Sáng ngày 16/6, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam kết hợp cùng các hiệp hội, cơ quan, ban, ngành tổ chức lễ phát động “Chiến dịch Race To Net Zero” và Diễn đàn “Cơ hội đầu tư, thương mại và trách nhiệm của doanh nghiệp trong thị trường carbon” tại TP. Hồ Chí Minh.
Được biết, đây là chương trình thứ tư nằm trong chuỗi sự kiện “Cộng đồng và Doanh nghiệp Việt Nam – Ứng phó biến đổi khí hậu”. Sự kiện được thực hiện bởi Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Hiệp Hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu và WWF Việt Nam phối hợp với các cơ quan ban, ngành, địa phương tổ chức rất thành công.
Tham dự chương trình lần này có đại diện lãnh đạo Ủy ban khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Đại diện các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương; Đại diện Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Đại diện lãnh đạo các Hội, Hiệp hội, các Cục, Vụ, Viện thuộc cơ quan bộ, ban, ngành; Đại diện các Sở TN&MT, Sở Công thương, Sở NN&PTNT khu vực phía Nam; Các Viện nghiên cứu, các Trường đại học; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; Các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ sở tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Khởi động Race To Net Zero và công bố đại sứ chiến dịch
Race To Net Zero là một cuộc đua về giảm phát thải khí nhà kính của toàn xã hội. Đây là chiến dịch xuyên suốt đến 2050 bao gồm rất nhiều hoạt động đòi hỏi sự tham gia của các cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi hậu.
Chiến lược Race To Net Zero sẽ được phát triển và triển khai từ các hoạt động kỹ thuật tới những hoạt động truyền thông cộng đồng và hợp tác quốc tế chuyển giao năng lượng công bằng. Các hoạt động thực hiện kiểm kê khí nhà kính, phát triển các giải pháp hỗ trợ cho hệ thống MRV về kiểm kê khí nhà kính quốc gia sẽ được phối hợp thực hiện.
Ngoài ra, Race To Net Zero cũng sẽ tập trung vào các hoạt động hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật kiểm kê, kiểm toán năng lượng, phát thải khí nhà kính cho các tổ chức, doanh nghiệp có phát thải chưa thuộc đối tượng bắt buộc của Chính phủ và các đơn vị niêm yết đại chúng.
Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra tại Lễ công bố Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển, Việt Nam thiệt hại khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do các tác động của khí hậu. Tổng chi phí kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra có thể lên tới 523 tỷ USD vào năm 2050. Đáng chú ý, Việt Nam đã tăng lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người lên gấp 4 lần trong thế kỷ này lượng khí thải và đang duy trì tốc độ nhanh nhất trên thế giới. Trước tình hình thực tế như trên, có thể thấy, Race To Net Zero là chiến dịch vô cùng ý nghĩa và rất cấp thiết không chỉ tại Việt Nam nói riêng mà toàn thế giới nói chung. Là nguồn lực để thực hiện các hoạt động xã hội liên quan tới giảm thiếu khí phát thải, khôi phục lại bầu khí quyển chung trên toàn cầu.
TS Nguyễn Linh Ngọc – Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam phát biểu trong sự kiện.
TS Nguyễn Linh Ngọc – Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam phát biểu tại sự kiện: Thực hiện cam kết về mục tiêu NetZero mà Chính phủ cam kết vào năm 2050 là chương trình rất lớn. Trong đó, Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức, các doanh nghiệp cần cải tiến công nghệ, phát triển các khu tích trữ cac-bon, do đó cần chuyển đổi phương thức sản xuất bằng việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và tiêu dùng.
Theo đó cần có một số giải pháp: Các Bộ như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm hoàn thiện các cơ chế chính sách, khung pháp lý. Với doanh nghiệp cần nhìn nhận cơ hội từ trong thách thức, khi đầu tư công nghệ sẽ có thị trường carbon.
Đại sứ chiến dịch Race To Net Zero.
