Sau Samsung và Apple, sẽ có thêm nhiều công ty công nghệ hàng đầu khác đưa bộ phận R&D đặt tại Việt Nam vào năm 2024.
Các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đang thiết lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam để làm bệ phóng cho những sản phẩm công nghệ cao hiện đại nhất.
Sức hút của Việt Nam với tập đoàn công nghệ lớn
Hãng tin Nikkei (Nhật) mới đây cho biết trong năm 2024, Apple sẽ chuyển bộ phận R&D sản phẩm iPad sang Việt Nam. Trung tâm này sẽ chịu trách nhiệm thử nghiệm các thiết bị mới nhất của hãng.
Trước đó, Samsung đã đặt trung tâm R&D tại Hà Nội, với giá trị đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD. Tại đây, Samsung sẽ nghiên cứu những sản phẩm công nghệ hàng đầu, mang tính then chốt của hãng. Chưa hết, ông lớn này cam kết trung tâm này sẽ là cái nôi nuôi dưỡng nhân tài công nghệ cho Việt Nam.
Đáng chú ý, hãng công nghệ Qualcomm của Mỹ mới đây công bố kế hoạch thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển vi mạch tầm cỡ thế giới tại Việt Nam. Trung tâm này có nhiệm vụ phát triển các con chip cho trí tuệ nhân tạo (AI), xe hơi thông minh, cũng như những con chip 3nm hiện đại nhất hiện nay.
Trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào cuối năm 2023, ông Jensen Huang, Chủ tịch NVIDIA, bày tỏ mong muốn sẽ thành lập bộ phận R&D tại Việt Nam để thu hút nhân tài thế giới và phát triển các con chip phục vụ cho các siêu máy tính, trí tuệ nhân tạo và những lĩnh vực công nghệ hàng đầu khác.
Mang lại nhiều cơ hội mới
TS Chu Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm chương trình cử nhân kinh doanh, ĐH RMIT Việt Nam, nhận định: Quyết định của các tập đoàn lớn như Samsung, Apple, Marvell, NVIDIA… về việc thành lập các R&D tại Việt Nam phản ánh xu hướng dịch chuyển trong kế hoạch phát triển kinh doanh của các tập đoàn công nghệ toàn cầu. Bởi một trong những thách thức hàng đầu của ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu là sự thiếu hụt về năng lực nghiên cứu và kỹ thuật.
“Sự hiện diện của các trung tâm R&D của các tập đoàn lớn trên thế giới tại Việt Nam mang lại cho Việt Nam một số lợi thế: Góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng cường hợp tác quốc tế tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững lâu dài” – TS Tuấn nhận định.
Sự đầu tư của các ông lớn ngành bán dẫn năm 2024 kỳ vọng nâng cao vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao. |
Cũng theo TS Tuấn, các trung tâm R&D kết nối Việt Nam chặt chẽ hơn với thị trường và xu hướng toàn cầu. Việc tổ chức các trung tâm R&D của các tập đoàn nổi tiếng toàn cầu sẽ nâng cao hình ảnh của Việt Nam như một điểm đến am hiểu công nghệ và thân thiện với doanh nghiệp, thu hút đầu tư và hợp tác; qua đó góp phần thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tăng GDP và nâng cao vị thế của đất nước trong nền kinh tế toàn cầu.
Đồng quan điểm, TS Lê Quang Đạm, Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam, khẳng định: Tại trung tâm R&D của Marvell Việt Nam có hai lĩnh vực quan trọng, đó là cơ sở dữ liệu đám mây và trí tuệ nhân tạo. Trong 10 năm qua, các kỹ sư Việt Nam đã chứng minh được năng lực của mình, từ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, kỹ năng dự án.
Nguồn nhân lực của Việt Nam đã phát triển đủ để có thể đảm nhận những dự án công nghệ mới nhất. Đó là lý do tại sao Marvell quyết định nâng tầm Marvell Việt Nam trở thành trung tâm R&D thiết kế tầm cỡ thế giới.
“Trong vòng 2-3 năm tới, việc Marvell có thể mở rộng quy mô lên 500 hay 1.000 kỹ sư phụ thuộc rất lớn vào chất lượng và số lượng nguồn nhân sự có sẵn tại Việt Nam” – TS Đạm cho biết.
Vẫn còn nhiều việc phải làm
TS Tuấn cho rằng để tiếp tục thu hút các trung tâm R&D của các công ty hàng đầu thế giới, Việt Nam cần đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhân lực của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước phát triển. Sinh viên Việt Nam có trình độ chuyên môn tốt nhưng thiếu kinh nghiệm thực tế và kỹ năng làm việc trong môi trường R&D.
Việt Nam cần tăng cường giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học từ bậc mầm non đến trình độ ĐH. Xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức giáo dục và ngành công nghệ có thể đảm bảo rằng các kỹ năng được giảng dạy phù hợp với những gì cần thiết trong các trung tâm R&D.
“Việt Nam cần đào tạo và giáo dục chuyên sâu trong các lĩnh vực mới nổi như blockchain, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và năng lượng tái tạo có thể giúp Việt Nam trở thành điểm đến của các tập đoàn lớn trong các lĩnh vực này” – TS Tuấn gợi ý.
Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam Lê Quang Đạm cũng cho rằng việc tuyển dụng nhân lực tại Việt Nam cho trung tâm R&D sẽ rất thách thức vì nhân sự giỏi và tài năng không nhiều.
“Các kỹ sư Việt Nam có hai điểm cần phải cải thiện. Đầu tiên, các kỹ sư Việt Nam cần tiếp tục đầu tư kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ để thu hẹp khoảng cách với các kỹ sư khác, như Ấn Độ chẳng hạn. Thứ hai, là kỹ năng quản lý dự án, không chỉ là chuyên môn, mà còn phải có kỹ năng quản lý tiến độ, phân chia công việc một cách hiệu quả” – TS Đạm nói.
Hỗ trợ tài chính, nhà ở… nhằm thu hút nhân tài TS Chu Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm chương trình cử nhân kinh doanh, ĐH RMIT Việt Nam, khuyến nghị Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các ưu đãi cho đầu tư R&D, tạo ra các chính sách thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp công nghệ và đầu tư vào các khu công nghệ cũng như vườn ươm công nghệ. Các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa các công ty nước ngoài và địa phương cũng có thể mang lại lợi ích. Bên cạnh đó, Chính phủ có thể đưa ra các chính sách ưu đãi thu hút nhân tài, như hỗ trợ tài chính, nhà ở, bảo hiểm… nhằm thu hút nhân tài trong và ngoài nước tham gia vào các trung tâm R&D. |