp thì chúng em cũng có nhưng sẽ ship tận nơi cho khách chứ không trưng bày tại cửa hàng” – nhân viên của Minh Hiền Store tại phố Bà Triệu cho biết.
Tiếp tục ghi nhận tại một chi nhánh khác của Minh Hiền Store, chúng tôi tìm đến địa chỉ 33 Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Căn nhà không bảng tên, không biển hiệu, nằm sâu bên trong một cửa hàng bán cà phê, bày bán hàng trăm sản phẩm túi, trang sức giả mạo các thương hiệu thời trang xa xỉ bậc nhất thế giới.
Giơ một chiếc túi Louis Vuitton On The Go, kích thước 22 màu trắng – được cho là sản phẩm “hot trend”, nữ nhân viên giới thiệu đây là best seller (sản phẩm bán chạy nhất – PV) của shop, có giá hơn 1.480.000 đồng, trong khi ở cửa hàng chính hãng, sản phẩm này có giá hơn 90 triệu đồng.
“Bán hàng giả không sợ quản lý thị trường phạt à?”, chúng tôi hỏi. Nữ nhân viên đáp: “Có đấy ạ, nhưng cơ sở này của bọn em ở sâu bên trong còn đỡ. Cơ sở 157B phố Bà Triệu thời điểm này căng hơn, sợ bị kiểm tra nên không dám bày nhiều hàng”.
Ông Nguyễn Đăng Sinh – Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam – khẳng định: Hành vi bán hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là biểu hiện của sự coi thường pháp luật, vi phạm nghiêm trọng các quy định hiện hành và thậm chí tiềm ẩn dấu hiệu hình sự. Theo ông Sinh, trong bối cảnh Việt Nam đã cam kết thực thi các hiệp định thương mại quốc tế liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, việc chấp hành nghiêm túc các cam kết này không chỉ là nghĩa vụ pháp lý, mà còn là yêu cầu bắt buộc để bảo đảm uy tín và vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Nếu không thực hiện nghiêm, Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ bị khiếu kiện, chế tài theo cơ chế giải quyết tranh chấp của các hiệp định thương mại tự do. Đáng lo ngại, theo ông Sinh, một bộ phận người tiêu dùng biết rõ sản phẩm là hàng giả, nhưng vẫn tiếp tay tiêu thụ. “Tại Pháp, nếu phát hiện người tiêu dùng sử dụng hàng hóa giả mạo thương hiệu, cơ quan chức năng có thể tiến hành tịch thu ngay và thậm chí xử phạt người sử dụng. Ở Việt Nam, hiện chưa có chế tài xử lý người tiêu dùng, nhưng để ngăn chặn triệt để hoạt động tiếp tay này, cần xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh hàng giả” – ông Sinh nhấn mạnh. |