Thời gian qua ghi nhận hàng loạt ngân hàng công bố các hợp đồng huy động vốn khủng từ thị trường quốc tế. Theo các chuyên gia, với nhu cầu vốn của các doanh nghiệp tăng cao, việc huy động được nguồn vốn ngoại này sẽ giúp các ngân hàng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn trung, dài hạn của khách hàng.
Dồn dập nhận vốn ngoại
Mới đây, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), một thành viên của nhóm Ngân hàng thế giới (WB), đã đề xuất khoản đầu tư 320 triệu USD vào 3 ngân hàng Việt Nam để hỗ trợ danh mục cho vay dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. 3 ngân hàng nhận đầu tư là Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Gần đây nhất, IFC đã đề xuất gia hạn khoản vay ưu đãi lên tới 100 triệu USD cho Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank). Khoản vay có thời hạn 5 năm nhằm tài trợ phát triển danh mục đầu tư nhà ở của ngân hàng.
Trong khi đó, vào giữa tháng 11 vừa qua, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã công bố ký kết thành công thỏa thuận vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD (tương đương gần 12.500 tỷ đồng) từ 5 định chế tài chính lớn gồm: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, các nguồn vốn huy động từ quốc tế sẽ giúp ngân hàng thúc đẩy chương trình tín dụng cho nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và doanh nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vệ sinh, giao thông và xây dựng nhà ở xã hội..
Vào tháng 4/2022, VPBank được giải ngân khoản vay hợp vốn 600 triệu USD của các định chế tài chính lớn của châu Á. Trong năm 2021, VPBank cũng 2 lần huy động được 300 triệu USD. Như vậy, trong vòng 1 năm qua, VPBank đã nhận được 4 khoản vay hợp vốn quốc tế cùng được tham gia thu xếp bởi ngân hàng SMBC của Nhật Bản.
Trước đó, Ngân hàng VIB hoàn tất rút vốn khoản vay trị giá 150 triệu USD (tương đương 3.700 tỷ đồng) từ IFC, SeABank cũng huy động thành công vốn từ Tập đoàn Tài chính Phát triển quốc tế Mỹ (DFC) với khoản vay trị giá 200 triệu USD. Cùng với đó, SeABank cũng đã được IFC và 5 quỹ đầu tư quốc tế khác cấp gói tín dụng trị giá 220 triệu USD nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và tài trợ chống biến đổi khí hậu.
Hạn chế dòng vốn cho lĩnh vực rủi ro
Trong bối cảnh huy động vốn tại thị trường trong nước khó khăn thì việc huy động được nguồn vốn từ thị trường quốc tế sẽ tạo đà cho kinh tế phát triển.
Theo các chuyên gia và đại diện ngân hàng, nguồn vốn ngoại rót vào ngân hàng sẽ được bổ sung vào cơ cấu vốn của ngân hàng, được sử dụng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, tăng cường sự ổn định trước biến động của thị trường. Hơn nữa, việc này giúp các ngân hàng ổn định hơn trong cấu trúc huy động vốn vì đặc thù tiền gửi tiết kiệm là ngắn hạn, trong khi cho vay doanh nghiệp thường là kỳ hạn dài.
Trong trao đổi với nhà đầu tư gần đây, lãnh đạo nhiều ngân hàng đã bày tỏ sự quan tâm cũng như tầm quan trọng của việc thu hút vốn ngoại. Chẳng hạn, chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022, đại diện VIB cho biết, ngân hàng này tiếp tục định hướng tăng cường huy động vốn từ thị trường quốc tế, vì có ưu điểm là chi phí huy động thấp hơn tương đối so với việc huy động từ thị trường trong nước, giúp ngân hàng có nguồn vốn kinh doanh tốt hơn. Tương tự, theo đại diện Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), việc duy trì được nguồn tiền gửi không kỳ hạn và một phần từ tối ưu hóa nguồn vốn bằng cách huy động vốn nước ngoài đã giúp Techcombank giữ mức chi phí vốn cạnh tranh so với các ngân hàng khác.
Việc nhiều tổ chức xếp hạng quốc tế đồng loạt nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức tín dụng tiếp cận vốn quốc tế với lãi suất hợp lý. Hồi tháng 9/2022, Moody’s đã nâng xếp hạng của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2, với triển vọng Ổn định. Trước đó, S&P nâng xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam lên mức BB+…
Tuy nhiên, dòng vốn của các định chế nước ngoài thường ưu tiên cho các dự án về phát triển bền vững, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, các dự án xã hội… Hơn nữa, theo TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM, với việc huy động vốn quốc tế, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rủi ro tỷ giá, như năm nay tỷ giá biến động tới 8%, nên phải sử dụng các biện pháp để giảm rủi ro. Hơn nữa, nguồn vốn quốc tế hiện nay không còn rẻ, lãi suất Chính phủ Mỹ đã lên tới 4%/năm, thì lãi suất cho vay của các định chế tài chính quốc tế với doanh nghiệp Việt Nam phải 8-9%/năm. Nhưng trong bối cảnh còn nhiều biến động như hiện nay, huy động vốn quốc tế là giải pháp hữu hiệu để giải quyết khó khăn dòng tiền.
Vì thế, để giảm thiểu những rủi ro từ việc huy động vốn quốc tế, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh nhằm mục đích quản lý điều kiện vay nước ngoài, tập trung vào hỗ trợ các nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hạn chế vay nước ngoài cho các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Theo HQ Online