Việc đưa hàng Việt vào chuỗi phân phối trong nước có tính bền vững vẫn còn là câu chuyện đầy thách thức ở phía trước. Đó là liệu các nhà phân phối có “điểm cộng” cho những nhà cung ứng theo đuổi sản xuất xanh? Đó còn là gánh nặng về kiểm soát chất lượng, là vai trò của các đơn vị dẫn đầu chuỗi cung ứng trong việc thúc đẩy nông dân và doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn…
Khi bàn về việc cung ứng hàng Việt vào hệ thống phân phối làm sao cho có tính bền vững trong buổi trao đổi mới đây với các nhà cung ứng và phân phối ở Tp.HCM, ông Trần Văn Liêng, Chủ tịch HĐQT CTCP ca cao Việt Nam (Vinacacao), Chủ tịch Hội Chất lượng Tp.HCM, đề nghị các hệ thống phân phối trong nước nên có sự nhìn nhận các nhà cung ứng nào đang nỗ lực nhiều trong những lĩnh vực về môi trường, chất lượng xanh, chất lượng “mềm” (đạo đức trong kinh doanh).
Có “điểm cộng” cho nhà sản xuất xanh?
Ông Liêng đưa ra dẫn chứng về việc xuất khẩu cacao đi châu Âu sẽ đáp ứng Quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR) áp dụng vào tháng 12/2024 (có 7 mặt hàng của Việt Nam bị ảnh hưởng). Và câu hỏi đặt ra là hệ thống siêu thị tại Việt Nam có nhìn nhận các nỗ lực của các nhà sản xuất Việt hay không khi họ đáp ứng được quy định như vậy?
Theo vị Chủ tịch Hội Chất lượng Tp.HCM, các DN Việt với sự hỗ trợ của Chính phủ và các điều luật cơ bản, cũng như có những sản phẩm chân chính, có sức sáng tạo, có hàm lượng chất xám cao, cũng như có yếu tố về đạo đức và môi trường khi chú trọng sản xuất xanh, đang rất cần sự coi trọng, tưởng thưởng nhiều hơn nữa từ hệ thống phân phối. Và trong thời gian tới các hệ thống phân phối có xem đây là “điểm cộng” để các nhà sản xuất đeo đuổi theo hướng đi đó?
Còn đứng ở góc độ nhà bán lẻ, nói về chất lượng hàng Việt trong chuỗi cung ứng bền vững, bà Lê Thị Minh Trang, Giám đốc quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Central Retail Việt Nam, cho rằng kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt ngay từ đầu cũng như trong suốt quá trình cung ứng hàng hóa tới tay người tiêu dùng là rất quan trọng.
Theo bà Trang, việc này đòi hỏi nhà phân phối phải rất tập trung, cảnh giác để có thể hạn chế thấp nhất tất cả những sai sót có thể xảy ra. Nhất là khi mà việc này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, cũng như uy tín của DN.
Chính vì vậy, như chia sẻ của vị giám đốc này, việc định hướng của cơ quan quản lý ngành công thương ở Tp.HCM đối với kiểm soát chất lượng hàng hóa trong năm 2024 là rất cần thiết. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng mà còn giúp cho các đơn vị bán lẻ chia sẻ các thông tin kịp thời để hỗ trợ lẫn nhau nhằm ngăn chặn tình trạng hàng hóa kém chất lượng.
“Mặt khác, qua đó cũng góp phần nâng cao tinh thần tự giác từ phía nhà cung cấp, nâng cao ý thức và trách nhiệm kiểm soát chất lượng sản phẩm ngay từ khâu sản xuất, động viên mạnh mẽ các nhà sản xuất chuẩn chỉnh quy trình, chuẩn chỉnh chất lượng. Từ đó từng bước khẳng định rõ vai trò của nhà quản lý, nhà sản xuất, DN phân phối trong chuỗi cung ứng bền vững”, bà Trang khẳng định.
Thực tế hiện nay cho thấy việc đưa hàng Việt vào chuỗi phân phối có tính bền vững vẫn còn đầy thách thức. Nhất là gánh nặng về kiểm soát chất lượng đang đè nặng từng khâu trong cả hệ thống sản xuất – phân phối – tiêu dùng và gây khó khăn rất lớn cho những DN mong muốn làm ăn chân chính, tạo ra sản phẩm chất lượng phục vụ người tiêu dùng.
