Huy động tàu xe, đáp ứng nhu cầu người dân dịp nghỉ lễ Quốc khánh

Dịp Quốc khánh 2/9 năm nay, người lao động được nghỉ 4 ngày liên tiếp (từ 31/8 đến hết 3/9). Đây là kỳ nghỉ lễ kéo dài trước khi học sinh, sinh viên bước vào khai giảng năm học mới, là cú huých thúc đẩy nhu cầu đi lại, vui chơi của người dân tăng cao. Ngành hàng không, đường sắt và vận tải đường bộ đều lên kế hoạch huy động phương tiện, tàu xe, tăng chuyến để đáp ứng nhu cầu du lịch, đi lại thăm thân của người dân.

Lượng khách qua các bến xe Hà Nội dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay dự báo tăng 350% so với ngày thường. Ảnh: SƠN BÁCH

Chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa là đến ngày Quốc khánh, thời điểm này, vé máy bay, tàu hỏa đến các điểm du lịch trong dịp nghỉ lễ vẫn còn nhiều, tuy nhiên giá đang “neo” ở mức khá cao.

Khách đi tàu xe tăng cao

Theo thông lệ, các kỳ nghỉ Quốc khánh hằng năm, thời gian cao điểm lượng khách và phương tiện thường tăng đột biến. Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội Phạm Mạnh Hùng cho biết, các đơn vị vận tải sẽ huy động xe tăng cường để bổ sung khi cần thiết, đối với các tuyến có lượng khách tăng vọt, sẽ huy động xe từ tuyến khác sang hỗ trợ. Trường hợp lượng xe vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu, Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội sẽ triển khai phương án huy động xe dự phòng đã được thuê từ trước kỳ nghỉ lễ để tăng cường phục vụ nhân dân.

Dự kiến, lượng khách dịp nghỉ lễ 2/9 sẽ tăng cao từ chiều 30/8 đến 31/8, giảm về mức bình thường vào ngày 1 và 2/9, sau đó tăng trở lại từ ngày 3/9 kéo dài sang ngày 4/9. Cụ thể, bến xe Giáp Bát ngày cao điểm nhất khoảng 20.000 khách/ngày, tăng 350% so với ngày thường; với 850 đến 900 lượt xe/ngày. Bến xe Gia Lâm ngày cao nhất khoảng 5.000 lượt khách (tăng 250%); dự kiến khoảng 400 lượt xe/ngày. Bến xe Mỹ Đình khoảng 22.000 lượt khách/ngày (tăng hơn 350%); với hơn 950 xe/ngày,…

Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã lên kế hoạch tăng cường 700 xe, trong đó bến Mỹ Đình 400 xe, bến Giáp Bát 220 xe và bến Gia Lâm 80 xe. Số xe tăng cường được phân bổ theo ngày, tùy thuộc tuyến và sự gia tăng của hành khách. Bên cạnh đó, công ty cũng đề xuất Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấp phù hiệu xe tăng cường phục vụ điều vận phương tiện tăng cường đúng quy định; thực hiện việc cấp lệnh đúng đối tượng, bảo đảm thuận lợi, rút ngắn thời gian cho phương tiện xuất bến.

“Các bến xe được yêu cầu kiên quyết không cho xuất bến với xe khách thiếu tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, chở quá tải; kiểm soát chặt, không để hiện tượng nhồi nhét, tranh giành khách, thu tiền cao hơn giá vé quy định; phát hiện và xử lý kịp thời trường hợp phương tiện, người lái không đầy đủ giấy tờ, hoặc giấy tờ không hợp lệ”, ông Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã lên kế hoạch tăng nhiều mác tàu khách trên các tuyến, đồng thời áp dụng chính sách ưu đãi, giảm giá vé cho các đối tượng chính sách xã hội như: Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em, sinh viên,… Ngoài ra, khi mua vé khứ hồi, hành khách sẽ được giảm 5% giá vé lượt về cho cá nhân và giảm 7% giá vé lượt về cho đoàn tập thể từ 20 người trở lên.

