Sản xuất chè hữu cơ không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn nâng tầm thương hiệu, đưa chè Hà Giang ‘đặt chân’ vào thị trường khó tính thế giới.
Năm 2021, giá trị sản xuất ngành chè của tỉnh Hà Giang đạt hơn 650 tỷ đồng, chiếm 9% giá trị ngành trồng trọt. Trong đó, sản lượng chè hữu cơ có giá bán bình quân cao gấp 4 – 5 lần giá chè búp tươi sản xuất thông thường. Giá trị sản phẩm chè búp tươi được chứng nhận GAP bình quân đạt khoảng 55 – 70 triệu đồng/ha, cao hơn giá trị sản phẩm chè búp tươi sản xuất thông thường từ 15 – 30 triệu đồng/ha.
Ông Giang Đức Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang cho biết, năm 2011, tỉnh Hà Giang bắt đầu thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cây chè shan tuyết tại xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên với trên diện tích khoảng 900ha. Đến năm 2014 và 2015, tỉnh tiếp tục triển khai 923,5ha tại xã Tiên Yên (huyện Quang Bình); xã Tả Sử Choóng, xã Hồ Thầu và xã Túng Sán (huyện Hoàng Su Phì).
Sau hơn 10 năm triển khai, đến nay, tổng diện tích chè toàn tỉnh được chứng nhận theo các tiêu chuẩn an toàn đạt 11.611ha/65 vùng/63 cơ sở, chiếm khoảng 61,25% diện tích chè toàn tỉnh, trong đó diện tích chè VietGAP là 4.858ha, diện tích chè hữu cơ là 7.071ha. Trong số diện tích chè hữu cơ kể trên thì hơn 1.500ha/4 cơ sở áp dụng sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế (EU), còn lại là diện tích chè hữu cơ tại 21 cơ sở áp dụng theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam.
Vùng nguyên liệu chè shan được gắn kết với các cơ sở, doanh nghiệp, HTX chế biến tại địa bàn. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 700 cơ sở chế biến chè các loại, gồm 4 công ty cổ phần, 8 công ty TNHH, 23 HTX và 665 cơ sở nhỏ lẻ với tổng công suất chế biến khoảng 280 tấn chè búp tươi/ngày.
Chị Lý Mùi Mương, người dân tộc Dao ở xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì cho biết, gia đình chị có nương chè rộng 2ha, mỗi năm cho thu khoảng 6 tạ chè khô. Giống như những gia đình trong bản Phìn Hồ và cả vùng chè Hoàng Su Phì, cây chè shan tuyết gần gũi, gắn liều với đời sống của mỗi gia đình người Dao đỏ ở Phìn Hồ, nên mỗi người dân thường không bón phân hay bất cứ loại hoá chất nào cho cây; khi nào cỏ mọc cao thì dùng dao phát cỏ, vì vậy chè hữu cơ có hương vị tự nhiên, mùi thơm, mang nét đặc trưng riêng nên được khách hàng ưa chuộng.
Được sự giúp đỡ của tổ chức FAO tại Việt Nam xác nhận vùng chè Nậm An rộng khoảng 90ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ, đã mở ra cơ hội nâng tầm giá trị và vươn ra thị trường lớn của vùng chè hữu cơ tại thôn Nậm An, xã Tân Thành, huyện Bắc Quang. Kể từ khi chè Nậm An được công nhận chè hữu cơ, sản phẩm làm ra đến đâu đều bán hết đến đó.
Anh Triệu Chàn Vinh, người trồng chè ở thôn Nặm An, xã Tân Thành cho biết, được công nhận là vùng chè hữu cơ, người Dao ở Nậm An rất vui mừng. Cùng với ý thức chăm sóc, bảo vệ, phát triển vùng chè theo hướng hữu cơ, người dân cũng tích cực làm ra các sản phẩm trà chất lượng, kết nối thị trường để chè hữu cơ Nặm An vươn ra các thị trường lớn, nâng tầm giá trị.
Tháng 6/2021, tỉnh Hà Giang có 2 sản phẩm đạt 5 sao OCOP đều thuộc sản phẩm của huyện Hoàng Su Phì. Các sản phẩm của Hà Giang gồm Trà xanh hộp 100g và sản phẩm Hồng trà hộp 100g của HTX Chế biến chè Phìn Hồ (xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì).
Tiếp tục nâng cao thương hiệu và hướng sản phẩm chè hữu cơ của Hà Giang về thị trường lớn và xuất khẩu, ngành NN-PTNT Hà Giang cũng như các cơ quan đơn vị sẽ tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị chủ động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, tăng cường liên kết phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ ở các thị trường trong và ngoài nước; hỗ trợ các hính thức bán hàng mới trên ứng dụng internet, như tham gia sàn giao dịch nông sản trong nước và quốc tế (Shopee, Lazada, Alibaba, Amazon…). |
Theo Nongnghiep