Ông Bùi Trung Kiên, Giám đốc Công ty Xuân Thái Thịnh (Lâm Đồng), cho biết hàng hóa của DN đã đi được vào Nhật, EU là những thị trường rất khó tính. Thế nhưng, khi đưa vào hệ thống phân phối tại thị trường nội địa lại rất khó khăn dù cho DN đầu tư sản xuất với công nghệ đáp ứng được yêu cầu của thị trường ngoại.
Bất cập này có thể thấy rõ ở lĩnh vực nông sản thực phẩm, qua phản ánh của một số DN thấy rằng, mặc dù họ có đủ năng lực và rất mong muốn sản xuất hàng hóa chất lượng, thế nhưng cơ chế làm hàng và sự cạnh tranh thiếu công bằng của thị trường đã gây nhiều trở ngại. Như vậy rõ ràng cách thức quản lý, kiểm soát hiện nay còn nhiều điểm chưa hiệu quả.
“Không có cớ gì lại thua trên sân nhà”
Đứng ở góc độ là Phó trưởng Ban chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam Tp.HCM, bà Trần Kim Yến bày tỏ trăn trở chất lượng hàng hoá để nâng chất cuộc vận động, không chỉ là khai thác lòng tự hào hàng Việt mà hàng Việt phải chất lượng để cạnh tranh. Hàng Việt đã đứng vững ở nước ngoài thì “không có cớ gì lại thua trên sân nhà”. Cho nên giải pháp quan trọng nhất là liên kết sản xuất và phân phối.
Ngoài ra, theo giới chuyên gia, để hàng Việt đưa vào chuỗi phân phối bền vững thì quy trình chứng nhận mang lại nhiều cơ hội học hỏi cho các nhà cung ứng nội địa từ những thực tiễn tốt nhất của các đối tác trong chuỗi cung ứng và thích ứng với các tiêu chuẩn cao hơn.
Như chia sẻ của ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc điều hành quốc gia của Bureau Veritas Việt Nam (tổ chức hàng đầu thế giới về kiểm nghiệm, giám định và chứng nhận), vai trò của các đơn vị dẫn đầu chuỗi cung ứng trong việc thúc đẩy nông dân và DN chế biến thực phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, cũng có thể tham khảo thêm dẫn chứng từ bà Nguyễn Thị Thanh An, Trưởng Đại diện Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR) tại Việt Nam về kinh nghiệm trong dự án hỗ trợ nông dân trồng rau ở Mộc Châu đạt chứng nhận VietGap.
Theo bà An, câu chuyện thành công của dự án cho thấy việc nhắm đến các kênh phân phối giá trị cao như các chuỗi bán lẻ hàng đầu tại Hà Nội sẽ góp phần tạo ra những thay đổi bền vững trong quy trình canh tác và chế biến.
Bà An cho biết: “Câu chuyện này khẳng định vai trò của các DN trong việc khuyến khích nông dân áp dụng các tiêu chuẩn được chứng nhận cho các thị trường chất lượng cao”.
Dự án cung cấp đào tạo về kỹ thuật và kinh doanh cho các hộ nông dân, giúp họ có đủ khả năng để đáp ứng các yêu cầu cao về chất lượng của các nhà bán lẻ cao cấp, mang về doanh thu cao gấp năm lần so với trước đây.
“Việc nông dân, chính quyền địa phương, các DN, cơ quan nghiên cứu và đối tác phát triển cùng tham gia và chia sẻ một tầm nhìn chung đã tạo ra những lợi ích to lớn cho các bên liên quan, đặc biệt là nông dân sản xuất nhỏ”, bà An nói.
Nhìn chung, để có tính bền vững trong việc đưa hàng Việt vào chuỗi phân phối đang rất cần cụ thể hóa công tác quản lý nhà nước, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN nội địa củng cố và nâng cao năng lực hoạt động, tăng cường kết nối các địa phương nhằm tạo thêm sức mạnh tổng hợp trong sản xuất, kinh doanh hàng Việt.
Nhất là nên minh bạch thông tin từ hệ thống phân phối nhằm giúp nhà sản xuất nắm rõ các tiêu chí để đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Mặt khác cần chấm dứt tình trạng thủ tục vào siêu thị khó khăn và tốn kém, đồng thời giúp giảm chi phí, chấm dứt tâm lý hạ chất lượng hàng hoá để giảm giá cả.