Trên tuyến đường sắt bắc-nam, ngành đường sắt chạy thường xuyên hằng ngày 5 đôi tàu toàn tuyến Sài Gòn-Hà Nội, SE21/SE22 (Sài Gòn-Đà Nẵng), SNT1/SNT2 (Sài Gòn-Nha Trang), SE19/SE20 (Hà Nội-Đà Nẵng),… Ngoài ra, cũng tổ chức chạy thêm các đoàn tàu từ ga Sài Gòn đến các ga Nha Trang, Quy Nhơn và ngược lại, từ Nha Trang đến Đà Nẵng và ngược lại, từ Hà Nội đến Quảng Bình và ngược lại,…

Vé máy bay còn nhiều, giá cao

Khảo sát trên website bán vé của các hãng hàng không, chặng Hà Nội-Phú Quốc, chiều đi ngày 31/8, chiều về 2/9 của hãng Vietnam Airlines giá dao động từ 3,5 tới 4,1 triệu đồng/vé phổ thông; chiều về, giá thấp nhất gần 2,8 triệu đồng và cao nhất hơn 4,1 triệu đồng. Nếu bay Vietjet, chiều đi giá 3,8-4 triệu đồng/vé; chiều về dao động từ 1,9 đến 2,7 triệu đồng/vé. Đường bay Hà Nội-Đà Nẵng của Vietnam Airlines, nếu bay khung giờ đêm và sáng sớm, giá vé khứ hồi chỉ khoảng 4 triệu đồng, bay giờ bình thường giá tăng thêm 500.000 đồng. Với Vietjet, giá vé khứ hồi 3,5-6,5 triệu đồng; Bamboo Airways 4,9-6,5 triệu đồng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, Vietnam Airlines đã tăng tải gần 2.500 chuyến bay trên toàn mạng nội địa và quốc tế dịp cao điểm Quốc khánh từ 30/8 đến 4/9, tương ứng tổng số ghế gần 500 nghìn chỗ. Hãng sẽ tập trung tăng tần suất trên các đường bay nội địa giữa Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, Đà Lạt, Cam Ranh; giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Huế, Phú Quốc. Hãng hàng không Vietjet cũng tăng tải 25.000 chỗ, tương ứng 120 chuyến bay trong dịp này.

“Tổng số ghế nội địa của hãng trong dịp này đạt 330.000 chỗ, tương ứng hơn 1.700 chuyến bay, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm 2023. Các đường bay quốc tế được tăng cường nhiều nhất là giữa Việt Nam và Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Australia; tổng số ghế quốc tế đạt hơn 150.000 chỗ, tương ứng hơn 650 chuyến bay, tăng nhẹ so với năm trước”, ông Đặng Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines phân tích.

Theo nhìn nhận của các hãng, những đường bay du lịch nội địa trọng điểm hiện đã đặt chỗ khoảng 50% và dự báo tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Các đường bay quốc tế đi Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Australia cũng đạt tỷ lệ lấp đầy từ 50 đến 70%. Các hãng khuyến cáo hành khách nên đặt vé sớm so với ngày khởi hành dự kiến để có nhiều lựa chọn chuyến bay và có khả năng mua vé giá hợp lý.

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, việc tăng tải cung ứng trong dịp cao điểm Quốc khánh 2/9 là nỗ lực rất lớn của các hãng hàng không trong bối cảnh ngành hàng không bị thiếu hụt máy bay do ảnh hưởng từ việc nhà sản xuất triệu hồi động cơ để kiểm tra trên toàn cầu. Thời gian qua, Vietnam Airlines đã nhận thêm máy bay Airbus A320neo, Boeing 787-10 để bổ sung vào đội bay phục vụ nhu cầu hành khách. Từ nay đến cuối năm, hãng Vietjet cũng sẽ nhận thêm 10 tàu bay, phần lớn là dòng A321neo ACF hiện đại nhất hiện nay của hãng Airbus.

Nhằm chủ động kế hoạch phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, vận tải hàng hóa và thúc đẩy phát triển du lịch giai đoạn nghỉ lễ Quốc khánh, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng chủ động phối hợp với doanh nghiệp lữ hành xây dựng chương trình, kế hoạch khai thác đến những vùng, địa phương và các quốc gia trọng điểm về du lịch, qua đó hỗ trợ, thúc đẩy và tăng cường hoạt động du lịch nội địa và quốc tế.

Bên cạnh đó, cần làm việc cụ thể với các công ty cung cấp dịch vụ mặt đất, xây dựng kế hoạch phục vụ chuyến bay, đặc biệt là các chuyến bay khai thác khung giờ đêm và sáng sớm. Cục sẽ có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để các hãng duy trì, ổn định tối đa tỷ lệ, tần suất bay, bảo đảm đủ các điều kiện về an toàn và năng lực khai thác.

Theo Báo Nhân Dân