Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2024 thu hút hơn 2,000 doanh nghiệp tham gia

Trong năm thứ 12 tổ chức, Hội Kết nối cung cầu giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành năm 2024 được hứa hẹn sẽ mang tới nhiều nét mới phù hợp với thị trường hiện tại.

Các doanh nghiệp trao đổi với các nhà phân phối tại Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2023

Với mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, tạo điều kiện liên kết sản xuất – tiêu thụ hàng hóa từ vùng nguyên liệu đến thị trường tiêu thụ; Hội nghị Kết nối cung – cầu giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành là hoạt động thường niên do UBND Thành phố chỉ đạo tổ chức từ năm 2012; là một nội dung hợp tác thương mại quan trọng trong tổng thể Chương trình Hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành.

Với chủ đề “Kết nối trách nhiệm – Hướng đến Chuỗi cung ứng xanh”, Hội nghị năm nay có nhiều hoạt động đổi mới thiết thực, phong phú, thực tiễn đối với doanh nghiệp, gồm: Hội nghị Sơ kết 6 tháng triển khai Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa. Đây là nội dung mới, được Lãnh đạo Thành ủy, UBND, Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động từ tháng 3 năm 2024; Chương trình nhằm định hướng hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững thông qua tín hiệu thị trường (đại diện là các hệ thống bán lẻ) với sự tham gia tự nguyện, tự giác, chủ động nâng cao trách nhiệm của các chủ thể trong chuỗi cung ứng; qua đó đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội địa, hướng đến xuất khẩu đến các thị trường khó tính.

Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hướng đến chuỗi cung ứng Bền vững – An toàn – Trách nhiệm – Minh bạch góp phần đổi mới phương thức thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam từ “vận động” người tiêu dùng sang “chinh phục” người tiêu dùng.

Hoạt động kết nối B2B trực tiếp giữa 13 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam, 4 sàn thương mại điện tử, các chợ đầu mối với cộng đồng doanh nghiệp sản xuất đến từ các tỉnh, thành trên cả nước: 1 phiên kết nối tập trung ngày 26/9/2024 và 6 phiên kết nối chuyên đề ngày 27/9/2024.

Hoạt động kết nối năm nay không chỉ dừng lại giai đoạn gặp gỡ giữa các bên; Sở Công Thương tập trung giải pháp “sau kết nối”; theo đó, những doanh nghiệp có sản phẩm được hệ thống phân phối lựa chọn sẽ được hỗ trợ hoàn thiện về sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ cung ứng; giải quyết các khó khăn về công nợ, phương thức giao hàng, thanh toán, tồn kho… trong giai đoạn đầu.

Hoạt động kết nối trực tuyến: Chiến dịch “Siêu LIVE hàng Việt” trên nền tảng TikTok được tổ chức bởi Melive Network – là đơn vị quản lý đa kênh (MCN) hàng đầu tại Việt Nam với chủ đề “Mega Live hàng Việt – Sản phẩm OCOP tiêu biểu” từ 9:00 đến 23:00 ngày 26/9, thực hiện 19 phiên live được dẫn dắt bởi 19 nhà sáng tạo nội dung, quảng bá hơn 200 sản phẩm đến từ hơn 45 tỉnh thành, tập trung những sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP; nổi bật, danh tiếng như Yến đảo Cần Giờ, Dừa sáp Trà Vinh, Mật ong Gia Lai, Ba khía đầm dơi Cà Mau, Pate cột đèn Hải Phòng, Cà phê Arabica Cầu Đất, Sâm Thừa Thiên Huế, Miến dong Tây Bắc, Gạo ST25…

Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, ẩm thực đặc sắc của các vùng miền, quy mô tương đương 700 gian hàng với nhiều không gian đặc sắc như: Không gian sản phẩm đặc sắc Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh duyên hải miền Trung; khu gian hàng các địa phương: Long An, Đồng Tháp, Đắk Lắk, Tây Ninh, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Quảng Nam…

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành xem đây là cơ hội trình diễn sản phẩm tiêu biểu của địa phương đến hệ thống phân phối, người tiêu dùng Thành phố; chủ động tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc ngay tại gian hàng. Điển hình như khu vực gian hàng Long An sẽ tái hiện không gian nhà tranh, xuồng chở trái cây, khu vực gian hàng Đắk Lăk tái hiện không gian văn hóa cồng chiêng, khu vực gian hàng Đồng Tháp tổ chức các buổi tập huấn và livestream bán hàng…

Hội nghị năm nay tiếp tục đặt ra yêu cầu hàng đầu là tạo điều kiện thuận lợi để bên mua – bên bán gặp gỡ, kết nối trực tiếp, trực tuyến; chia sẻ thông tin thị trường, tín hiệu thị trường, kinh nghiệm phát triển thị trường, quy chuẩn đưa sản phẩm vào kênh phối hiện đại, phương thức tham gia sàn thương mại điện tử, kênh phân phối truyền thống…; qua đó, góp phần tiết giảm chi phí trung gian trong lưu thông hàng hóa, tiết kiệm chi phí tìm kiếm nhà cung ứng của doanh nghiệp phân phối, tiết kiệm chi phí đưa hàng vào kênh phân phối của doanh nghiệp cung ứng.

Theo TC Tài Chính và Cuộc Sống (Fili)