Một đất nước phát triển, dân giàu, nước mạnh thì đất nước đó phải có nhiều người giàu có. Đất nước ta thời gian qua song hành với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, quy mô nền kinh tế không ngừng mở rộng, đã cho thấy ngày càng có số người giàu có đông hơn.
Bảng xếp hạng các tỷ phú đô la thế giới ngày càng nhiều người Việt hơn; ngày càng có nhiều đại gia có những khối tài sản hàng nghìn tỷ, chục nghìn tỷ đồng được công chúng biết đến. Có được thành quả này là nhờ đường lối phát triển kinh tế của đất nước ta, hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế quốc tế, chính sách phát triển doanh nghiệp tư nhân đã tạo động lực để nhà nhà, người người tham gia phát triển kinh tế. Dù vậy, người giàu hiện nay vẫn còn có phần bị cô lập, nghi kỵ, chưa được nhìn nhận, đánh giá một cách đúng đắn về vị trí, vai trò trong nền kinh tế. Câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi thảo luận ở Quốc hội về dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư: “Đừng sợ dân giàu, các đồng chí ạ. Bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư tư nhân để họ yên lòng là rất quan trọng”, đã nói lên một phần tâm lý đó.
Nhìn thẳng thực tế, tâm lý kỳ thị người giàu hiện vẫn tồn tại trong xã hội chúng ta và nó là một trở ngại để nền kinh tế phát triển.
Vì sao xã hội ta lại có tâm lý không đáng có này? Đầu tiên phải kể đến là hệ quả tâm lý còn tồn tại từ xã hội cũ, khi mà hầu hết người giàu có là các quan chức phong kiến sống bằng tiền sưu cao thuế nặng, bóc lột người dân. Hiện nay, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội còn xa, một bộ phận người dân còn quá khó khăn nên tâm lý nghi kỵ người giàu dễ phát sinh. Đặc biệt, một số người trở nên giàu có lại không bằng tài năng, công sức của mình mà bằng việc tham ô, tham nhũng, kinh doanh vi phạm pháp luật khiến xã hội bức xúc. Mặt khác, một số doanh nhân đã giàu lên bằng cách luồn lách, móc ngoặc với quan chức trong bộ máy công quyền để có tạo lợi ích nhóm, thu lợi từ những sai phạm, khuất tất. Trong khi đó, pháp luật còn nhiều điều chưa rõ ràng, việc thực thi của bộ máy công quyền chưa được minh bạch khiến người dân không phân biệt được đâu là người giàu làm ăn chân chính, đâu là người giàu từ việc làm bất chính.
Dù lý do gì thì tâm lý kỳ thị người giàu cũng là lực cản, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế. Do đó, doanh nhân, những nhà kinh doanh muốn được xã hội ủng hộ thì đầu tiên cần kinh doanh đúng pháp luật, để lợi ích của doanh nghiệp đồng điệu với lợi ích của cộng đồng. Nếu lợi ích của doanh nghiệp đi ngược lại lợi ích chung thì sẽ bị cộng đồng tẩy chay, phản đối, như việc gây ô nhiễm môi trường, sản xuất hàng giả… Quan trọng hơn là việc xây dựng và thực thi pháp luật để xóa bỏ tâm lý kỳ thị người giàu. Khi pháp luật đủ thông thoáng, rõ ràng người dân dễ dàng soi rọi pháp luật vào hoạt động của doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp chân chính đó càng giàu sẽ càng được người dân tán dương, ủng hộ. Ngược lại, những kẻ giàu lên từ tham ô, tham nhũng, từ kinh doanh bất chính đều được xử lý nghiêm khắc, triệt để sẽ thanh lọc những kẻ giàu có bất chính trong xã hội qua đó nâng cao niềm tin của người dân vào những người làm giàu bằng mồ hôi, nước mắt của mình. Cùng với đó, chính sách, pháp luật của Nhà nước cần kéo bớt khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, các chính sách an sinh xã hội đầy đủ hơn. Khi những người giàu được cộng đồng xã hội tán dương, tôn vinh và người giàu thông qua hoạt động kinh doanh mạng lại lợi ích nhiều hơn cho cộng đồng thì nền kinh tế sẽ có thêm nhiều sung lực để phát triển một cách mạnh mẽ, bền vững.
Văn Bắc – HQ