Hành khách bị hủy tàu do bão số 3 sẽ được hoàn lại tiền

Thông tin tới Báo Lao Động tối 6.9, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hành khách bị hủy tàu do bão số 3 sẽ được hoàn tiền.

Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, đối với hành khách mua vé online, ngành đường sắt sẽ chủ động hoàn trả nguyên tiền vé qua tài khoản.

Đối với hành khách mua vé tại ga và đại lý, hành khách có thể trả vé sau ngày tàu chạy tối đa 30 ngày.

Trước đó, Báo Lao Động đưa tin Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam bãi bỏ nhiều chuyến tàu để ứng phó với bão số 3.

Theo đó đơn vị bãi bỏ các chuyến tàu như sau:

Bãi bỏ tàu SE11 xuất phát Hà Nội ngày 9, 10.9.2024 và tàu SE12 xuất phát Sài Gòn ngày 11, 12.9.2024.

Bãi bỏ tàu LP5/HP2, tàu LP8/7 ngày 7.9.2024.

Bãi bỏ tàu HP1, LP2 ngày 8.9.2024.

Bãi bỏ tàu NA1/NA2 ngày 7.9.2024

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu các biện pháp phòng chống bão số 3 như sau:

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai khu vực 1 cử người thường trực tại hiện trường để chỉ đạo công tác cứu chữa khi có sự cố xảy ra, lưu ý các vị trí xung yếu; Phân ban Quản lý KCHT đường sắt khu vực 1 cử cán bộ chỉ đạo công tác chuẩn bị, phương án cứu chữa khi có tình huống xấu do mưa lớn kéo dài gây ra.

Các Công ty Cổ phần Đường sắt, Cổ phần Thông tin tín hiệu đường sắt và các Chi nhánh khai thác đường sắt:

Kiểm tra các vị trí xung yếu có nguy cơ mất an toàn, gia cố đảm bảo an toàn; thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác tại các vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm.

Tổ chức thường trực 24/24 để kịp thời chỉ đạo công tác khắc phục sự cố; lập phương án sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra khi có mưa lớn bão để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, phương tiện, thiết bị, nhà xưởng và ATGT đường sắt.

Trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động khi thực hiện nhiệm vụ ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

Các đơn vị vận tải có phương án ứng cứu, phương án chuyển tải hành khách, cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu, thuốc chữa bệnh đối với tàu khách, bảo quản hàng hóa ở những khu vực dễ xảy ra gián đoạn giao thông vận tải đường sắt do ảnh hưởng của mưa bão.

Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách, hàng hoá và phương tiện.

Chuẩn bị tốt hệ thống thông tin tại các ga và trên các đoàn tàu để kịp thời thông báo cho hành khách ở ga, trên các đoàn tàu được biết về diễn biến của mưa, bão và kế hoạch phải dừng tàu để tránh mưa, bão tạo sự yên tâm tuyệt đối cho hành khách.

Phối hợp với Trung tâm Điều hành vận tải đường sắt bố trí toa xe dự trữ phòng chống thiên tai.

Trung tâm điều hành vận tải phải theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết để chủ động điều tiết hành trình chạy tàu tại ga xuất phát. Phối hợp với các Chi nhánh khai thác đường sắt rà soát các ga trên tuyến có đủ điều kiện phục vụ để có thể bố trí dừng tàu tránh mưa, bão hợp lý nhất.

“Tuyệt đối không bố trí tàu chạy xuyên tâm bão”, Tổng Công ty Đường sắt nhấn mạnh.

Các Ban chuyên môn của Tổng Công ty: Cử người thường trực 24/24 để nắm bắt kịp thời thông tin về thời tiết và tham mưu lãnh đạo Tổng Công ty phương án ứng cứu.

Các đơn vị theo dõi diễn biến của thời tiết và thường xuyên báo cáo tình hình về Thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đường sắt của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (Ban Quản lý KCHT đường sắt).

Theo Báo Lao Động