Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, tuy nhiên việc kiểm định khí thải xe máy được nhiều ý kiến nhận định có thể sẽ chưa thể triển khai từ khoảng thời gian này…
Theo đó, quy định xe máy sẽ phải kiểm định khí thải được coi là xu thế tất yếu để đảm bảo các cam kết kiểm soát khí thải, ô nhiễm môi trường mà Việt Nam đã tham gia. Tuy nhiên, việc kiểm định khí thải đối với xe máy phải được triển khai như thế nào để đạt hiệu quả và không làm xáo trộn đời sống là vấn đề đang nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân.
Theo số liệu thống kê của Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, giai đoạn 2005 – 2022, tăng trưởng xe máy tại Việt Nam đạt bình quân khoảng 9,1%/năm. Đến nay, số lượng xe máy đã đăng ký trên toàn quốc đạt khoảng 69,2 triệu xe và số xe lưu hành đạt khoảng 45,5 triệu xe.
Tại các thành phố lớn, xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính. Thống kê năm 2020, xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn Hà Nội chiếm 84%, tại thành phố Hồ Chí Minh chiếm 91% và tại Đà Nẵng chiếm 90% trong tổng số các loại hình phương tiện giao thông. Giai đoạn 2025 – 2030, xe máy vẫn sẽ là loại hình vận tải cá nhân thông dụng, phổ biến; tuy nhiên, đây cũng chính là phương tiện phát thải khí thải lớn nhất ra môi trường tại các thành phố lớn.
Theo kết quả từ 3 chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy tại 3 thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cho thấy, xe trên 5 năm đã có xu hướng vượt tiêu chuẩn khí thải hiện hành và xe trên 10 năm có tỷ lệ phát thải rất lớn. Trong khi đó, xe có tuổi đời trên 10 năm tại cả 3 thành phố đều chiếm tỷ lệ trên 50% tổng số xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn. Cụ thể, ở Hà Nội chiếm 72,58%, tại thành phố Hồ Chí Minh chiếm 68% và tại Đà Nẵng chiếm trên 59%.
Từ thực tế trên, có thể cho rằng, khí thải từ xe cơ giới, trong đó có xe máy, đang là một trong các nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường trong đô thị.
Theo quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, mô tô, xe gắn máy sẽ phải thực hiện kiểm định khí thải.
Điều 42 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định về bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ nêu rõ: Việc kiểm định đối với xe mô tô, xe gắn máy chỉ thực hiện kiểm định khí thải. Như vậy, kể từ khi Luật này có hiệu lực (ngày 1/1/2025), xe mô tô, xe gắn máy sẽ phải thực hiện kiểm định khí thải.
Luật cũng quy định việc kiểm định khí thải thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phải được thực hiện tại các cơ sở kiểm định khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Bình luận về nội dung này, nhiều ý kiến chuyên gia đánh giá, việc kiểm định khí thải xe máy là một bài toán cực kỳ thử thách, bởi lượng xe máy ở Việt Nam rất lớn, thực tế ước tính gần 70 triệu chiếc. Trong khi chỉ với 6 triệu chiếc ô tô vậy mà việc xây dựng mạng lưới kiểm định đã mất gần 30 năm mới được gần 300 trạm. Còn lượng xe máy gấp 10 lần ô tô, dù kiểm định đơn giản hơn nhưng tỉ lệ tương ứng để phủ rộng giai đoạn đầu cũng cần hàng nghìn cơ sở tham gia kiểm định.
Dù khó, nhưng giới chuyên gia cũng cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm có phương án kiểm định khí thải xe máy, trong bối cảnh đây được dự báo vẫn là loại hình vận tải cá nhân thông dụng, phổ biến và phát thải khí thải lớn nhất ra môi trường.
Từng chia sẻ trên tờ Lao động về nội dung này, TS Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, thực tế đã xác định được những tác hại, ảnh hưởng của khí thải từ các loại xe môtô, xe gắn máy tới môi trường, sức khỏe con người.
Chưa kể, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện kiểm soát khí thải đối với các loại phương tiện này từ lâu và cho kết quả tích cực. Chính vì vậy, theo vị chuyên gia này càng để lâu càng khó thực hiện.
“Số lượng xe ngày càng tăng thì việc kiểm soát càng khó. Tôi nghĩ chúng ta phải làm ngay. Bài toán đặt ra bây giờ là quy trình kiểm định thế nào, kiểm định ở đâu… Sẽ không có vấn đề gì khó nếu chúng ta quyết tâm làm”, TS Hoàng Dương Tùng chia sẻ.
Các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM… là những nơi tập trung lượng xe máy rất lớn. Theo chuyên gia, những địa phương này cần được ưu tiên thực hiện trước việc kiểm định khí thải.
“Ở những vùng núi xa xôi thì tỉ lệ xe vẫn còn ít, phát thải vào môi trường cũng chưa nhiều nên chúng ta có thể giãn tiến độ kiểm soát khí thải tại những vùng này. Tập trung làm tốt ở các thành phố lớn, nơi có lượng phương tiện nhiều thì sau đó việc triển khai ở các vùng khác sẽ dễ dàng hơn“, TS Hoàng Dương Tùng chia sẻ.
Đồng quan điểm về việc cần phải thực hiện sớm, tuy nhiên, TS Nguyễn Xuân Thủy – nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông cho rằng, làm như thế nào lại là một bài toán khó. “Phải có điều kiện cần và đủ. Khi thực hiện phải làm sao để không xáo trộn cuộc sống của người dân, không làm mất thời gian, không nhiêu khê, phức tạp vấn đề… thì sẽ được người dân ủng hộ“, TS Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ.
Ngoài ra, theo TS Nguyễn Xuân Thủy, chính sách hỗ trợ đối với chủ phương tiện khi xe của họ không đạt tiêu chuẩn kiểm định cũng cần được chú ý.
Cũng theo vị chuyên gia, hiện nay hệ thống giao thông công cộng tại các đô thị đang được chú trọng, đầu tư. Khi loại hình giao thông này trở nên tiện lợi và thân thiện với môi trường sẽ là nền tảng để nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông và thúc đẩy chuyển dịch từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng.