Các khu công nghiệp (KCN) tại Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng cân bằng về kinh tế, xã hội và môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững và thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh. Đặc biệt là xu hướng KCN sinh thái, KCN công nghệ, nâng cao giá trị và thân thiện với môi trường…
Điểm lựa chọn của nhà đầu tư
Theo các chuyên gia, bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực mặc dù có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường và khó dự báo, với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) với rất nhiều lợi thế, đặc biệt là dòng vốn FDI vào các KCN xanh.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ quý 3/2023, dòng vốn FDI bắt đầu “chảy mạnh” vào Việt Nam. Tính đến ngày 20/10, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Trong khi tính đến cuối tháng 9 đạt 20,21 tỷ USD, tức chưa đầy 1 tháng đã tăng hơn 5 tỷ USD; vốn thực hiện 10 tháng năm 2023 ước đạt 18 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Với đà tăng tốc này, dự báo kết thúc năm 2023, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam có thể vượt 30 tỷ USD và vốn thực hiện có thể đạt mức kỷ lục trên 22 tỷ USD.
Đáng chú ý, việc thu hút nguồn vốn FDI vào một số KCN đã “về đích” sớm trong năm 2023. Theo thống kê của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (Hepza), trong 10 tháng năm 2023, vốn đầu tư vào các KCN đạt gần 950 triệu USD, đạt 172% kế hoạch năm. Trong đó, vốn đầu tư FDI, 10 tháng đạt 184 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Một địa phương lân cận với TPHCM là Đồng Nai tính đến hết tháng 9/2023, vốn FDI rót vào các khu công nghiệp tại đây đã vượt 34% kế hoạch năm, với 940 triệu USD.
Theo khảo sát 200 doanh nghiệp FDI của KPMG cho thấy, các nhà đầu tư FDI bên cạnh các ưu tiên như vị trí (đường giao thông, gần cảng, gần sân bay…), nguồn nhân lực, các hạ tầng logistics khác, xu hướng KCN xanh cũng là những yếu tố được ưu tiên lựa chọn đầu tư. Ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc KPMG cho biết, hiện có 4 mô hình KCN hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất là mô hình sinh thái – xu hướng của thế giới; KCN đô thị dịch vụ – công nhân có chỗ ở và yên tâm làm việc; KCN thông minh là bắt buộc, quản lý, kết nối hệ thống điện, xử lý nước thải cần có hệ thống thông minh; KCN tích hợp logistics, nhà kho, bến cảng.
Chia sẻ về bức tranh kinh doanh của một trong những KCN sinh thái phía Nam tại Diễn đàn “Khu công nghiệp Việt Nam 2023” diễn ra cuối tuần qua, ông Kazama Toshio, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ cho biết, năm 2014, KCN Phú Mỹ 3 được Thủ tướng quyết định thành lập KCN chuyên sâu. Đây là KCN chuyên sâu duy nhất tại Việt Nam được thành lập dựa theo thoả thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. Trên cơ sở đó, Phú Mỹ 3 tăng tỷ lệ mảng xanh, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất sạch, thường xuyên tổ chức và tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, đóng góp cho cộng đồng thông qua các hoạt động thiện nguyện; tăng cường liên kết cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp trong KCN và giữa các KCN với nhau; nỗ lực thu hút các ngành công nghiệp phù hợp với tiêu chí trung hòa carbon mà Chính phủ Việt Nam hướng đến… Về thành quả, tổng vốn đầu tư các dự án đã đi vào hoạt động tại Phú Mỹ 3 đạt 3 tỷ USD, dự kiến đến 2026 nâng lên 5,5 tỷ USD. Suất đầu tư bình quân 8-9 triệu USD/ha.
Những rào cản cần khắc phục
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững các KCN, khu kinh tế, các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới cần có những giải pháp đột phá, phù hợp với xu thế mới.
Trong đó, cần mạnh dạn tiên phong thay đổi hướng phát triển các mô hình KCN, khu kinh tế mới; lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho phát triển trong tương lai; thu hút đầu tư có chọn lọc; phát triển sản xuất, công nghiệp, dịch vụ trên nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với liên kết phát triển vùng, hình thành cụm liên kết ngành; hạn chế phát triển KCN trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định (đặc biệt là đất trồng lúa) và tại các khu vực khó có khả năng đền bù, giải phóng mặt bằng. Nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của các KCN, khu kinh tế các địa phương thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng (giao thông, cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ logistics); tăng cường nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Song quá trình này cũng đang đối mặt với không ít khó khăn. Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cho biết, sau nhiều năm triển khai nhiều hoạt động thí điểm, việc chuyển đổi theo mô hình KCN sinh thái cần bắt đầu từ việc khuyến khích xây dựng các doanh nghiệp xanh, tiên phong trong việc tuần hoàn chất thải, tính toán được lợi ích kinh tế lâu dài. Đồng thời, khái niệm trung tâm của KCN sinh thái là cộng sinh công nghiệp, hướng đến các mô hình tuần hoàn chất thải. Hiện nay, tại các KCN đã tồn tại một số mô hình tuần hoàn chất thải, nhưng hầu hết tự phát và ở quy mô nhỏ.
Theo đó, cơ quan quản lý cần đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp hình thành liên kết cộng sinh công nghiệp, hạn chế phát sinh các thủ tục hành chính cản trở doanh nghiệp hình thành liên kết.
Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ đổi mới công nghệ rất hạn chế, thủ tục còn phức tạp, chưa thực sự tạo động lực để doanh nghiệp thay đổi công nghệ sản xuất nhiều quỹ tài chính xanh như quỹ ủy thác tín dụng xanh, quỹ hỗ trợ tăng trưởng xanh, quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ bảo vệ môi trường… đã tạm ngưng các khoản vay hỗ trợ đổi mới công nghệ hoặc thắt chặt các chính sách, đối tượng cho vay.
Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang từng bước phục hồi, tác động của việc đứt gãy chuỗi cung ứng dự báo vẫn sẽ ảnh hưởng hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đến giữa năm 2024, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cho rằng việc thiếu các nguồn tài chính xanh sẽ là rào cản cho các doanh nghiệp muốn đổi mới dây chuyền sản xuất.
TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV: Khó khăn hàng đầu chính là thủ tục hành chính và pháp lý
Trong khảo sát gần đây của chúng tôi với khoảng 30 nhà đầu tư là doanh nghiệp đầu tư KCN nêu ra 10 khó khăn chính. Trong đó, khó khăn hàng đầu chính là thủ tục hành chính và pháp lý. Chúng ta thấy, thủ tục hành chính vẫn còn chồng chéo và chưa rõ ràng. Nghị định 35 đã là một cấp tiến nhưng đâu đó có một số tiêu chí chưa rõ ràng. Ví dụ khi nói đến khu đô thị dịch vụ, thì một doanh nghiệp hình dung như nào, vẫn còn rất khó. Do đó, rất cần hướng dẫn một cách chi tiết. Đặc biệt là chuyển đổi từ KCN hiện hữu sang KCN đô thị dịch vụ. Doanh nghiệp quan tâm khi đó, cơ chế ưu đãi sẽ ra sao, liệu có còn không. Kế đến liên quan đến định giá đất, tiền thuê đất. Trong 2-3 năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp muốn nộp tiền nhưng chưa được. Sắp tới, Thủ tướng sớm ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 44, trong đó có 1 chương mục riêng về định giá đất. Hy vọng sẽ nghị định sửa đổi ban hành trong tháng 11. Tiếp theo là thủ tục liên quan đén chấp thuận chủ tưởng đầu tư. Với một dự án lớn, hàng trăm ha, thì doanh nghiệp họ phải phân kỳ đầu tư. Nhưng khi hết giai đoạn 1, thì họ mong muốn chuyển tiếp và đơn giản hóa thủ tục cho giai đoạn tiếp theo chứ không phải đi xin lại từ đầu. Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: KCN từng bước chuyển đổi theo hướng tăng trưởng xanh Thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh các giai đoạn 2012-2020 và 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, thời gian qua các địa phương đã thí điểm chuyển đổi một số KCN từ mô hình truyền thống sang KCN sinh thái, gắn kết hoạt động công nghiệp với bảo vệ môi trường. Tại các KCN đã chuyển đổi này, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, đã xuất hiện sự liên kết hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp. 4 KCN thí điểm chuyển đổi gồm KCN Khánh Phú, KCN Gián Khẩu tại Ninh Bình, KCN Hòa Khánh tại Đà Nẵng và KCN Trà Nóc 1&2 tại Cần Thơ. Từ năm 2020 đến nay, mô hình KCN sinh thái được nhân rộng thêm tại 3 địa phương là Hải Phòng, Đồng Nai và TPHCM. Ngoài ra, trong các khuôn khổ hợp tác với các tổ chức quốc tế khác, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hỗ trợ việc xây dựng KCN sinh thái tại Bình Dương, thực hiện các mạng lưới tuần hoàn nước đối với một số KCN tập trung nhiều hoạt động dệt may tại Hưng Yên, Thừa Thiên – Huế… Nhìn lại chặng đường phát triển của đất nước hơn 35 năm qua, có thể khẳng định mô hình KCN, khu kinh tế đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò, vị trí ngày càng quan trọng, là động lực thúc đẩy tăng trưởng và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là kênh thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển bền vững. Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các KCN, khu kinh tế trên cả nước phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả, đặc biệt đối với các mô hình KCN mới như KCN sinh thái. Ông Kasahara Masayuki, Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại TPHCM: Một bộ tiêu chuẩn chung về KCN xanh, KCN sinh thái Việt Nam cần có quy định với 1 bộ tiêu chuẩn chung cũng như cụ thể về bộ chỉ tiêu KCN xanh, KCN sinh thái. Ở Thái Lan, Nhật Bản và một số quốc gia mà JICA đã hỗ trợ cho thấy cần có sự phối hợp Chính phủ và đại diện KCN để xây dựng bộ chỉ tiêu này. Điều này cần sự phối hợp của nhiều bộ ngành để cung cấp các giải pháp toàn diện, ngoài ra cũng cần có những hành động phù hợp để tiếp cận vốn đầu tư nước ngoài vào KCN. Việt Nam cần hệ thống tích hợp để làm sao có một hệ thống quy định, hướng dẫn, kiểm định xem có đạt tiêu chí KCN sinh thái hay không. Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ: Phải bảo vệ được môi trường và phát triển bền vững Bà Rịa – Vũng Tàu đã có sự kết hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) trong phát triển mô hình KCN kiểu mẫu, với 15 KCN tổng diện tích 8.000 ha. Trong đó, KCN Phú Mỹ 3 được Thủ tướng quyết định thành lập KCN chuyên sâu. Trước đó, cuối năm 2011 đầu năm 2012, Chính phủ Việt Nam cùng Chính phủ Nhật Bản mong muốn thành lập 2 KCN hỗ trợ. Qua tham khảo, học hỏi kinh nghiệm cũng như sự hướng dẫn của các chuyên gia quốc tế, Phú Mỹ 3 quyết định theo đuổi mô hình sinh thái thay vì đi theo kiểu truyền thống. Khi đó có một bài toán đặt ra là phát triển KCN nhưng phải bảo vệ được môi trường và phát triển bền vững. Tránh trường hợp như Nhật Bản đã trải qua khi phát triển công nghiệp hóa chất. Do đó, chúng tôi phải xử lý các vấn đề về môi trường, đầu tư hạ tầng đồng bộ. Và kể từ năm 2017 đã có các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Đến nay, Phú Mỹ 3 thu hút 3 tỉ USD với từ 41 nhà đầu tư. Vì vậy, để phát triển KCN mang tính bền vững, trước tiên phải xem lợi thế địa phương rồi định hướng chiến lược thu hút đầu tư và phải kiên trì với mục tiêu đó. Điểm mấu chốt đó là phải hiểu lắng nghe đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn. Thu hút nhà đầu tư lớn là điều không đơn giản nên phải đồng hành cùng với nhà đầu tư ở từng bước. Các chủ đầu tư KCN phải xác định mình là trung gian để hỗ trợ kết nối giữa nhà đầu tư với chính quyền. Có sự đồng hành ấy, các nhà đầu tư sẽ đánh giá cao KCN và sẽ có nhiều lợi thế đón các nhà đầu tư khác. |
Theo Haiquanonline