Tại Di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), lễ hội mùa thu đã khép lại sau 6 ngày chính thức tổ chức. Theo ghi nhận, du khách về chiêm bái, vãn cảnh, hòa mình vào không khí lễ hội tăng đột biến.
Đại diện Ban quản lý di tích chùa Keo cho biết: Lễ hội diễn ra từ 24-29/10/2023 thu hút rất đông khách thập phương. Có 4/6 ngày ghi nhận lượng khách kỷ lục từ 35 nghìn đến 40 nghìn người mỗi ngày gồm: Ngày khai mạc lễ hội, 2 ngày biểu diễn múa rối nước và ngày thả hoa đăng.
Năm nay, số lượng khách hành hương về đêm tăng cao do thời tiết mát mẻ, khô ráo cộng với nhiều nét mới trong tổ chức lễ hội đã tạo sức hút lớn cho mọi người như: Mở bán 24 gian hàng sản phẩm OCOP, liên hoan múa rối nước, liên hoan chèo.
Các hoạt động văn hóa được Ban tổ chức khéo léo bố trí trong không gian mở tại nhiều nơi thuộc Di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo như: Chiếu chèo ở sân Tam quan ngoại; du thuyền hát hội ở hồ phía nam di tích; múa rối nước diễn ra ở hồ phía đông di tích…
Cảm nhận chung của người dân khi tham dự Lễ hội chùa Keo mùa thu năm nay là công tác tổ chức được làm bài bản, quy củ; môi trường, cảnh quan sạch sẽ, thoáng đãng. Các ki-ốt bán hàng nằm ven hồ thủy đình được chính quyền địa phương xóa bỏ, tạo thêm không gian cho di tích chùa Keo.
Lễ hội chùa Keo được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017. Trong 3 ngày chính hội (từ 13-15/9 âm lịch) vẫn duy trì đều đặn tục lệ buổi sáng rước kiệu Đức Thánh Dương Không Lộ ra Tam quan ngoại và buổi chiều rước kiệu Đức Thánh vào đền Thánh.
Bên cạnh đó, sáng ngày khai hội (10/9 âm lịch) thực hiện Lễ khai chỉ mở cửa đền và đến 20/9 âm lịch sẽ diễn ra Lễ mông sơn (lễ tạ) để báo cáo Thánh Phật lễ hội đã hoàn tất.
Chùa Keo tỉnh Thái Bình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là điểm du lịch quốc gia. Nơi đây còn bảo lưu nhiều hoạt động văn hóa rất độc đáo như: Chèo chải cạn, múa ếch vồ.
Ngoài ra, còn duy trì 2 sự lệ đặc biệt, đó là Trang hoàng thánh tượng 12 năm mới có 1 lần (Tượng thánh được tắm bằng nước chế từ nước dừa và hạt bưởi, sau đó tô son lại) và Lễ phục y (thay áo cho tượng) được làm mỗi năm một lần trước ngày khai hội chùa Keo.
Theo Báo Nhân Dân