Hiện nay, các nhà băng đã triển khai nhiều sản phẩm tín dụng hấp dẫn, áp dụng mức lãi suất khoảng 5%/năm với thời hạn vay từ 10 – 15 năm.
Tuy vậy, giá nhà vẫn tăng cao, vượt quá khả năng chi trả của nhiều người dân, nhất là những người có thu nhập thấp khiến cung vẫn chưa thể gặp cầu để tạo điều kiện phát triển ổn định thị trường bất động sản dành cho người mua nhà.
Trong giai đoạn 2022 – 2023, thị trường bất động sản đối diện với nhiều khó khăn và thách thức, nguyên nhân một phần đến từ những vướng mắc pháp lý. Các vấn đề này dẫn đến sự hạn chế nguồn cung, trong khi nhu cầu mua nhà cũng giảm mạnh. Tại TP. Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2023 – 2024 giá bất động sản gần như không tăng, ngoại trừ phân khúc chung cư có mức tăng khoảng 6%.
Tuy nhiên, từ đầu năm nay, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu phục hồi nhẹ thế nhưng giá nhà đất vẫn tăng liên tục. GS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội cho biết, tình trạng nguồn cung yếu trong khi cầu lớn đã khiến giá nhà tăng nhanh ở nhiều khu vực, nhất là tại ở Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, mặc dù Vietcombank đã nỗ lực cung cấp các sản phẩm vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ người mua nhà, nhưng nhiều khách hàng vẫn gặp khó khăn trong việc quyết định vay vốn do các yếu tố về thu nhập và tài chính cá nhân không ổn định.
Theo số liệu từ NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tổng dư nợ tín dụng bất động sản của các tổ chức tín dụng trên địa bàn chiếm khoảng 27,6% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, tín dụng nhà ở, bao gồm cả nhà ở xã hội và thương mại, chiếm tỷ trọng 57% trong tổng dư nợ bất động sản. Đặc biệt, dư nợ cho vay nhà ở xã hội đã tăng đáng kể, đạt 2.543 tỷ đồng, tăng 78% so với cuối năm 2023.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho hay, tín dụng bất động sản với các khoản vay trung – dài hạn có vai trò quan trọng trong việc ổn định và phát triển hoạt động tín dụng của các NHTM. Các tổ chức tín dụng khi triển khai những khoản vay này phải tuân thủ các quy định về mục đích sử dụng vốn, đồng thời đảm bảo hiệu quả kinh doanh cho cả người vay lẫn người cho vay.
Để đảm bảo nguồn tín dụng hiệu quả, ông Lệnh cho rằng các NHTM cần phải đặc biệt chú trọng đến việc khai thác sử dụng vốn hợp lý, cùng với đó đảm bảo gắn kết với những chuyển biến tích cực của thị trường bất động sản. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các dự án nhà ở xã hội, nơi mà sự can thiệp từ các chính sách của Chính phủ sẽ đóng vai trò then chốt trong việc tạo lập nguồn cung bền vững.
Nhìn chung, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, việc triển khai các giải pháp đồng bộ để duy trì sự ổn định của các thị trường tài chính, hàng hóa và bất động sản là rất cần thiết. Thị trường bất động sản, với tính chất liên quan đến nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khác, khi phục hồi sẽ tạo đà cho sự phát triển của nền kinh tế. Nó cũng tác động trực tiếp đến hoạt động tín dụng bất động sản, giúp các NHTM có cơ hội mở rộng danh mục cho vay và giảm thiểu rủi ro.
Mặc dù lãi suất vay mua nhà đã giảm và nhiều sản phẩm tín dụng hấp dẫn được triển khai, thị trường bất động sản vẫn cần thêm thời gian để phục hồi hoàn toàn. Việc cân bằng giữa giá cả, nguồn cung và nhu cầu vẫn là bài toán khó giải, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, ngân hàng và doanh nghiệp. Chỉ khi các vướng mắc pháp lý được tháo gỡ, nguồn cung được cải thiện và các chính sách hỗ trợ người mua nhà hiệu quả hơn, thị trường mới có thể đạt đến trạng thái phát triển bền vững.