Kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt mục tiêu

Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nửa đầu năm nay, kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt mục tiêu; ghi nhận số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng trưởng dương trở lại sau năm 2023 sụt giảm.

VCCI vừa có báo cáo chuyên đề về tình hình phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm nay.

Nửa đầu năm nay, kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt mục tiêu. Kinh tế thế giới và trong nước tăng trưởng tích cực kích thích doanh nghiệp phát triển, ghi nhận số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng trưởng dương trở lại sau năm 2023 sụt giảm. Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm.

Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tốt (ảnh: TTXVN).

Chỉ số PMI của ngành sản xuất được cải thiện. Hoạt động của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng thuận lợi hơn, nhất là trong quý II và được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tích cực này trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo VCCI, nhiên, tình hình phát triển doanh nghiệp cũng xuất hiện nhiều vấn đề. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tiếp tục tăng nhanh hơn lượng gia nhập. Thậm chí, ở một số vùng, ngành kinh tế, số gia nhập còn ít hơn rút khỏi.

Tốc độ doanh nghiệp rút khỏi thị trường (10,29%) đang nhanh hơn tốc độ gia nhập (5,34%).

“Đây là tín hiệu không mấy tích cực, phần nào phản ánh thực tế là các doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp mới thành lập đã có năm thứ ba liên tiếp sụt giảm, chỉ đạt 9,25 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Số doanh nghiệp gia nhập và rút khỏi thị trường 6 tháng đầu năm giai đoạn 2015-2024.

Quy mô doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục bị thu hẹp, xét theo yếu tố vốn. Trong bối cảnh quốc tế bất định như hiện nay, thị trường vàng lại trở nên sôi động những tháng đầu năm đã khiến nguồn vốn từ doanh nghiệp thiếu tích cực so với những năm trước đây”, VCCI nhận định.

 

Dù ghi nhận mức tăng khiêm tốn so với cùng kỳ giai đoạn 2015-2024, nhưng số doanh nghiệp trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm đã quay lại mức tăng trưởng dương 3,86%, với 39.130 doanh nghiệp.

Trong khi đó, lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tiếp tục tăng nhanh (18,59% so với năm trước), với 71.356 doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp lựa chọn phương án tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, đồng nghĩa với việc vẫn còn kế hoạch quay trở lại hoạt động.

Đáng chú ý, VCCI chỉ ra, số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể đang có dấu hiệu tăng tốc, với gần 10.200 doanh nghiệp trong 6 tháng (tăng 15,42% so với năm 2023). Đây cũng là năm có số doanh nghiệp giải thể nhiều nhất trong giai đoạn 2015-2024.

Hàng loạt cửa hàng dừng hoạt động, trả mặt bằng.

Kết quả khảo sát 30.000 doanh nghiệp vừa qua của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, phần lớn doanh nghiệp đều gặp khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra, đặc biệt là thị trường đầu ra. Gần một nửa doanh nghiệp xây dựng được hỏi cho biết gặp khó khăn do không có hợp đồng xây dựng mới.

Trong khi đó, các yếu tố đầu vào cho sản xuất kinh doanh như giá nguyên, nhiên liệu; chi phí vốn cao. Mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp là giảm lãi suất cho vay với tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị là 47%, 29% doanh nghiệp kiến nghị cần tiếp tục cắt giảm điều kiện và thủ tục vay vốn.

Doanh nghiệp cũng kiến nghị Nhà nước cần có các chính sách bình ổn giá nguyên, nhiên, vật liệu, giá dịch vụ đầu vào; điều chỉnh chính sách thuế, phí và các khoản nộp ngân sách…

Theo Báo Tiền Phong