Hào sảng như Phạm Minh Thiện

Phạm Minh Thiện, người kế nghiệp doanh nghiệp tử tế mang tên Cỏ May, sinh ra ở Sa Đéc, trưởng thành ở Phú Quốc, đi vòng quanh thế giới để bán gạo, bán cá, bán viên nén trấu, và bán giấc mơ nông nghiệp Việt Nam nhiều giá trị gia tăng. Thiện cũng là một mẫu người “chuẩn Nam bộ”: phóng khoáng, hào sảng và… Lục Vân Tiên.

Thiện gửi đoạn phim truyền hình mang tên  ghi lại câu chuyện của chị Nhung Nguyễn – giám đốc ký túc xá Cỏ May và bạn Thúy Diễm, người đã tìm ra “ánh sáng Cỏ Việc tử tế,May” trong giàn giụa nước mắt, nói: “Cám ơn các em đã cùng làm cho những đồng tiền được tạo ra từ mồ hôi nước mắt trở nên có giá trị và ý nghĩa cho cuộc đời!”. Thúy Diễm con nhà nghèo, mẹ bệnh liệt giường, ba làm “thợ đụng” nên ước mơ học đại học là vô cùng xa vời, cho tới khi Diễm được tin mình trúng tuyển học bổng và được vào ở ký túc xá Cỏ May.

Với Diễm, bạn đã nỗ lực tới tận cùng để không từ bỏ giấc mơ đại học. Và Diễm, như hàng ngàn mảnh đời nghèo đã được Cỏ May của doanh nhân tử tế Phạm Văn Bên xây dựng nên cưu mang. Nhưng Diễm không biết rằng, những câu chuyện như của Diễm chính là động lực để mỗi ngày, “truyền nhân của tử tế” – chàng con trai út đang kế nghiệp ông Bên, ngồi nghĩ hàng trăm ý tưởng, tính toán quá chừng công việc, để “lo cho tụi nhỏ đầy đủ hơn chút…”.

Lòng dạ mênh mông như sông nước đồng bằng… 

Nửa đêm, Phạm Minh Thiện – biệt danh Dế Mèn – nhắn: “Ông ở Sài Gòn không, cà phê không, giờ tui chạy lên chừng 2 tiếng nữa là tới, có vụ tự động hóa vùng trồng chuối với vụ máy sấy khoai mì xịn lắm muốn bàn chút”. Tôi nhìn đồng hồ, muốn… xỉu với ông bạn “Dế Mèn đậu cây Cỏ May” này. 11 giờ đêm, mà Thiện hào hứng quá với công chuyện vậy trời ơi! Chợt nhớ ra, tối mai Thiện bay đi Mỹ dự triển lãm nông nghiệp mất tiêu, nên nửa đêm về sáng, hai đứa bèn lôi nhau ra ngồi “ủ mưu” chuyện doanh nông…

Phạm Minh Thiện (Tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May).

Hóa ra, Thiện mới biết được một ông nông dân loại xịn, chế ra cái máy sấy khoai mì “ăn đứt” các sản phẩm hiện có trên thị trường về tốc độ, hiệu năng và tính tiện dụng. Có điều, ổng không rành chuyện làm ăn nên… bết dữ lắm. Thiện chạy tới, ưng cái bụng, tính nhẩm một hồi chuyện khoai mì là nguyên liệu chính của nhiều loại thức ăn chăn nuôi ở đồng bằng, giá nhập mùa này như này mùa kia như nào, sấy như vầy thì lợi bao nhiêu. Thấy ổn, Thiện móc túi đầu tư, cũng không tính toán thiệt hơn là mấy.

Ủa không phải, nói Thiện không tính toán chi li mới đúng, chứ chuyện làm ăn thì ông thần sinh năm 1981 này tính siêu giỏi. Chuyện khoai mì này, Thiện tính được là tiết kiệm bao nhiêu tiền công, tiền xe, bao nhiêu thời gian, và cái chuỗi giá trị ngành thức ăn chăn nuôi chung của mọi người được lợi bao nhiêu nữa. Và hình như, cái gen doanh nhân, gen làm ăn kiểu đầu tư tạo tác động xã hội để ai cũng có lợi là một loại… gen trội trong con người anh. Nên Thiện làm kinh doanh món gì cũng… siêu. Từ hồi chúng tôi biết nhau, dễ chừng gần hai thập kỷ, thấy anh chàng nhìn xa trông rộng, ghép những mảnh ghép của hệ sinh thái nông nghiệp với nhau rất tài tình. Cái nào ưng cái bụng thì nhào vô làm, làm chưa được thì… để đó từ từ tính tiếp chứ không bỏ cuộc…

