Bà Đinh Thị Hoàng Yến, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Áo, kiêm nhiệm Slovenia chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về hiệu quả của Hiệp định EVFTA.
Thưa bà, sau 4 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, bà đánh giá gì về hiệu quả của Hiệp định đối với thương mại hai chiều Việt Nam – Áo?
Hiệp định EVFTA đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Áo vì theo cam kết, thuế quan và các rào cản phi thuế quan đã giảm đi đáng kể.
Theo số liệu thống kê của Áo, thương mại song phương giữa Áo và Việt Nam liên tục tăng trưởng đều từ năm 2020 kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Năm 2020, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 1,19 tỷ Euro còn năm 2023 là 1,62 tỷ Euro với thặng dư hàng năm lên đến hơn 1 tỷ Euro nghiêng về phía Việt Nam.
Hiện Việt Nam đứng thứ 23 về kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của Áo, với trị giá 1,4 tỷ Euro, tăng 2,5% so với năm 2022 và chiếm thị phần 0,7%, trên cả Ấn Độ. Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ 57 về kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Áo với trị giá chỉ 206 triệu Euro, giảm 9,1% so với năm 2022 và với thị phần 0,1%.
Các doanh nghiệp Áo đã được hưởng lợi từ việc tiếp cận tốt hơn với thị trường Việt Nam – đặc biệt là các lĩnh vực như máy móc, dược phẩm và công nghệ cao. Xuất khẩu của Việt Nam sang Áo tiếp tục tăng trưởng, góp phần củng cố quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam với các nước EU.
Trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Áo, theo bà, điểm mạnh và yếu của hàng Việt Nam là gì?
Hàng hóa Việt Nam có một số thế mạnh tại Áo là giá cả cạnh tranh và chất lượng cao với các sản phẩm như hàng dệt may, giày dép và đồ điện tử. Ngoài ra, các sản phẩm nông nghiệp cũng khá cạnh tranh, cụ thể như hoa quả, thuỷ sản, ngũ cốc, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, quế hồi…
Với những lợi thế này, cùng với sự trợ lực của Hiệp định EVFTA, trong thời gian qua, Thương vụ đã hỗ trợ đưa một số mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào Áo. Trong khi trước đó, hàng hoá phải qua trung gian nước thứ ba như: Gạo Lộc Trời, nước cốt dừa Lương Qưới, bia Habeco…
Tuy nhiên, điểm yếu đáng kể của hàng Việt Nam là nhận diện thương hiệu. Các sản phẩm của Việt Nam thường không có thương hiệu riêng hoặc không có thương hiệu mạnh tại Áo. Theo Tiến sỹ Christopher Kummer – CEO của Viện Sáp nhập, Mua bản và Liên minh (IMAA), các công ty Việt Nam có thể xem xét việc tạo ra hoặc mua lại các thương hiệu châu Âu để thâm nhập vào thị trường Áo.
Từ những điểm mạnh và điểm yếu đó, bà có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp nhằm tận dụng tốt những ưu đãi từ EVFTA nhằm đẩy mạnh thương mại hai chiều Việt Nam – Áo?
Như chúng ta đã biết, các mục tiêu của Hiệp định EVFTA bao gồm: Xóa bỏ thuế hải quan, thủ tục hành chính và các trở ngại khác mà các công ty châu Âu phải đối mặt khi xuất khẩu sang Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại hàng hóa như điện tử, thực phẩm và dược phẩm; mở cửa thị trường Việt Nam cho xuất khẩu dịch vụ của EU, ví dụ như trong các lĩnh vực vận tải và viễn thông.
Áo là nước phát triển có công nghệ nguồn về công nghiệp xanh, năng lượng xanh. Tuy nhiên, hiện nay, hợp tác công nghiệp giữa Việt Nam và Áo chủ yếu tập trung vào lĩnh vực máy móc và phương tiện vận tải, cáp treo, chủ yếu theo hình thức đơn hàng từ các công ty tư nhân của Việt Nam. Điển hình là các dự án: Thiết kế ô tô giữa VinFast và AVL List, Magna Steyr; các dự án cáp treo của Doppelmayr; xe cứu hỏa của Rosenbauer; cần cẩu của Palfinger; dự án thủy điện của công ty Andritz…
Việt Nam và Áo đã ký kết Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư năm 1995, Hiệp định hợp tác y tế năm 1995, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần năm 2008, Hiệp định về hợp tác tài chính năm 2008. Hai bên có cơ chế Ủy ban hỗn hợp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Kinh tế và Lao động Áo chủ trì. Ngày 20/6/2022, khóa họp lần thứ 10 của Uỷ ban hỗn hợp đã diễn ra tại Áo, trao đổi các nội dung hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, năng lượng, khai khoáng, tài chính – ngân hàng, y tế, khoa học công nghệ, giáo dục, đào tạo nghề, du lịch, môi trường, giao thông vận tải, nông nghiệp, phòng chống thiên tai. Tôi cho rằng, cần ký kết Hiệp định mới về hợp tác tài chính giữa hai nước và tổ chức khoá họp tiếp theo của Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam – Áo để hỗ trợ hơn nữa hoạt động kinh doanh của hai nước.
Thời gian tới, Thương vụ sẽ tiếp tục có những giải pháp gì nhằm hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng kim ngạch thương mại hai chiều?
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2024, FDI Áo vào Việt Nam có thêm 3 dự án, tổng vốn đăng ký 1,09 triệu USD. Luỹ kế đến ngày 20 tháng 7 năm 2024, Áo có 48 dự án tổng vốn đăng ký 151,30 triệu USD, đứng thứ 45/146 nước đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến này chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào đầu tư vào Áo. Hiệp định bảo hộ Đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) chưa được Quốc hội Áo phê chuẩn do Áo đang bận bầu cử trong năm 2024.
Theo số liệu hải quan Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Áo đạt hơn 1,49 tỷ USD, giảm 16%, so với cùng kỳ năm trước; thặng dư 1 tỷ USD nghiêng về phía Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu đạt 1,25 tỷ USD giảm 19% còn nhập khẩu đạt 239 triệu USD tăng 3,6%.
Thời gian tới, Thương vụ sẽ tiếp tục tạo điều kiện và mở rộng quan hệ thương mại giữa hai nước thông qua việc cung cấp thông tin thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam và các cơ hội tiềm năng tại Áo; hỗ trợ thành lập các đoàn thương mại và các sự kiện giao lưu có thể giúp các công ty hai nước thiết lập và củng cố mối quan hệ.
Ngoài ra, Thương vụ phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh hợp tác logistics thông qua cảng Koper (của Slovakia); tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực là thế mạnh của hai bên, đặc biệt là những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng (cơ khí, chế biến, chế tạo), các lĩnh vực hợp tác mới như chuyển đổi năng lượng, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.