Kinh tế số Việt Nam tăng nhanh nhất ASEAN 2 năm liên tiếp

Sáng 19.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số.

Báo cáo của Bộ TT-TT cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam tăng dần qua các năm. Nếu năm 2020, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số, thì năm 2021 đứng thứ 3 và 2 năm tiếp theo 2022 – 2023 đứng thứ 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị chuyển đổi số sáng 19.7

Báo cáo của Google xác định kinh tế số Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 28%, 2023 đạt 19%, cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Báo cáo về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2022 xếp Việt Nam hạng 55 toàn cầu, trong khi Singapore xếp thứ 2, Malaysia 29, Thái Lan 31. Về xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 25/194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng.

Còn theo đánh giá của Việt Nam, chỉ số chuyển đổi số quốc gia (DTI) tăng đều qua các năm, đến năm 2022 đạt 0,71 điểm; các chỉ số thành phần về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 45 – 55%.

Về giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, nếu năm 2019 mới chỉ đạt gần 11% thì từ năm 2020 đến nay có bước tăng trưởng đột phá, đến nay đạt 55%, tăng gấp 5 lần so với cả giai đoạn trước 2020. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến ở năm 2019 chỉ khoảng 5%, thời điểm hiện tại, tỷ lệ này đạt 43% (tăng hơn 8 lần).

Về phát triển kinh tế số, Bộ TT-TT ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5% và đến tháng 6.2024 là 18,5%…

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là những động lực lớn trong phát triển kinh tế – xã hội trong nhiệm kỳ này và những nhiệm kỳ tiếp theo.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó xác định thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số.

Hiện nay, chúng ta xác định ưu tiên cho tăng trưởng, thông qua làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, các ngành mới nổi như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…).

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh hiện nay, lực lượng sản xuất chất lượng cao chính là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó có chuyển đổi số, ai nắm bắt được thì sẽ đi nhanh hơn, đột phá hơn, hiệu quả hơn. Chúng ta đã xác định phương châm “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên” trong nhiều lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, chuyển đổi số phải toàn dân, toàn diện với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp.

Theo Báo Thanh Niên