Kiến nghị cho bến xe được thí điểm đầu tư khai thác dịch vụ xe trung chuyển

Vận tải hành khách liên tỉnh tuyến cố định vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn và đang vấp phải sự cạnh tranh với xe hợp đồng trá hình, xe limousine hoạt động như xe tuyến cố định phát triển mạnh mẽ.

Sản lượng lượt xe tại các bến xe của Hà Nội mới chỉ đạt mức 70%, lượt khách chỉ đạt 60% so với thời điểm trước dịch COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội vừa có kiến nghị thí điểm xe khách dưới 10 chỗ hoạt động tuyến cố định, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đã đầu tư phương tiện xe limousine được vào bến xe hoạt động theo đúng quy định.

Ông Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nôi cho hay trải qua thời gian dịch bệnh COVID-19, hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh tuyến cố định tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã có nhiều sự xáo trộn, thay đổi phức tạp. Trong đó, hoạt động xe khách tuyến cố định trên các bến xe của Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội đã sụt giảm nghiêm trọng cả về sản lượng lượt xe và lượt hành khách.

Đến thời điểm hiện tại, sau gần 2 năm hoạt động bình thường trở lại, sản lượng lượt xe tại các bến xe của Hà Nội mới chỉ đạt mức 70%, lượt khách chỉ đạt 60% so với thời điểm trước dịch. Nhiều doanh nghiệp, nhà xe đã phải giảm quy mô, tạm ngừng hoạt động, thậm chí phá sản.

Chỉ ra nguyên nhân, ông Hùng đánh giá các đơn vị vận tải truyền thống không kịp thời thay đổi để thích ứng với đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, của hành khách; vẫn còn nhiều nhà xe, nhiều doanh nghiệp hoạt động theo lối mòn cũ, không chú trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới cung cách phục vụ, tiếp cận khách hàng.

“Nhiều doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định vì lợi ích trước mắt đã bỏ không vào bến, lập văn phòng bên ngoài chạy vòng vo đón khách, tạo thành các tụ điểm ‘xe dù, bến cóc.’ Các loại hình trung chuyển truyền thống bằng xe buýt, xe máy chở khách, xe taxi… chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của hành khách về chất lượng dịch vụ,” ông Hùng nói.

Ngoài ra, hiện tượng xe hợp đồng trá hình, xe limousine hoạt động như xe tuyến cố định phát triển mạnh, tiếp cận hành khách bằng sự tiện lợi, giá cả phải chăng nhưng lại tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh vận tải khách liên tỉnh, gây áp lực nặng nề cho giao thông đô thị…

Cho rằng một số đơn vị vận tải đã đưa hình thức xe trung chuyển vào phục vụ hành khách nhằm cạnh tranh về chất lượng dịch vụ với các loại hình xe hợp đồng trá hình, tuy nhiên, ông Hùng thừa nhận do mô hình tổ chức và phương thức quản lý xe trung chuyển còn chưa hoàn thiện nên còn nhiều bất cập.

“Đối mặt với tình trạng đó, hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định vốn có vai trò chủ đạo trong hệ thống vận tải bằng đường bộ đang có nguy cơ đứt gãy, suy thoái, mang tới nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội,” vị Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội chỉ ra thực tế.

Do vậy, để tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút khách vào bến, đẩy lùi hoạt động xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình, Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội kiến nghị thành phố xem xét quy hoạch ổn định vị trí của các bến xe để các đơn vị tập trung đầu tư cho việc phát triển bền vững, lâu dài theo hướng bến xe khách chất lượng cao; xem xét điều chỉnh quyết định nhằm tạo động lực phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ cho các bến xe, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của hành khách.

Xe hợp đồng trá hình tuyến cố định đón khách dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng. (Hoài Nam/Vietnam+)

Thành phố cho phép Bến xe Giáp Bát, Bến xe Mỹ Đình được bổ sung thêm lưu lượng xe phù hợp công suất bến xe, phù hợp với nhu cầu đi lại của hành khách. Việc tăng lượng phương tiện hoạt động chính quy sẽ góp phần đẩy lùi hiện tượng xe dù, xe trá hình phát triển.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội xem xét, tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố, Bộ Giao thông Vận tải thí điểm cho xe khách dưới 10 chỗ hoạt động tuyến cố định, tạo điều kiện thuận lợi các doanh nghiệp đã đầu tư phương tiện xe limousine được vào bến hoạt động theo đúng quy định; xem xét tạo điều kiện về cơ chế pháp lý để cho phép bến xe được thí điểm đầu tư khai thác dịch vụ xe trung chuyển.

Công ty này cũng đề nghị Sở Giao thông Vận tải xem xét thành lập bộ phận chuyên trách, tập trung kiểm tra xử lý đối với xe khách, xe hợp đồng, nhằm từng bước đưa hoạt động vận tải khách liên tỉnh trên địa bàn thành phố vào nền nếp, quy củ; kiên quyết thu hồi những nốt giờ không hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có nhu cầu vào bến khai thác./.

Năm 2023, Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội đạt doanh thu (gồm thuế) 138,2 tỷ đồng; lợi nhuận 14,1 tỷ đồng. Sản lượng lượt xe 1.810.278 lượt (xe liên tỉnh 635.904 lượt; xe buýt 1.174.374 lượt), tổng lượt khách qua bến đạt 8.156.000 lượt.

Theo Báo Vietnam+