Khơi thông kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp

Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện nới room tín dụng, song “cơn khát” vốn của nhiều DN vẫn chưa được giải toả.

Doanh nghiệp yếu vì thiếu “ôxy”

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ -Ngân hàng Nhà nước:

Ngân hàng thực chất cũng chính là DN. Hoạt động cho vay của các ngân hàng cũng đối mặt với rất nhiều rủi ro khi 80% vốn huy động là ngắn hạn, trong khi cho vay trung dài hạn đang chiếm tới trên 50%. Bên cạnh đó, việc cho vay phải dựa trên cơ sở các điều kiện, điều khoản và quy định. Ngân hàng không thể hạ chuẩn cho vay vì tiền cho vay chính là tiền gửi tiết kiệm của người dân.

NHNN vừa thực hiện nới room tín dụng, như vậy tổng lượng room tăng thêm lên tới 3,5-4%, đây là lượng vốn rất lớn chỉ trong 3 tuần cuối năm, vì thống kê tháng 12 hàng năm thường chỉ cần từ 2-2,2% room tín dụng. Do đó, trong tình hình hiện nay, ngân hàng cũng phải “đốt đuốc tìm DN” tốt. DN nếu tốt thì không phải một mà có nhiều ngân hàng cùng cấp hạn mức tín dụng. Các ngân hàng cũng rất muốn cho vay vì họ phải trả lãi tiền gửi cho khách hàng, càng đọng vốn càng tăng chi phí.

TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế:

Dòng vốn chỉ là một trong những yếu tố mà hiện nay đã ảnh hưởng tới DN. Theo khảo sát của Tổng cục thống kê, 100% DN đối mặt với khó khăn về chi phí đầu vào, đứt gãy chuỗi giá trị; kể cả đầu ra và ở thị trường trong nước. Trong đó, khó khăn về vốn, lãi suất nằm ở thứ tự thứ 4, 5. Do đó, khi bàn về tháo gỡ khó khăn thì cần phối hợp đồng bộ với những khó khăn hàng đầu, như về nguồn lực lao động, nhiều DN phía Nam đang phải cho giãn, hoãn người lao động. Các chính sách về lương, về BHXH cũng cần phải tháo gỡ. Về nguồn vốn của NH, Thủ tướng Chính phủ đã gửi công điện cho NHNN về tăng tín dụng và đặc biệt là tăng cường triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%. Tuy nhiên, bên cạnh chỉ đạo của NHNN và Chính phủ thì bản thân các tổ chức tín dụng cũng cần lưu ý tới các rủi ro về kỳ hạn, lãi suất, tính thanh khoản và cả rủi ro về nợ xấu cần được đánh giá kỹ, cũng như khả năng hấp thụ lượng vốn lớn sau khi nới room tín dụng từ nay đến hết năm và đầu năm tới.

N.H (ghi)

Phát biểu tại toạ đàm “Tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN” do báo Người Lao Động tổ chức mới đây, ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM cho biết, việc tiếp cận vốn của DN trong giai đoạn hiện nay là không hề dễ. Các DN lương thực thực phẩm sản xuất hàng thiết yếu hàng ngày phục vụ tiêu dùng và đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn để đáp ứng cho nhu cầu thị trường Tết và năm 2023. Do đó, ông Dũng mong NHNN và các ngân hàng thương mại nhanh hơn, chia sẻ nhiều hơn cho DN, giúp DN tiếp cận vốn tốt hơn để đi qua khó khăn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel đặt vấn đề về sự khác biệt của các chính sách đối với DN trong giai đoạn trước và sau dịch. “Chúng tôi mong Chính phủ chỉ ra sự khác biệt đó bởi không chỉ ra được thì ngân hàng không dám làm gì hết. Nếu trước và sau dịch tiêu chuẩn cho vay như nhau, phải chăng đại dịch là vô nghĩa, sự suy sụp đình trệ của DN chỉ là nhất thời? Đề nghị Chính phủ, NHNN sắp xếp lại tiêu chí, điều kiện cho vay để hỗ trợ DN và có cơ chế cho các ngân hàng thực hiện” – ông Kỳ nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng đánh giá, hiện chính sách đang đi sau thực tế và “vừa đi vừa dò đường” nên DN rất khó khăn. Theo đó, cần xây dựng các chính sách có khả năng đi trước để các định chế như tài chính và ngân hàng đi theo. “Sau dịch, cơ thể ốm yếu cần ôxy, tài chính là ôxy mà phải chia nhau thì DN không thể khoẻ được. Chính phủ có chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho 1 số đối tượng DN nhưng du lịch lại không được đưa vào diện ưu đãi. Tương tự, ngành hàng không cũng đang thiếu vốn trầm trọng nhưng chính sách thiết kế cho 2 ngành này gần như không có. Chúng tôi mong NHNN kiến nghị Chính phủ thiết kế chính sách cho 2 ngành mũi nhóm này” – ông Kỳ nhấn mạnh.

Cần sớm khơi thông kênh trái phiếu DN

Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, ngành ngân hàng đã rất tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ DN. Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, tính đến đầu tháng 12, VietinBank đã cung ứng ra nền kinh tế hơn 1,2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 10,7% so với đầu năm. Các lĩnh vực cho vay chủ yếu theo chỉ đạo của Chính phủ, tín dụng xanh và lĩnh vực thiết yếu. Riêng về room tín dụng, ông Sơn cho biết, sau khi nới room VietinBank được tăng thêm khoảng 20.000 tỷ đồng, góp phần đáp ứng kịp thời về vốn cho DN. Hiện NH đã rà soát, thiết kế những sản phẩm phù hợp với chi phí lãi vay hợp lý đáp ứng vốn trong dịp tết Nguyên đán sắp tới. VietinBank cũng tập trung rà soát, tiết giảm chi phí tối đa để kiềm chế mức tăng lãi suất cho vay hiện nay.

Ông Nguyễn Minh Trí, Thành viên HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) cũng cho biết, nguyên tắc quan trọng của Agribank khi cho vay là phải cùng thắng với DN, cùng đồng hành với DN. “Khi DN tốt, hoạt động có hiệu quả, thì chúng tôi mới có khả năng thu hồi được vốn; còn DN không có doanh thu, không có dòng tiền thì làm sao ngân hàng dám cho vay?” – ông Trí nhấn mạnh. Do đó, trong cuộc đua lãi suất vừa qua, Agribank luôn thận trọng, lắng nghe và điều chỉnh những hạn chế, đáp ứng yêu cầu giảm lãi suất. Ngay trong tháng 12 ngân hàng đã giảm 20% tổng số lãi phải trả cho khách hàng. Agribank sẵn sàng dùng nguồn lực nội tại để đóng góp vào việc tạo điều kiện cho DN bớt khó khăn. Bởi, DN tồn tại thì ngân hàng mới có thể phát triển.

Ở góc độ NHNN, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, trong năm 2022, chương trình kết nối ngân hàng – DN đã kết nối khoảng 443.000 tỷ đồng, gắn liền với chính sách cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ… Đến nay, đã giải ngân được khoảng 93% trong tổng số cam kết 443.000 tỷ đồng và tiếp tục kết nối ngân hàng và DN trong những ngày còn lại của năm nay, thậm chí có thể vượt số đăng ký 443.000 tỷ đồng.

