Đến miền Tây nhớ thưởng thức loài cá mặt quỷ hay còn gọi là cá lau kiếng bởi thịt cá vừa dai, vừa thơm ngon, ngọt bổ dưỡng khiến du khách sẽ nhớ mãi không quên.
Trong số rất nhiều loại cá đổ về các con sông, hồ của miền Tây có loài cá nghe tên nhiều người thấy hơi sợ, nhiều thực khách còn không muốn ăn nhưng khi được chế biến với nhiều cách khác nhau lại khiến thực khách bị ấn tượng và thích thú, đó chính là cá lau kiếng.
Cá lau kiếng hay còn có tên gọi khác là cá tỳ bà, cá dọn bể, thậm chí nhiều người còn gọi là cá mặt quỷ. Loài cá này có màu nâu sẫm, da thô cứng, sần sùi, thân dẹt và phẳng, vây lưng cao, dựng đứng, sống ở nước ngọt.
Chúng được nuôi với mục đích dọn sạch thức ăn dư, rêu xanh, tảo, rong…. ở các bể nuôi cá. Nhưng trong tự nhiên, chúng lại là mối đe dọa đối với những người hành nghề đánh bắt thủy sản vì chúng chén sạch một lượng cá tôm không nhỏ. Tuy nhiên thịt cá lau kiếng lại dai, thơm, ngọt nên người dân nơi đây đã nghĩ ra nhiều cách chế biến thành các món ăn đặc sản ở miền Tây.
Món ăn đặc sản ở miền Tây: Cá kiếng hấp sả
Chú thích ảnh: Cá lau kiếng, vốn dĩ là loại cá thường thấy trong các ao hồ, đồng ruộng miền Tây, nay đã trở thành nguyên liệu chính cho nhiều món ăn hấp dẫn. Khi mùa nước nổi bắt đầu, các bà nội trợ khéo léo tận dụng loại cá này để tạo nên món cá lau kiếng hấp sả – một món ăn không chỉ ngon miệng mà còn mang hương vị độc đáo, khó quên.
Món cá lau kiếng hấp sả mang đến một sự hòa quyện tuyệt vời giữa vị ngọt tự nhiên của cá và hương thơm nồng nàn của sả. Thịt cá lau kiếng khi hấp lên vẫn giữ được độ mềm, dai vừa phải, không quá khô hay bở, làm du khách thưởng thức cảm nhận được sự tươi ngon, đậm đà. Hương sả, cùng với vị cay nhẹ từ ớt, thấm đều vào từng thớ thịt cá, tạo nên một vị ngon khó cưỡng, vừa dân dã, vừa gần gũi mà lại đầy đủ hương vị.
Khi ăn, du khách sẽ cảm nhận được sự tinh tế trong cách chế biến, với mùi thơm của sả làm nổi bật lên vị ngọt thanh của cá. Sự kết hợp này tạo nên một cảm giác ấm áp và dễ chịu, như đang hòa mình vào không gian bình dị của miền Tây trong mùa nước nổi. Dư vị của món ăn để lại nơi đầu lưỡi là một chút cay, một chút mặn, cùng hương thơm nhẹ nhàng của sả, khiến bạn muốn tiếp tục thưởng thức mà không hề ngán.
Để làm món cá lau kiếng hấp sả khá đơn giản, chỉ cần nguyên liệu là cá lau kiếng, sả cây, ớt, tỏi, gừng, cùng một chút gia vị cơ bản. Sau khi làm sạch, cá được ướp với sả, ớt, và các gia vị, sau đó hấp chín. Khi hấp, mùi thơm của sả lan tỏa, quyện vào thịt cá làm cho món ăn trở nên vô cùng hấp dẫn.
Người dân địa phương cho biết, món cá lau kiếng hấp sả không chỉ là món ăn ngon, mà còn gợi lên những ký ức đẹp về quê hương, về mùa nước nổi, về những bữa cơm gia đình quây quần bên nhau trong những ngày mưa.
Món ăn đặc sản ở miền Tây: Lẩu cá lau kiếng (cá tỳ bà) nấu măng chua
Món lẩu cá măng chua này đòi hỏi cá tỳ bà hay còn gọi là cá lau kiếng phải được thái lát mỏng, ăn kèm với bún tươi và rau sống nhúng chung nước lẩu. Đầu tiên, loại bỏ phần ruột, da cứng và lớp da đầu của cá, sau đó làm sạch lại bằng nước sôi. Sả đập dập kèm đậu phộng sống cho vào nước, đun tới khi nước sôi thì bỏ cá vào và nêm nếm gia vị vừa ăn, bỏ vào nước lẩu một ít măng chua. Cuối cùng, thưởng thức những lát cá kẹp chung với rau cải, rau diếp cá hay rau thơm,… chấm với mắm ớt sả mặn mặn cay cay. Thịt cá không quá dai, ngọt thanh hòa với vị chua ngọt của nước lẩu cho ta cảm giác khó quên.
Món ăn đặc sản ở miền Tây: Cá lau kiếng nướng
Đến với chuyến du lịch miền Tây không ai là không biết đến món cá lau kiếng nướng. Muốn món này hoàn hảo nhất, du khách nên giữ nguyên phần da cá và thêm một ít sả vào bụng cá. Bởi vì khi nướng trên bếp than, lớp da này sẽ giúp phần thịt cá không bị cháy mà vẫn đảm bảo cá chín đều, còn hương sả sẽ giúp khử bớt độ tanh của cá tăng thêm hương vị hấp dẫn. Sau đó, bóc đi lớp da cháy xém sẽ để lộ ra phần thịt cá. Lúc này, du khách ăn kèm cá với muối ớt cay trộn lá mắc mật xay nhuyễn, thêm vài xị rượu đảm bảo không thể rời đũa bởi vị cay của rượu và ngọt thịt của cá tan trong miệng.
Món ăn đặc sản ở miền Tây: Khô cá lau kiếng
Cá lau kiếng không chỉ được làm với các món như nướng, hấp sả mà còn được người dân nơi đây sáng tạo chế biến thành món cá khô lau kiếng có thể làm quà cho khách du lịch.
Để làm món khô cá lau kiếng, người ta sẽ sơ chế cá sạch sẽ, loại bỏ lớp da và ruột cá đi, sau đó, lấy cá đi tẩm ướp muối, bột ngọt, ớt, đường,… tùy thích rồi đem đi phơi nắng trong khoảng 1 ngày là có thể ăn được. Theo người dân ở đây, cá lau kiếng không cần phơi quá lâu vì phơi lâu sẽ làm thịt cá bị khô, cứng, ăn không còn ngon ngọt. Đặc biệt, loại cá này chỉ có duy nhất xương sống nên rất dễ ăn du khách không sợ hóc xương.
Món ăn đặc sản ở miền Tây: Cá lau kiếng hầm nước dừa
Một trong những món ăn đặc sản miền Tây với cá lau kiếng nữa mà được người dân ở đây rất ưa chuộng và trở thành món ăn quen thuộc, đó chính là cá lau kiếng hầm nước dừa. Đây cũng chính là món ăn được các đấng mày râu yêu thích muốn có trên bàn nhậu của mình.
Để chế biến món cá lau kiếng hầm nước dừa người dân địa phương sẽ làm sạch con cá, chuẩn bị thêm ít nguyên liệu như đu đủ, chuối xanh, sả, ớt. Cần chú ý là cá lau kiếng phải làm thật kỹ bằng nước đun sôi thì mới mất mùi hôi, dùng dao chà xát vảy cá, rửa sạch rồi mới cắt ra từng khúc nhỏ. Sau khi bắc nồi nước dừa lên, cho sả đập dập vào, đợi nước sôi nêm nếm rồi cho đu đủ cùng cá lau kiếng làm sạch vào, thêm ít đậu phộng, ớt để tăng thêm hương vị. Món cá lau kiếng hầm nước dừa càng ngon hơn nếu được dùng trong nồi lẩu, ăn kèm với rau xanh miệt vườn.
Cá lau kiếng khi hầm với nước dừa ta, thịt chắc nịch gần giống với thịt gà, ngọt lành, béo ngậy, ngon không chê vào đâu được. Hương thơm sực nức của sả, vị cay cay của ớt hoà quyện với vị ngọt mát của nước dừa quê làm ấm lòng thực khách.