Hành trình ấn tượng trong năm 2023 và kế hoạch dài hơi của du lịch Việt

Du lịch Việt Nam năm 2023 đã cán đích với 12,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp gần 3,5 lần so với năm 2022, vượt 57% mục tiêu ban đầu (8 triệu lượt) cùng một kế hoạch dài hơi cho chặng đường tới.

Du lịch Việt vừa trải qua một năm 2023 nhiều thách thức trên chặng đường phục hồi hậu đại dịch. (Ảnh minh họa: Hải An/Vietnam+)

Năm 2023, du lịch Việt Nam đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp gần 3,5 lần so với năm 2022, vượt 57% mục tiêu ban đầu (8 triệu lượt) và đạt mục tiêu sau điều chỉnh (12-13 triệu lượt). Tính riêng tháng 12, ngành du lịch đón 1,37 triệu lượt khách quốc tế.

Với những nỗ lực phục hồi và phát triển giai đoạn mới, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng công bố Quy hoạch hệ thống du lịch, phát triển du lịch quốc tế song song với tăng cường khai thác có hiệu quả du lịch nội địa…

Hàn Quốc dẫn đầu thị trường khách tới Việt Nam

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế qua các tháng tăng dần đều, thể hiện xu hướng đang phục hồi về khách quốc tế. Đáng chú ý, 6 tháng cuối năm 2023, mỗi tháng đều có trên 1 triệu khách đến Việt Nam, trong đó riêng tháng 12 đạt lượng khách cao nhất với 1,37 triệu lượt.

Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong năm 2023 với gần 3,6 triệu lượt (chiếm 28% tổng số khách). Xếp vị trí thứ 2 là thị trường Trung Quốc với 1,7 triệu lượt. Tổng 2 thị trường này chiếm 42% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Đài Loan (Trung Quốc) đứng vị trí thứ 3 với 851 nghìn lượt; Mỹ xếp thứ 4 với 717 nghìn lượt; Nhật Bản ở vị trí thứ 5 với 590 nghìn lượt.

Tiếp theo là 3 thị trường Đông Nam Á: Thái Lan (489 nghìn lượt, thứ 6); Malaysia (470 nghìn lượt, thứ 7); Campuchia (402 nghìn lượt, thứ 8). Ấn Độ xếp vị trí thứ 9 (392 nghìn lượt); Australia xếp thứ 10 (390 nghìn).

Du khách quốc tế mong muốn tìm kiếm những trải nghiệm khác biệt khi đến Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Khu vực châu Âu có 3 thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam là: Anh (253 nghìn lượt), Pháp (215 nghìn lượt) và Đức (200 nghìn lượt).

So với thời điểm trước đại dịch COVID-19 (năm 2019), Nga và Anh không còn nằm trong 10 thị trường hàng đầu gửi khách đến Việt Nam, thay vào đó là Campuchia và Ấn Độ với sự tăng trưởng đột phá trong năm qua.

Như vậy, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023 đạt 70% so với năm 2019. Trong đó, xét theo châu lục, thị trường khách từ châu Úc và châu Mỹ có mức độ phục hồi tốt nhất (99% và 93%); châu Âu (67%) và châu Phi (63%) phục hồi chậm; châu Á mới đạt 68%.

Một số thị trường lớn có mức độ phục hồi rất tốt: Mỹ (96%) Hàn Quốc (84%), Đài Loan – Trung Quốc (92%), Thái Lan (96%); Indonesia (99%). Đặc biệt, một số thị trường Đông Nam Á thậm chí đã cao hơn so với thời điểm trước dịch: Campuchia (176%); Lào (122%); Singapore (106%). Ở Nam Á, thị trường Ấn Độ cũng có sự phục hồi ấn tượng (231%).

Tín hiệu lạc quan cũng đến từ các thị trường chính ở châu Âu: Tây Ban Nha phục hồi tốt nhất với 91%, Đức đạt 88%, Anh đạt 80%, Pháp đạt 75%.

Du lịch tàu biển hạng sang mang đến dòng khách chất lượng cao du lịch Việt. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Dù chiếm thị phần lớn lượng khách đến Việt Nam song thị trường truyền thống Trung Quốc mới đạt tỷ lệ phục hồi 30%. Ở thời điểm trước dịch, thị trường Trung Quốc chiếm gần 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Thị trường Nga mới đạt 19% so với năm 2019. Một thị trường quan trọng khác của Việt Nam ở châu Á là Nhật Bản chỉ đạt mức 62%.

Quy hoạch hệ thống du lịch Việt

Tại phiên họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết sẽ Quy hoạch hệ thống du lịch dựa trên quan điểm: Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP; phát triển du lịch quốc tế song song với tăng cường khai thác có hiệu quả du lịch nội địa; phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế quốc gia; gắn du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc, Chuyển đổi Số…

Đến năm 2030, Du lịch Việt Nam phấn đấu đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13-15%/năm; phục vụ 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4-5%/năm; đóng góp trực tiếp của du lịch trong GDP đến năm 2030 từ 10-11%, tạo ra khoảng 6,5 triệu việc làm, trong đó khoảng 2,2 triệu việc làm trực tiếp.

Đến năm 2045, du lịch Việt Nam phấn đấu trở thành điểm đến nổi bật toàn cầu, trong nhóm quốc gia phát triển du lịch hàng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương; dự kiến đón 70 triệu lượt khách quốc tế, 260 triệu lượt khách nội địa; tổng thu đạt khoảng 7.245 nghìn tỷ đồng; đóng góp 12-13% GDP.

Du khách quốc tế trải nghiệm làng nghề truyền thống Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm, các dòng sản phẩm du lịch chính của Việt Nam được xác định là: Du lịch biển; giá trị văn hóa vùng miền; du lịch sinh thái; sản phẩm du lịch gắn với trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị-xã hội…; các loại hình du lịch mới như du lịch kết hợp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch công nghiệp; du lịch thể thao…

Định hướng phát triển không gian du lịch gồm 6 vùng, 2 cực tăng trưởng, 8 khu vực động lực, 5 hành lang du lịch, 9 trung tâm du lịch và các khu du lịch quốc gia.

Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh các lĩnh vực ưu tiên tập trung vào những điểm nghẽn, điểm yếu của du lịch Việt như: Hạ tầng và cơ sở vật chất điểm đến, lưu trú; khả năng kết nối liên ngành, liên vùng; sản phẩm và thương hiệu du lịch quốc gia; nguồn nhân lực; xúc tiến quảng bá; phát triển tài nguyên và bảo vệ môi trường du lịch./.

Theo Báo Vietnam+