Trong năm 2023, chương trình này sẽ tiếp tục thực hiện để tháo gỡ khó khăn về vốn, và đặc biệt, gắn với các chính sách hỗ trợ như Nghị định 31 và Nghị quyết 11 của Chính phủ và Thông tư của NHNN về chương trình hỗ trợ lãi suất 2%.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngành ngân hàng không thể mãi đi lo nguồn vốn trung dài hạn cho DN. Trên thực tế, tín dụng đã tăng trưởng trên 12% kể từ đầu năm, tương ứng gần 1,4 triệu tỷ đồng vốn tín dụng đã cung ứng ra nền kinh tế, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của DN. Do đó, cần sớm khơi thông kênh trái phiếu DN để đáp ứng nhu cầu vốn vốn trung dài hạn cho DN.

Phân tích về tình hình cung ứng vốn của nền kinh tế, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho biết, trong năm 2021, tổng tín dụng chiếm khoảng 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tuy nhiên, trong 11 tháng của năm 2022 nền kinh tế lại dựa hơi nhiều vào vốn tín dụng, riêng vốn cho bất động sản có tới gần 70% đến từ tín dụng do kênh trái phiếu hạn hẹp, ách tắc, các kênh khác hạn chế. Do đó, cần cân bằng hơn giữa các kênh trái phiếu trong nước và quốc tế, vốn tín dụng ngân hàng…

Tuy nhiên, liên quan đến những vấn đề của thị trường trái phiếu thời gian qua, ông Cấn Văn Lực cho rằng Chính phủ cần sớm giải quyết, xử lý nhanh những vụ việc vừa qua để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư. Trong đó, hết sức chú ý câu chuyện trái phiếu đáo hạn trong thời gian tới, nhất là lĩnh vực bất động sản.

Cũng liên quan đến vấn đề này, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề mấu chốt là niềm tin đối với thị trường đang suy giảm. Do đó, cần phân tích đúng nguyên nhân đi xuống, mất niềm tin thì mới tìm ra giải pháp phục hồi và củng cố niềm tin, từ đó mới có thể tháo gỡ khó khăn đồng bộ. Việc tháo gỡ này cũng phải dựa trên cơ chế thị trường, tránh đưa ra những biện pháp hành chính quá mức, tránh làm méo mó thị trường, gây ra những xáo trộn không cần thiết sẽ ảnh hưởng đến lộ trình phát triển DN và cả nền kinh tế.

Ông Cấn Văn Lực cũng cho rằng, thời gian tới việc điều hành tăng trưởng tín dụng cần rút kinh nghiệm của năm 2022 khi tăng trưởng nhanh trong 6-7 tháng đầu năm nên không lường được hết các khó khăn liên quan đầu tư công, sau đó phải “phanh” lại. Do đó, cần cân nhắc “phanh” như thế nào để không tạo bất ngờ. Về tín dụng bất động sản, Bộ Xây dựng nên phân nhóm DN bất động sản theo 4 phân khúc và giám sát, cho vay theo 4 nhóm này.

Thận trọng trong giải ngân tín dụng cuối năm

Phỏng vấn TS. Nguyễn Quốc Hùng (ảnh), Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA).

Ông đánh giá như thế nào về động thái nới hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng tác động như thế nào đến hoạt động cho vay của các ngân hàng hiện nay?

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới room tín dụng từ 1,5-2% vừa qua là phù hợp với thực tế do nhu cầu vốn của các doanh nghiệp cuối năm tăng mạnh. Hơn nữa, nhiều tổ chức tín dụng vẫn đáp ứng được khả năng thanh khoản cũng như khả năng cung ứng thêm vốn cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, trong đợt nới room vừa rồi, NHNN không phân bổ chỉ tiêu cào bằng mà chỉ ưu tiên các tổ chức tín dụng đáp ứng 3 yếu tố. Thứ nhất là phải đủ nguồn lực, nghĩa là nguồn vốn đáp ứng được yêu cầu từ mặt bằng lãi suất. Thứ hai là phải giữ ổn định được lãi suất cho vay với lãi suất hợp lý trong bối cảnh nâng lãi suất huy động. Thứ ba là phải đầu tư, tập trung cho vay các đối tượng trực tiếp sản xuất kinh doanh, những lĩnh vực ưu tiên theo quy định.

Nhưng không ít doanh nghiệp đặt lo ngại dòng vốn sẽ chảy vào lĩnh vực rủi ro, theo ông, lo ngại này có xảy ra?

Điều này rất khó xảy ra bởi đây cũng là vấn đề mà NHNN đã lường tới khi nới thêm room tín dụng, nghĩa là khoảng 280.000 tỷ đồng vốn sẽ được bơm thêm ra thị trường. Trong phiên họp nội bộ với các thành viên do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức vừa qua, các ngân hàng thương mại cũng xác định rõ phải tập trung tín dụng vào sản xuất theo định hướng của Chính phủ và NHNN.

Hơn nữa, việc phân bổ vốn tín dụng cũng là một trong những trọng tâm mà NHNN sẽ xem xét trong quá trình thanh tra, kiểm tra đối với những đơn vị được cấp quyền room tín dụng. Do vậy, nguy cơ dòng vốn tín dụng đưa vào những lĩnh vực rủi ro từ nay đến cuối năm khó có thể xảy ra. Ngoài sự giám sát của NHNN, bản thân các ngân hàng thương mại và Hiệp hội cũng luôn theo dõi, giám sát chặt chẽ để kịp thời phát hiện sai phạm và có biện pháp xử lý một cách nghiêm túc.

Với dòng vốn được tăng thêm này, các doanh nghiệp và ngân hàng cần có kế hoạch thực hiện ra sao, thưa ông?

– Dù có thêm dư địa tín dụng, song bản thân doanh nghiệp và ngân hàng đều phải rất thận trọng trong giải ngân cuối năm. Thời gian qua, các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp phản ánh gặp nhiều khó khăn, sụt giảm đơn hàng do kinh tế thế giới suy thoái. Vì thế, các doanh nghiệp trong lúc này phải hết sức bình tĩnh, rà soát và cơ cấu lại danh mục kinh doanh của mình, xác định những khoản mục nào cần tập trung, khoản mục nào nên co gọn lại. Trong giai đoạn này, theo tôi, doanh nghiệp cần phải duy trì sản xuất ổn định, không nên mở rộng đầu tư.

Với các ngân hàng cũng vậy, khi tăng trưởng tín dụng cũng phải rà soát, đánh giá xem xét khả năng tình hình của mình bao gồm nguồn vốn, chất lượng tín dụng, nợ xấu, tài sản… để đảm bảo an toàn của chính ngân hàng và của cả hệ thống tổ chức tín dụng.

Xin cảm ơn ông!

Hương Dịu (thực hiện)

Tại cuộc họp bàn thống nhất các giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh tại NHNN ngày 15/12/2022, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, theo báo chí và doanh nghiệp phản ảnh, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng hiện nay vẫn còn ở mức tương đối cao: lãi suất cho vay trung bình tại các ngân hàng thường dao động từ 10-16%/năm (cho vay tín chấp), còn đối với vay thế chấp thì lãi suất dao động từ 10-14%/năm. Hơn nữa, việc một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động gây nên tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, tạo tâm lý bất ổn đối với cả người gửi tiền và người đi vay; đồng thời khiến chi phí huy động vốn bị tăng lên, làm thu hẹp chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra.

Vì thế, VNBA đề nghị các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc lời kêu gọi đồng thuận lãi suất huy động tại mọi kỳ hạn không quá 9,5%/năm (đã bao gồm các khoản khuyến mại). Hơn nữa, các tổ chức tín dụng, đặc biệt là 30 tổ chức tín dụng đã được phân bổ chỉ tiêu tín dụng bổ sung cần căn cứ khả năng, năng lực tài chính của mỗi tổ chức tín dụng, tiếp tục tiết giảm chi phí nhằm hỗ trợ khách hàng giảm lãi suất cho vay theo nội dung đã cam kết với NHNN.

Theo HQ Online