Để chiến dịch có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, chương trình cũng công bố Đại sứ của chiến dịch. Những Đại sứ có vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông điệp và là cầu nối tới cộng đồng, công chúng, và toàn xã hội. Góp phần phát triển thực hiện chiến dịch ngày càng thành công hơn nữa.
Các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức cũng tham gia, trưng bày các sản phẩm thân thiện với môi trường, các sản phẩm được tái chế từ nhựa, bã cà phê, lá sen, cỏ bàng… thành các sản phẩm hoàn thiện với nhiều công dụng và cách sử dụng phong phú, đa dạng, có ích trong đời sống con người.
Các sản phẩm đĩa, chén được làm từ lá sen
Các sản phẩm có nguồn nguyên liệu từ cỏ bàng.
Các sản phẩm được tái chế từ bã cà phê.
Diễn đàn “Cơ hội đầu tư, thương mại và trách nhiệm của doanh nghiệp trong thị trường carbon”
Tiếp nối sự kiện là tổ chức diễn đàn dành cho các doanh nghiệp hiện nay trong thị trường carbon. Nghị định 06/2022/NĐ-CP được ban hành ngày 07/1/2022 đã có những quy định về lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước và thực hiện các dự án trao đổi tín dụng trong nước và quốc tế. Đây là căn cứ pháp lý mới nhất quy định về tổ chức và phát triển thị trường carbon.
Thị trường carbon được xem là giải pháp và chìa khóa thực hiện mục tiêu Net Zero. Thị trường vận hành theo nguyên tắc “Người gây ô nhiễm” phải trả mức phí bù đắp cho lượng phát thải ra môi trường. Trong thị trường carbon, đây là trách nhiệm cũng là cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp.
Khi tham gia thị trường các bên liên quan đều hài hòa được lợi ích. Thị trường tuân theo quy tắc “Thuận mua – vừa bán”. Nhà nước sẽ thu được nguồn ngân sách khi áp dụng thu phí từ các hoạt động trao đổi hạn ngạch, tín chỉ carbon hay thuế carbon trong tương lai. Những khoản phí này sẽ được tái tạo cho các dự án, công trình nghiên cứu về giảm phát thải, hấp thụ, lưu giữ carbon.
Thị trường carbon đã hoạt động và nhiều công ty đã bắt đầu nhận thấy lợi ích của việc sử dụng tín dụng carbon để cân bằng lượng khí thải các-bon của mình. Giải pháp này giúp các doanh nghiệp trở nên “xanh” hơn và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của sang “Net Zero” bằng cách áp dụng các kỹ thuật để thu giữ CO2 từ khí quyển và giảm lượng khí thải được tạo ra thông qua các hoạt động nỗ lực của họ.
Ông Phạm Cương – Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó với biến đổi khí hậu phát biểu.
Chia sẻ tại chương trình, ông Phạm Cương – Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó với biến đổi khí hậu cho biết: Theo Nghị định 06, đến năm 2027, Việt Nam sẽ vận hành sàn tín chỉ carbon, từ năm 2025 sẽ thí điểm tại một số đơn vị, năm 2028 sẽ vận hành chính thức. Hiện nay, các doanh nghiệp của Việt Nam đã thực hiện mua bán và trao đổi tín chỉ carbon, liên quan đến xuất khẩu đối với thị trường châu Âu và Mỹ. Các thị trường này sẽ đánh thuế nên họ quan tâm đến bù trừ tín chỉ carbon.
Thông qua chương trình lần này, có thể thấy những vấn đề mang tính cấp thiết cần được giải quyết về biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như thực hiện các giải pháp, hoạt động xã hội ý nghĩa góp phần khôi phục lại “sức khỏe” của bầu khí quyển. Đây không là vấn đề của riêng bất kỳ ai mà là những bước đi chung của toàn nhân loại.
Một số hình ảnh tại sự kiện:
Hải Ngọc