Hoàn thiện khung pháp lý cho trái phiếu xanh

Trước thực trạng bức tranh trái phiếu xanh tại Việt Nam vẫn còn sơ sài, hạn chế, các chuyên gia cho rằng, cần có một hành lang pháp lý chuyên biệt để phát triển bền vững thị trường này.

Theo đó, thị trường trái phiếu xanh đã được hình thành và phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Singapore… Trái phiếu xanh đã được phát hành với mục tiêu tập trung vào các ngành, lĩnh vực liên quan đến giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu như: giao thông vận tải, năng lượng, tái chế, xây dựng và xử lí nước, rác thải.

Thị trường trái phiếu xanh đã được hình thành và phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới – Ảnh minh họa: ITN

So với các nước khác trên thế giới, thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam được triển khai chậm hơn. Tính đến tháng 10/2022, Việt Nam mới phát hành được 5 đợt trái phiếu xanh với tổng giá trị khá khiêm tốn ở mức 200 triệu USD. Phần lớn số tiền thu được từ phát hành trái phiếu (57%) được sử dụng cho năng lượng tái tạo – ngành được Việt Nam quan tâm chính, bên cạnh lĩnh vực nước, rác thải và nông nghiệp (MOF, 2021).

Bên cạnh đó, bức tranh tổng thể về thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam được đánh giá hiện đang ở dạng sơ khai, chưa phát triển, quy mô, loại hình và nền tảng cung, cầu trái phiếu xanh đều chưa chắc chắn, đặc biệt, hệ thống thông tin, tuyên truyền và sự hiểu biết của nhà đầu tư nói riêng và thị trường nói chung về trái phiếu xanh còn rất nhiều hạn chế.

Măt khác, xét về mặt cơ cấu, trái phiếu xanh ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là trái phiếu chính quyền địa phương tài trợ cho các dự án xanh, gần như hệ thống các doanh nghiệp tham gia phát hành trái phiếu xanh để huy động vốn chưa nhiều.

Đặc biệt, thách thức trong vấn đề thực thi đối với trái phiếu xanh rất lớn, các yếu tố động lực về mặt tài chính chưa rõ ràng để tham gia trái phiếu xanh, trong khi quy trình yêu cầu công bố thông tin, khối lượng công việc nhiều. Nếu nhìn rộng ra ở thị trường quốc tế thì có thể thấy nhu cầu trái phiếu xanh ở Việt Nam rất lớn, tuy nhiên lực cung không có, lãi suất giữa Việt Nam và thế giới chưa thuận lợi, các chi phí tư vấn luật lớn, thủ tục tương đối lâu.

Để thúc đẩy sự phát triển của thị trường này tại Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, cần có một hành lang pháp lý riêng – Ảnh minh họa: ITN

Trước những hạn chế nêu trên, bà Hà Thu Phương, đại diện Vietinbank cho rằng, cần có hành lang riêng cho phát hành trái phiếu xanh ra thị trường quốc tế.

Theo bà Phương, hiện nay các bước vẫn phải làm là đăng ký hạn mức vay nợ nước ngoài, rồi gửi hồ sở cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sau đấy là thực hiện làm việc với nhà đầu tư tiềm năng, quy trình kéo dài từ 6-9 tháng. Điều này sẽ làm lỡ mất cơ hội của các tổ chức phát hành.

“Do vậy, về thủ tục nếu có cơ chế riêng thì sẽ là động lực tổ chức phát hành bắt kịp các điểm chạm của thị trường”, đại diện Vietinbank bày tỏ.

Ngoài ra, hiện nay, các tiêu chí chưa định lượng được rõ nên ngân hàng thương mại mong có tổ chức độc lập có đủ uy tín để xác định được.

Đồng quan điểm, ThS. Lê Duy, Trường Đại học Thương mại nhận định, Việt Nam cần kịp thời ban hành những văn bản pháp luật chuyên biệt về trái phiếu xanh nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, nhà đầu tư tham gia thị trường.

“Bộ Tài chính cần xem xét nghiên cứu xây dựng Nghị định về trái phiếu xanh, bộ tiêu chuẩn xanh, kiểm soát công bố thông tin, sử dụng vốn, giám sát dự án, cơ chế theo dõi, đánh giá, giám sát thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh các sản phẩm của thị trường vốn xanh bao gồm trái phiếu xanh, trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ cho các mục tiêu, chương trình, dự án xanh…”, chuyên gia này nêu quan điểm.

Ngoài ra, ông Duy nhấn mạnh, cần phải có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý có thẩm quyền để tránh việc chồng chéo các mục tiêu và nhiệm vụ được ưu tiên có thể dẫn đến làm mất tác dụng đối với các chính sách huy động vốn xanh qua hình thức trái phiếu xanh.

Bên cạnh những vấn đề đã nêu, để hoàn thiện khung khổ pháp lý, đại diện Vụ Tài chính Ngân hàng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục phân loại Xanh theo nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP căn cứ vào thông lệ quốc tế và thực trạng Việt Nam. Đây sẽ là căn cứ cho các chủ thể phát hành lựa chọn Dự án Xanh được sử dụng vốn từ phát hành Trái phiếu Xanh.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Đề án phát hành thí điểm Trái phiếu Chính phủ Xanh tại thị trường trong nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi triển khai để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường.

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp