Trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2023 (từ 31/12/2022 – 2/1/2023), ước tính cả nước đã phục vụ khoảng 3 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 9.600 tỷ đồng.
Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa cho biết thông tin trên khi tổng kết hoạt động du lịch tại các địa phương trong cả nước dịp Tết Dương lịch vừa qua.
Theo Tổng cục Du lịch, công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 35-40%. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam có tín hiệu khả quan: Quảng Nam phục vụ 89.000 lượt; TP.HCM phục vụ 35.000 lượt; Hà Nội phục vụ 38.000 lượt; Khánh Hoà phục vụ 6.950 lượt; Bà Rịa-Vũng Tàu phục vụ 5.815 lượt…
Trong đó, chủ yếu là khách mang quốc tịch Hàn Quốc, Nga, Đức, Tây Ban Nha và đã bắt đầu có khách từ thị trường Ấn Độ, Trung Đông, Đông Âu (Nga, Kazakhsan, Uzbekistan…) tới Việt Nam.
Một số địa phương trọng điểm du lịch đã chủ động phối hợp cùng hãng hàng không và doanh nghiệp lữ hành để tổ chức các sự kiện thu hút khách quốc tế như: Vietnam Airlines, Vietjet Air phối hợp cùng một số tỉnh/thành phố (TPHCM, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Khánh Hoà, Lâm Đồng, Quảng Bình) tổ chức sự kiện chào đón những vị khách quốc tế đầu tiên của năm 2023, các hoạt động chào mừng tại sảnh sân bay, ga tàu đã thu hút khách quốc tế tham gia, tạo không khí hứng thú và khẳng định hình ảnh du lịch Việt Nam “an toàn, thân thiện” tới du khách.
Các hãng lữ hành đã tổ chức nhiều chương trình tour hấp dẫn, kết nối điểm đến, đồng thời triển khai quảng bá rộng rãi hình ảnh du lịch Việt Nam, thu hút khách quốc tế quay trở lại. Chỉ trong 3 ngày Tết Dương lịch (31/12-2/1/2023), Vietravel đã đón 200 khách quốc tế, Saigontourist đón 378 khách quốc tế, doanh thu ước đạt 42 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp du lịch đã xây dựng hàng loạt chương trình khuyến mãi, cùng chuỗi các hoạt động vui chơi giải trí, mua sắm để quảng bá điểm đến và liên kết để làm mới sản phẩm du lịch, cụ thể như: TPHCM, các công ty lữ hành đã xây dựng gói dịch vụ, chương trình khuyến mãi hấp dẫn liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và cơ sở lưu trú du lịch, ăn uống, vui chơi giải trí; mức giảm giá cao nhất ghi nhận là 55% và thấp nhất là 5%.
Tại Hà Nội, tổ chức liên kết chuỗi các điểm đến gắn với bảo tồn phát huy văn hoá dân tộc như: Vườn quốc gia Ba Vì; Thành cổ Sơn Tây-làng cổ Đường Lâm; chợ phiên tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam và Bảo tàng gốm Bát Tràng…
Theo Tổng cục Du lịch, vì thời gian nghỉ ngắn nên đa số lựa chọn của khách du lịch là các địa điểm gần nhà, hoặc vui chơi, tham quan tại chỗ, chủ yếu là các khu điểm du lịch văn hóa, sinh thái, cộng đồng, đối tượng chủ yếu là khách lẻ, khách đi theo gia đình, khách tự túc, lựa chọn lưu trú tại các khách sạn bình dân, khách sạn 3-4 sao.
Tổng lượt khách trong đợt nghỉ Tết Dương lịch tại một số địa phương trọng điểm như sau: TPHCM: Phục vụ 1.600.000 lượt khách. Công suất phòng trung bình ước đạt 85%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 5.943 tỷ đồng.
Khánh Hoà: Phục vụ 355.200 lượt khách, công suất phòng trung bình đạt 63,76%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 35,8 tỷ đồng.
Hà Nội: Phục vụ 208.000 lượt khách, công suất phòng trung bình đạt 63,4%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 779 tỷ đồng.
Bà Rịa-Vũng Tàu: Phục vụ 145.968 lượt khách, công suất phòng trung bình khoảng 80%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 107,295 tỷ đồng.
Lào Cai: Phục vụ 123.000 lượt khách, công suất phòng trung bình đạt 65-70%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 429 tỷ đồng.
Lâm Đồng: Phục vụ 120.000 lượt, công suất phòng trung bình đạt 65%. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 220 tỷ đồng.
Thanh Hoá: Phục vụ 35.750 lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 25,5 tỷ đồng. Công suất phòng trung bình đạt khoảng 65% đến 75%.
Đây là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động du lịch tiếp tục duy trì được đà phục hồi và đã hoàn toàn vượt qua khó khăn sau 2 năm dịch bệnh.
Tuy nhiên, trong dịp Tết Dương lịch vừa qua, việc triển khai các hoạt động phục vụ khách du lịch vẫn tồn tại những hạn chế. Hiện tượng tranh thủ ngày nghỉ lễ để nâng giá, “chặt chém” du khách vẫn tồn tại ở một số tỉnh, thành phố trọng điểm du lịch. Hiện tượng ùn tắc cục bộ vẫn diễn ra vào giờ cao điểm và kéo dài trong nhiều giờ.
Mặt khác, kỳ nghỉ Tết Dương lịch cận với dịp Tết Nguyên đán, số ngày nghỉ ngắn (chỉ khoảng 2-2,5 ngày) nên nhu cầu thực sự không cao, chủ yếu là khách nhỏ lẻ, đi du lịch ngắn hoặc trong ngày. Công suất trung bình ở các cơ sở lưu trú du lịch còn thấp.
Trong khi đó tình hình kinh tế-xã hội biến động kéo theo mức chi tiêu của du khách có phần tiết kiệm hơn so với mọi năm. Bên cạnh đó, du khách có phần tập trung chi trả cho các nhu cầu mua sắm, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Theo: Chinhphu.vn