Ngoài 86 bị cáo, gần 200 luật sư, tòa cũng triệu tập hơn 2.400 người có quyền, nghĩa vụ liên quan cho việc xét xử vụ án sai phạm tại SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vào ngày 5/3. Sở hữu chéo, nhất là sở hữu chéo ngân hàng ở Việt Nam vô cùng phức tạp và là khởi nguồn của mọi cuộc khủng hoảng, đổ vỡ ngân hàng.
Cội nguồn khủng hoảng
Còn nhớ cuối năm 2020, thị trường tài chính truyền tai nhau việc các tập đoàn bất động sản có những động thái quyết liệt hơn trong việc thâu tóm các ngân hàng. Và các động thái sau đó và kết quả thực tế hôm nay cho thấy thông tin đúng như “lời đồn”.
Thực tế, xu hướng các tập đoàn, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản tìm mọi cách có được ngân hàng “chống lưng” không phải là chuyện mới. Chủ tịch một tập đoàn bất động sản giải thích vui cho nhu cầu này: “Nghe danh đại gia bất động sản “phèn” lắm. Phải là đại gia ngân hàng mới đẳng cấp. Mà bất động sảnkhông có ngân hàng là dễ bị bóp ngạt lắm”.
Trao đổi với báo chí, TS. Lê Xuân Nghĩa – chuyên gia ngân hàng còn cho biết một góc nhìn khác: “Các doanh nghiệp bất động sản lớn luôn mong muốn có tập đoàn tài chính ở phía sau như ngân hàng hay công ty chứng khoán. Do vậy, đằng sau những cuộc gom mua cổ phiếu ngân hàng thường là “đại gia” bất động sản”.
Lợi ích khi có ngân hàng “chống lưng” lại càng được thể hiện rõ trong cuộc khủng hoảng bất động sản năm 2023. Một chuyên gia phân tích nói: “Nếu so sánh giữa Novaland “vàng mắt” để “chạy” tiền, thậm chí cả Vingroup cũng “khó khăn” thì các tập đoàn bất động sản có ngân hàng là hệ sinh thái khá bình yên”.
TS. Lê Xuân Nghĩa nói: “Lâu nay, cội nguồn mọi cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Việt Nam đều chỉ có duy nhất một nguyên nhân, đó là sở hữu chéo. Tôi đã làm việc trong lĩnh vực ngân hàng cả cuộc đời và chưa thấy cuộc khủng hoảng nào xảy ra với lĩnh vực ngân hàng mà không xuất phát từ nguyên nhân này”.
Một dẫn chứng đang nóng hổi, ngày 5/3 TAND TP.HCM sẽ xét xử bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về các tội Tham ô tài sản, Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Trong đó, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị truy tố với cáo buộc chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng của SCB. Còn trước đó, là câu chuyện Nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, ông Phạm Công Danh (người đến từ Tập đoàn Thiên Thanh) đã cùng đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng của Ngân hàng xây dựng Việt Nam.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán MB hiện tại có 7 ngân hàng niêm yết có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 10% vốn điều lệ (đã loại trừ các TCTD có cổ đông chiến lược là nhà đầu tư nước ngoài).
Và mạnh tay
Ngày 18/01/2024, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật các Tổ chức tín dụng (Luật các TCTD) sửa đổi. Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2024, ngoại trừ một số điều khoản sẽ có hiệu lực từ 01/01/2025. Trong đó bổ sung thêm quy định các cổ đông sở hữu từ 01% Vốn điều lệ của TCTD phải cung cấp thông tin, đồng thời các TCTD phải thực hiện công bố công khai minh bạch thông tin của các cổ đông này.
Giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức giảm từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%. Cổ đông lớn và người có liên quan xuống còn 5% vốn điều lệ của TCTD. Đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ không áp dụng các quy định như trên mà sẽ theo phê duyệt của Chính phủ.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu của Công ty Chứng khoán MB nêu quan điểm, các quy định nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo và giúp nhận biết các rủi ro lớn từ các DN sân sau như trường hợp của SCB và Vạn Thịnh Phát.
Xung quanh vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định, quy định này góp phần hạn chế khả năng một nhóm cổ đông sở hữu đa số cổ phần, từ đó góp phần giảm sở hữu chéo, thao túng hoạt động của TCTD (như trường hợp tại SCB vừa qua). Bên cạnh đó, Luật các TCTD sửa đổi cũng đưa ra quy định chuyển tiếp đối với nội dung này (những cổ đông có tỷ lệ sở hữu cao hơn giới hạn cho phép, trước khi Luật có hiệu lực) vẫn sẽ được giữ nguyên (không phải bán ra cổ phần). Nhưng sẽ không được phép tham gia vào các đợt phát hành cổ phần mới của ngân hàng để đảm bảo tỷ lệ sở hữu hiện tại sẽ giảm dần về giới hạn theo lộ trình đến năm 2029, qua đó đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của các cổ đông hiện hữu.
“Tuy nhiên, tính hiệu lực, hiệu quả của quy định này còn phụ thuộc nhiều vào khâu thực thi sau này, nhất là việc tuân thủ công bố thông tin, đảm bảo thực chất, công khai, minh bạch và kịp thời…”, TS. Cần Văn Lực nói.
Chính thức chia sẻ thêm thông tin về Luật các TCTD sửa đổi vừa được thông qua, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn cho biết, mục tiêu xuyên suốt khi xây dựng luật là hạn chế việc lạm dụng, thao túng hoạt động của các TCTD từ cổ đông lớn và nhóm cổ đông lớn.
Theo Phó thống đốc, quá trình cụ thể hóa nguyên tắc này được cơ quan soạn thảo thể hiện qua nhiều quy định. Bên cạnh mục tiêu siết chặt kỷ luật kỷ cương, mục tiêu trung gian là đại chúng hóa hoạt động của tổ chức tín dụng. Vì vậy, Luật các TCTD (sửa đổi) cũng mở rộng khái niệm “người có liên quan” trong xác định sở hữu cổ phần chính thông qua “mối quan hệ về lợi ích” hoặc hoạt động sở hữu; quản trị điều hành nhằm tránh việc chi phối việc cấp tín dụng
Ông Sơn cũng cho biết, Luật các TCTD (sửa đổi) yêu cầu phải công khai họ tên cá nhân, tổ chức là cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ cùng người có liên quan lên website ngân hàng. Định kỳ hàng năm, TCTD công bố những thông tin này với Đại hội đồng cổ đông, Đại hội thành viên, Hội đồng thành viên của TCTD…
“Quy định mới tạo ra kênh giám sát từ công chúng trong đó có cả phương tiện truyền thông với người chủ sở hữu cũng như người quản trị điều hành của TCTD”, Phó thống đốc nói.
Phó thống đốc Đoàn Thái Sơn thừa nhận: “Việc siết chặt các quy định tại luật mới chỉ là biện pháp về kỹ thuật, quan trọng nhất vẫn là khâu tổ chức thực hiện. Quá trình triển khai có sự phối hợp chặt chẽ giữa NHNN và các bộ ngành liên quan để các quy định được thực hiện nghiêm trong thực tiễn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
Đồng thời, Luật các TCTD cũng bổ sung điều khoản chuyể
n tiếp cho những quy định được sửa đổi, bổ sung tại luật, qua đó hạn chế tác động lớn tới thị trường khi luật có hiệu lực.