Thí dụ vầy: Thiện thấy anh em nông dân cứ đưa vai mà vác lúa, vác trái cây từ trong ruộng, trong vườn ra ngoài điểm tập kết, lúc trai tráng thì dễ rồi, mà 10 năm sau thấy người già đi, tụi trẻ hơn thì lên thành phố mất tiêu, nên vẫn đưa vai vô mà vác. Thiện nghĩ, nếu mình làm hệ thống ròng rọc thì đỡ biết bao nhiêu. Nghĩ là làm thôi. Anh chàng đưa bản vẽ, còn có phần sơ sài. Tưởng sao, “bắt đầu làm rồi chớ, mấy chuyện này đâu có chờ được”!

Ký túc xá Cỏ May có thiết kế tương đương khách sạn 3 sao, đầy đủ trang thiết bị cho hơn 400 sinh viên ăn, ở miễn phí. Ảnh: T.A.T

Tôi ngồi nhìn Thiện, anh chàng bình thường có chút rụt rè, nhưng nói chuyện nông nghiệp là như biến thành người khác, có cái ngang tàng của dân khẩn hoang, có cái lãng mạn của người sông nước để cất lên câu hò mênh mang hết cả mặt sông rộng lớn, lại có cái hào sảng của câu hát Vân Tiên. Tôi tra từ điển chữ “hào sảng” cho chắc ăn, thấy rất đúng về Thiện: “rộng rãi, không gò bó, không tiết kiệm, sẵn sàng chia sẻ với người khác. Người có tinh thần hào sảng thường có tâm trạng tốt, tự tin, và đầy nghị lực sống”. Cái hào sảng này, tôi có thể kể 100 câu chuyện về Thiện, từ chuyện anh chàng đi mua xe máy cho học trò nghèo, chuyện dẫn người nuôi cá đi Singapore khám bệnh cho tới sẵn lòng nhắn cái tin cho một bạn trẻ miền Trung: “đón xe đò vô đây làm với anh” khi nghe ý tưởng về canh tác lúa kiểu mới của bạn.

Đến chuyện “yêu thiết tha” sản phẩm của mình 

Thiện được thừa hưởng nhiều mối quan hệ tốt từ cha anh, ông Phạm Văn Bên, nên Thiện rất… khôn, mời từ giáo sư Phan Thanh Bình tới giáo sư Võ Tòng Xuân tới bà Vũ Kim Hạnh vô ngồi hội đồng tuyển chọn sinh viên nhận học bổng Cỏ May. “Tui có biết gì mấy vụ này, mời mấy thầy cô cho đúng chớ. Mình lo xách giỏ đi học với đi cày kiếm tiền phụ xã hội lo cho tụi nhỏ đàng hoàng được rồi”.

Cái sự học này của Thiện, làm tôi nhớ tới cái thư mà giáo sư Phan Văn Trường gửi các doanh nhân trẻ, y chang như là đang viết cho Thiện vậy: “Xin chúc các bạn ý thức được rằng mình phải yêu sản phẩm của mình trước hết, trước khi mình muốn khách hàng yêu sản phẩm của mình. Bao nhiêu lần tôi được nghe du khách phê bình là chúng ta không yêu cái gì mình có, từ Anh là “love passionately”, yêu thiết tha. Hãy yêu thiết tha rượu mình bán, yêu thiết tha cảnh quan của đất nước khi bán du lịch, yêu thiết tha rau củ của ruộng đồng mình, yêu thiết tha cá tôm cua từ sông biển của mình, yêu thiết tha nhân viên của mình, yêu thiết tha món ăn mình làm cho du khách… Vì khi yêu thiết tha như vậy thì chúng ta không cần chứng minh chất lượng nữa, khách hàng sẽ cảm nhận một cách rất tự nhiên, tình yêu tuyệt diệu như thế đó. Cứ yêu thiết tha cái gì chính mình bán, cứ yêu thiết tha việc tạo giá trị là khách hàng sẽ tới và sẽ tin tưởng…”.

