Hội thảo “Đổi mới và Sáng tạo: Hướng đến chấm dứt dịch HIV/AIDS bền vững tại Việt Nam” nhằm tạo diễn đàn cho các tổ chức cộng đồng (TCCĐ/CBO) chia sẻ ý tưởng cung cấp dịch vụ dự phòng HIV, hỗ trợ tuân thủ điều trị HIV (ARV) hiệu quả, ứng dụng kỹ thuật số trong quản lý chất lượng dịch vụ, hoạt động cộng đồng và phát triển tổ chức và tài chính bền vững. Đây là cơ hội để các TCCĐ học hỏi kinh nghiệm và ghi nhận ý kiến đóng góp của các cơ quan, ban ngành nhằm tháo gỡ các khó khăn để các đổi mới, sáng kiến của cộng đồng được “tung cánh”.
Hội thảo có 3 phiên song song (buổi sáng) và 1 phiên toàn thể (buổi chiều) với các hoạt động chính xoay quanh ba chủ đề “Sáng kiến đổi mới trong các hoạt động can thiệp phòng chống HIV/AIDS dựa vào cộng đồng”, “Sáng kiến thúc đẩy hệ thống cộng đồng phát triển bền vững”, “Sáng kiến thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng hoạt động và dịch vụ cung cấp”.
Hội thảo có sự tham gia của 43 TCCĐ từ 9 tỉnh thành – Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Tiền Giang, Cần Thơ và Kiên Giang. Các tổ chức này đều có sứ mệnh chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người sống chung với HIV và cộng đồng dễ bị tổn thương và có nguy cơ lây nhiễm HIV cao như nam quan hệ tình dục đồng giới, phụ nữ chuyển giới, phụ nữ bán dâm và người tiêm chích ma túy.
Có tất cả 36 sáng kiến được gửi đến ban tổ chức, trong đó 12 sáng kiến được chọn vào Top 3. Ban Giám khảo đến từ Cục PC HIV/AIDS Việt Nam, Hội Y tế Công cộng, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TpHCM, Đồng Nai và Khánh Hòa.
Tham dự hội thảo còn có Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Quyền Giám đốc-Điều phối Quỹ PEPFAR Việt Nam, các vị trưởng, phó phòng Dự phòng, Giám sát, Tài chính của Cục Phòng chống HIV/AIDS; lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, Tp.HCM, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu và Cần Thơ; Hội Y tế Công cộng Tp.HCM, dự án PC HIV/AIDS của Quỹ Toàn cầu-Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, và các tổ chức đối tác của USAID – LADDERS, STEPS, EpiC, LHSS và Digital Square.
Để hướng tới đạt được các mục tiêu quốc gia “95-95-95” và kiểm soát dịch HIV/AIDS bền vững vào năm 2030, vai trò và đóng góp của các tổ chức cộng đồng sẽ càng không thể thiếu. Trong bối cảnh nguồn tài trợ quốc tế đang giảm dần, Trung tâm LIFE cam kết dẫn dắt các TCCĐ cần chủ động, sáng tạo, kịp thời nắm bắt sự thay đổi về đặc điểm, nhu cầu và khó khăn của nhóm can thiệp đích để đổi mới hoạt động và hình thức cung cấp dịch vụ dự phòng và hỗ trợ điều trị HIV sao cho phù hợp và hiệu quả. Mặt khác, các tổ chức cần lập kế hoạch kinh doanh, phát triển tài chính nhằm vững bền tổ chức và duy trì hoạt động trong thời gian tới.
Trung tâm Nâng cao Chất lượng Cuộc sống (LIFE) là một tổ chức xã hội được thành lập dưới Liên hiệp các Tổ chức Khoa học và Kỹ thuật (VUSTA) với sứ mệnh nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và cộng đồng dễ bị tổn thương. LIFE hoạt động mạnh trên lĩnh vực xây dựng năng lực tổ chức cộng đồng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, dự phòng HIVAIDS, xây dựng môi trường làm việc bình đẳng, an toàn và cải thiện chất lượng cuộc sống công nhân nhà máy.
Trung tâm LIFE luôn đi đầu trong các mô hình can thiệp phòng chống HIV/AIDS dựa vào cộng đồng. Đặc biệt, LIFE đã xây dựng thành mô hình hợp tác giữa các TCCĐ và các trung tâm y tế quận/huyện, phòng khám điều trị HIV để hỗ trợ chuyển gửi người nhiễm HIV sớm và hỗ trợ tuân thủ điều trị. Hàng năm, LIFE điều phối mạng lưới hơn 40 tổ chức cộng đồng tư vấn dự phòng, xét nghiệm sàng lọc HIV gần 40.000 người có nguy cơ với HIV/năm và hỗ trợ gần 10.000 trười tiếp cận với chương trình dự phòng lây nhiễm HIV trước phơi nhiễm (PrEP).
Các TCCĐ do LIFE hỗ trợ phát hiện khoảng 4.000 trường hợp HIV dương tính mỗi năm và kết nối gần 98% số này vào điều trị HIV. Tỉ lệ phát hiện ca nhiễm HIV từ các dự án của LIFE đóng góp từ 40% đến 60% tổng ca nhiễm HIV được tìm thấy ở các tỉnh LIFE hoạt động. Hoạt động phòng chống HIV/AIDS của LIFE được tài trợ bởi Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS (PEPFAR) thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Quỹ Toàn cầu Phòng chống HIV, Lao và Sốt Rét (thông qua VUSTA).
Phi Long