Khai mạc Festival Làng nghề Việt Nam 2022

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Festival Làng nghề Việt Nam 2022 là dịp để người Việt Nam cùng nhau ‘nâng niu sản phẩm Việt, nâng tầm giá trị Việt, thổi hồn tinh hoa Việt’.

“Tài hoa kết tinh thành giá trị”

Tối 2/11, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp phối hợp cùng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản; Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương và Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tổ chức (Bộ NN-PTNT) tổ chức lễ khai mạc “Festival Làng nghề Việt Nam năm 2022”.

Bộ Trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan truyền đi thông điệp “tài hoa kết tinh thành giá trị”, cùng nhau nâng niu sản phẩm Việt, nâng tầm giá trị Việt, thổi hồn tinh Hoa Việt tại lễ khai mạc Festival Làng nghề Việt Nam năm 2022. Ảnh: Trung Quân.

Festival Làng nghề Việt Nam năm 2022 là sự kiện thường niên do Bộ NN-PTNT tổ chức. Trong đó, Hội chợ Làng nghề và Sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 và Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022 là hai hoạt động chính nằm trong chuỗi 7 hoạt động của Festival được diễn ra từ ngày 2 – 6/11 tại Khu Hội chợ triển lãm – Giao dịch kinh tế và thương mại (số 489, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội).

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: Việt Nam có hàng ngàn làng nghề truyền thống lâu đời, với lớp lớp các thế hệ nghệ nhân, thợ giỏi. Từ những nguyên liệu thô sơ, các nghệ nhân, thợ giỏi với sự khéo léo, tỉ mỉ, tài hoa đã tạo ra những sản phẩm mang lại cho người xem rất nhiều cảm xúc.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, mỗi người trong chúng ta không nên nhìn những sản phẩm thủ công mỹ nghệ một cách thông thường mà hãy lắng đọng, suy tư để cảm nhận được hồn, cốt, tinh hoa của sản phẩm, tác phẩm, cao hơn là làng nghề tạo ra nó.

“Vật liệu có thể mộc mạc như cục đất, cây tre, nứa, lá, khúc gỗ… nhưng qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, thợ giỏi chúng đã trở thành những sản phẩm có hồn. Tuy nhiên, để có được một sản phẩm có hồn thì người tạo ra nó đã gửi gắm tất cả trí tuệ, tài hoa, sức sáng tạo, khát vọng vào trong đó. Vì vậy, chúng ta nhìn sản phẩm là nhìn những giá trị kết tinh, hội tụ trong sản phẩm đó.

Rộng hơn, hãy nhìn sản phẩm thủ công mỹ nghệ là tinh hoa của đất nước, tâm hồn của người Việt, để sản phẩm thủ công mỹ nghệ của chúng ta tự tin đặt ngang hàng với các sản phẩm của các nước trên thế giới. Chúng ta sẽ nói với thế giới rằng, người Việt có thể làm được tất cả các sản phẩm mà các nước làm được, thậm chí còn làm tốt hơn, tinh tế hơn. Bởi lẽ, chúng ta tạo nên sản phẩm đó bằng giá trị Việt, tâm hồn Việt và con người Việt”, Bộ Trường Lê Minh Hoan xúc động chia sẻ.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Festival Làng nghề Việt Nam năm 2022. Ảnh: Trung Quân.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng: Đội ngũ các nghệ nhân, thợ giỏi đang miệt mài đưa hơi thở cuộc sống, các giá trị văn hóa, lịch sử… vào từng tác phẩm. Do đó, mỗi người Việt Nam phải có trách nhiệm nâng niu, trân trọng những tác phẩm, sản phẩm, làng nghề, coi đó là một báu vật, di sản cần được bảo vệ, giữ gìn cho thế hệ mai sau.

“Tài hoa kết tinh thành giá trị, hãy cùng nhau nâng niu sản phẩm Việt, nâng tầm giá trị Việt, thổi hồn tinh Hoa Việt”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

48 giải thưởng Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ được trao

Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã tiến hành công bố và trao giải thưởng cho các tác phẩm, tác giả đạt giải trong Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết: Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam là sự kiện được Bộ NN-PTNT tổ chức thường niên 2 năm một lần.

Đến nay, đây là hội thi duy nhất mang tính Quốc gia, được tổ chức nhằm động viên, khuyến khích, tôn vinh, phát huy ý tưởng sáng tạo của các nghệ nhân, thợ giỏi, nhà thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam; tạo môi trường để các nghệ nhân, thợ giỏi giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kết nối xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm… Từ đó, góp phần vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, lan toả các giá trị truyền thống đến người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Hội thi năm nay đã tạo được môi trường giao lưu học hỏi và cạnh tranh lành mạnh giữa các nhóm làng nghề; giúp thay đổi tư duy theo hướng hợp tác, nâng cao giá trị tăng thêm của sản phẩm, hướng tới mục tiêu nông dân là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Thịnh, phát triển kinh tế làng nghề là một trong những định hướng quan trọng trong xây dựng chuỗi giá trị và hệ sinh thái sản phẩm; góp phần thúc đẩy qúa trình tri thức hoá, chuyên nghiêp hoá nông dân để xây dựng những thế hệ nông dân hiện đại, nông thôn văn minh.

Ban tổ chức trao 48 giải thưởng cho các tác phẩm, tác giả đạt giải trong Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022. Ảnh: Trung Quân.

Trên cơ sở đó, từ ngày 21 – 26/10, Hội đồng giám khảo đã chấm và lựa chọn được 48 sản phẩm đạt giải trong hội thi. Mỗi sản phẩm thủ công mỹ nghệ là một tác phẩm thai nghén, kết tinh từ sự lao động cần mẫn, nghiêm túc, sức sáng tạo không ngừng của các nghệ nhân, người lao động, thợ thủ công mỹ nghệ và người dân nông thôn.

Theo đó, 1 giải Đặc biệt thuộc về sản phẩm bàn ăn mây tre của tác giả Kha Văn Thương (Nghệ An). 5 sản phẩm đạt giải Nhất gồm: Chào mào hót (chạm bạc) của tác giả Quách Phan Tuấn Anh (Hà Nội); Sản phẩm cây lúa (điêu khắc gỗ) của tác giả Vũ Văn Hoan (Hưng Yên); Bộ bàn ghế lưu thủy (gốm sứ) của tác giả Hoàng Long (Hà Nội); Đôi chim sếu (chỉ vải) của tác giả Lê Văn Nguyên (Hà Nội) và sản phẩm Lọ hoa trang trí (tre nứa) của tác giả Hồ Mai Hương (Hà Nội).

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng trao 10 giải Nhì, 15 giải Ba, 17 giải Khuyến khích cho các sản phẩm đạt giải và công nhận 196 tác giả tham gia Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022.

Tại buổi lễ, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã thay mặt Bộ NN-PTNT phát động Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024.

Theo Nongnghiep