Mô hình chuỗi liên kết nuôi cá tra ở Đồng Tháp được Công ty Cỏ May hỗ trợ 100% thức ăn trong cả vụ nuôi, khi bán cá xong công ty mới thu tiền thức ăn. Trong đó, Cỏ May mua 50 – 60% sản lượng cá theo giá thị trường. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Tôi nghĩ, thầy Trường đang viết về Thiện, viết cho Thiện, cái ông bạn doanh nông kỳ lạ này thực sự “yêu thiết tha” những sản phẩm của mình, yêu đến quên ăn quên ngủ, và trong lòng lúc nào cũng nghĩ đến sản phẩm.

Đó là tình yêu dành cho con cá tra, vốn xưa giờ chỉ dùng để xuất khẩu. Thiện làm đủ mọi cách, thử đủ mọi chiêu, chẳng hạn mở chuỗi bán cơm để giới thiệu các món chế biến từ cá tra, thử nghiệm chế tạo các sản phẩm cá tra phi lê khác nhau, làm luôn hẳn một đại tiệc buffet với 100 món từ cá tra quy tụ hơn 2.000 thực khách để rồi hạnh phúc la to lên, rất to: “Trời ơi tui mừng quá, có đường cho con cá tra quê mình hồi hương rồi…”.

Để có cái tiệc này, Thiện cất công đi năn nỉ từ nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương, đầu bếp Nguyễn Quang Long hay nhà nghiên cứu Chiêm Thành Long hàng mấy tháng trời, bởi cái chuyện “đem con cá tra hồi hương” nó không có dễ, cá này người Mỹ, người châu Âu ăn nhiều chứ dân mình đâu có ăn, đâu có công thức chế biến cá da trơn đâu…

Đó là tình yêu dành cho cây lúa, khi mà Thiện lụi cụi ngồi tính dòng đời của cây lúa “nhà quê” vốn bị bỏ quên từ lâu vì không dẻo thơm như các giống lúa mới, nhưng lại có khả năng chịu mặn, chống chọi sâu bệnh, phù hợp thổ nhưỡng và gạo rất hợp để làm… bột Sa Đéc. Làm sao để mình cứu cây lúa bản địa này? Thiện đi học cùng trời cuối đất, mê mẩn khi tìm được một ông thầy ở đại học Nông Lâm có công trình nghiên cứu ứng dụng enzym để làm tăng độ đạm của cái “bã bột” – phụ phẩm của việc sản xuất bột gạo. Vậy là mảnh ghép cuối cùng của bài toán kinh tế tuần hoàn ra đời: rơm rạ trồng nấm, gạo làm bột, cám làm dầu, trấu làm viên đốt và bã bột làm thức ăn chăn nuôi, ngoài ra thì đất khoẻ, người khỏe vì không xài thuốc, tự dưng du lịch phát triển…

Đó là tình yêu dành cho máy móc, công nghệ và “mấy thứ mới lạ có ích”. Tôi nhớ có lần, hai đứa gặp nhau trong một bữa tiệc siêu đông người, nhưng len lén trốn ra ngoài hành lang để nghe Thiện khoe mới “tậu” được một ông anh có năng lực chế ra hệ thống sấy khoai mì siêu tốc từ năng lượng mặt trời, có khả năng làm thay đổi cục diện ngành thức ăn chăn nuôi vốn tiêu thụ rất lớn loại nguyên liệu này. Thiện mê say mô tả, hạnh phúc làm bài toán phân chia lợi tức cho mọi người trong chuỗi giá trị, và cứ mỗi lần về đêm, buông bớt công việc mỗi ngày ra là Thiện lại nói chuyện… máy sấy khoai mì…

Truyền nhân của tử tế 

Chúng tôi cũng hay xuống ký túc xá Cỏ May chơi. Tôi có cảm giác, đây chính là ngôi nhà thực sự, chốn nương náu tâm hồn quan trọng nhất của Thiện. Về tới ký túc xá, Thiện ngừng bàn công việc, lăn vô chơi với các bạn sinh viên, và bày binh bố trận ra thêm một mớ các hoạt động khác cho xôm tụ, nhất là các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng nông nghiệp. Nhiều lúc thấy Thiện hào hứng quá với mấy ý tưởng chưa thực sự “chín” của các bạn, tôi tỏ ý can ngăn. Thiện cười: “Kệ tui, tui thích ủng hộ, thích cho tụi nhỏ làm tới thì mới ưng cái bụng”.

Từ phải: bà Nguyễn Ngọc Oanh (vợ cố doanh nhân Phạm Văn Bên) đồng sáng lập Ký túc xá Cỏ May và con trai Phạm Minh Thiện tại cuộc gặp gỡ sinh viên ký túc xá Cỏ May, tháng 9.2023.

Thiện như một đứa con nít khi về tới ký túc xá, nhào nhào vô coi lớp tập võ, thiếu chút nữa là giành hát hò với các bạn trong lớp học nhạc, và đi loanh quanh gật gù gật gù tỏ ra hân hoan khi nghe kết quả học tập của tụi nhỏ. Có lần, ở một buổi tuyên dương thành tích học tập của sinh viên nghèo trong ký túc xá, Thiện nhấp nhỏm vì muốn tặng thêm quà cho các bạn. Tặng xong, món quà lại cứ được trao đi lòng vòng vì “em đã có rồi, em xin chuyển cho các bạn khác chưa có phần thưởng”. Cảnh tượng y như trong phim Đáp đền tiếp nối, kể về câu chuyện lòng tốt, việc tốt cứ được truyền đi, nhân rộng lên hoài thành một vòng tròn nhân ái của xã hội.

Thiện nói nhỏ: “Trời ơi cái này mình chỉ cần chịu khó bán thêm mấy tấn cám là đủ cho tụi nhỏ có một kỳ tất niên thiệt vui rồi…”. Tôi nói với Thiện: “Hay là mình bớt bớt công chuyện đi được hông, sao lúc nào trong đầu ông cũng… chạy số vậy”. Thiện nói: “Để bớt liền bớt liền, ai làm nhiều cực nhiều ráng chịu chớ”.

Tôi cười, nhớ lại những nửa đêm về sáng Thiện hay nói về tâm nguyện cho đi của mình, như một cách tiếp nối hành trình của cha anh: “Đằng nào tiền bạc cũng sẽ gửi tặng xã hội để người giỏi hơn mình làm việc có ích, nên đứa nào ham làm thì đứa đó cực, chớ tui là tui sẵn sàng giao cho mấy bạn trẻ để thỏa sức mà sáng tạo bay cao…”.

Ký túc xá Cỏ May do cố doanh nhân Phạm Văn Bên (chủ doanh nghiệp Cỏ May ở tỉnh Đồng Tháp) đầu tư xây dựng, nằm trong khuôn viên rộng 2.600m2 của Đại học Nông lâm TP.HCM.

Câu chuyện vẫn luôn được quản lý ký túc xá kể lại khi có ai hỏi đến ông Bên: quá khứ nghèo khó thời thơ ấu khiến ông hiểu hơn ai hết gánh nặng cơm áo gạo tiền nên khi có điều kiện, ông muốn làm một việc ý nghĩa nâng đỡ các em sinh viên nghèo khó hiếu học. Chỉ tiếc rằng, khi Ký túc xá Cỏ May hoàn thành được 70 – 80% thì ông Bên qua đời nên không được nhìn thấy những sinh viên đầu tiên vào ở ký túc xá. Trước khi mất, ông cũng kịp bàn giao cho con trai Phạm Minh Thiện tiếp tục thực hiện di nguyện của mình.

Phạm Minh Thiện đang tiếp tục thực hiện di nguyện của cha mình – cố doanh nhân Phạm Văn Bên.

Ký túc xá Cỏ May có thiết kế 4 tầng gồm 54 phòng trang trí hiện đại, tương đương khách sạn 3 sao, đầy đủ trang thiết bị cho hơn 400 sinh viên ăn, ở miễn phí. Tổng kinh phí đầu tư lên tới 40 tỷ đồng do ông Bên đóng góp. Bên cạnh đó, mỗi năm doanh nghiệp Cỏ May còn chi khoảng 15 tỷ đồng để lo ăn uống, điện, nước, dạy kỹ năng cho sinh viên…

Khoảng 20% số sinh viên Đại học Nông Lâm được ở tại đây. Còn lại là sinh viên các trường khác đáp ứng được yêu cầu ban quản lý ký túc đặt ra. Từ năm 2016 cho đến tháng 9.2023, nơi đây đã tiếp nhận và chăm lo toàn diện cho 8 khóa với gần 800 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi, từ khắp cả nước đến TP.HCM học tập.

Theo Tạp chí Người Đô Thị