Ngành y tế và dược phẩm trong nước ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài khi tầng lớp trung lưu gia tăng, dân số già hóa và ý thức chăm sóc sức khỏe tăng cao… Các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) thời gian qua ở nhiều bệnh viện tư, cơ sở chăm sóc sức khỏe và công ty dược phẩm đang củng cố cho nhận định này.
Liên tục “đổi chủ”
Truyền thông quốc tế gần đây đưa tin, Tập đoàn đầu tư toàn cầu Kohlberg Kravis Roberts & Co. (KKR) đã trở thành cổ đông lớn nhất của chủ sở hữu chuỗi bệnh viện mắt trong nước – Tập đoàn Y khoa Sài Gòn (Medical Saigon Group – MSG).
Theo hãng tin Reuters, trong bản ghi nhớ được CEO Huỳnh Lê Đức gửi nhân viên MSG, Tập đoàn KKR có trụ sở tại Mỹ – một trong những quỹ đầu tư lớn trên thế giới – sẽ tiếp quản vị trí cổ đông lớn nhất tại MSG, thay cho Quỹ Heliconia Capital, đơn vị được hậu thuẫn bởi Quỹ đầu tư nhà nước Singapore Temasek Holdings Temasek Holdings.
Chi tiết khoản đầu tư không được tiết lộ nhưng giới tư vấn các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) cho là số tiền sẽ không nhỏ bởi MSG hiện đang điều hành 13 bệnh viện tại Việt Nam, gồm 8 bệnh viện mắt và 5 bệnh viện đa khoa. Ngoài ra, họ còn sở hữu một trung tâm nhãn khoa cao cấp với sự hợp tác Eagle Eye Center của Singapore.
Tham gia vào MSG cũng đánh dấu sự chính thức đầu tư vào ngành chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam của KKR sau khi tập đoàn này đã rót nhiều vốn vào bất động sản, bán lẻ… ở Việt Nam như Vinhomes, Masan MEATLife, Giáo dục Equest.
Tuy nhiên, đáng chú ý trong các giao dịch M&A ở ngành y tế phải kể đến việc Thomson Medical Group hoàn tất thủ tục mua lại bệnh viện FV tại TPHCM. Bởi lẽ sự kiện bệnh viên FV trở thành thành viên của Thomson được xem là thương vụ M&A lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam. Với trị giá 381,4 triệu đô la Mỹ, đây cũng là thương vụ mua lại lớn nhất trong lĩnh vực này tại khu vực Đông Nam Á kể từ năm 2020.
Thomson Medical Group là một trong những công ty chăm sóc sức khỏe được niêm yết ở khu vực Đông Nam Á. Thương vụ nói trên cho thấy sức hấp dẫn của thị trường chăm sóc sức khỏe đầy tiềm năng của Việt Nam, đồng thời giúp cho Thomson có mặt tại điểm đến thứ ba về y tế ở Đông Nam Á, sau Singapore và Malaysia.
Trước khi về tay Thomson Medical Group, bệnh viện FV đã được Quadria tham gia mua cổ phần với số tiền không được tiết lộ vào năm 2017. Các nhà đầu tư khác bao gồm các quỹ được quản lý bởi Neuberger Berman Private Equity và DEG, tổ chức tài chính phát triển của Đức thuộc Tập đoàn KfW. Ngoài bệnh viện tại quận 7 với 220 giường, FV còn có phòng khám đa khoa tại quận 1 (TPHCM).
Medical Saigon Group và bệnh viện FV chỉ là hai thương vụ lớn của các thương vụ M&A ngành y tế được nêu lên trong hơn một năm qua, bên cạnh hàng loạt các thương vụ khác. Đơn cử một số thương vụ đáng chú ý khác như CVC Capital mua Bệnh viện quốc tế Phương Châu; 24HMoney mua cổ phần của Parkway Dental…
Ngoài ra, còn có các thương vụ M&A trong lĩnh vực dược phẩm. Gần đây, SK Investment đã trở thành nhà đầu tư nắm 65% cổ phần có quyền biểu quyết tại Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm. Hay Dongwha Pharm thâu tóm hơn một nửa vốn chuỗi nhà thuốc Trung Sơn; ASKA Pharmaceutical nâng sở hữu tại Dược Hà Tây từ 24,9% lên 32,56% vốn điều lệ…
Dự báo tiếp tục “nóng”
Theo dữ liệu từ báo cáo thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) của BDA Partners, ngành y tế trong nước có tới 15 thương vụ M&A diễn ra trong năm 2023, với tổng giá trị được công bố đạt gần 765 triệu đô la Mỹ.
Theo thống kê của Công ty đầu tư vốn cổ phần Kirin Capital, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) ngành y tế năm 2023 cao thứ ba, chỉ sau hai ngành tài chính và bất động sản. Đa số bên mua đều là các đơn vị đến từ nước ngoài.
Theo công ty này, lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ đang chứng minh tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam bởi tầng lớp trung lưu gia tăng, dân số già hóa nhanh và ý thức chăm sóc sức khỏe càng cao, trong khi nguồn cung chưa đáp ứng đầy đủ.
“Lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ được kỳ vọng tiếp tục là “điểm nóng” M&A tại thị trường Việt Nam”, theo phân tích của Kirin Capital. Các thương vụ được thực hiện năm 2023 là ví dụ thể hiện khả năng thu hút thêm nhiều khoản đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực này.
Trao đổi với KTSG Online, luật sư Đào Tiến Phong thuộc Công ty tư vấn InvestPush cho biết, hiện nay công ty đang tư vấn cho khá nhiều quỹ, nhà đầu tư từ Singapore có dòng tiền rất lớn nhưng chưa tìm ra sản phẩm tốt để mua.
Đáng chú ý là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe được các quỹ đầu tư này quan tâm, nhất là các bệnh viện, cơ sở y tế… có chuỗi hoạt động rộng đều đang được săn đón.
Các nhà đầu tư rót vốn vào lĩnh vực này cho rằng không chỉ có nhiều tiềm năng ở Việt Nam mà còn có triển vọng phát triển ở khu vực lân cận. Theo ông Kiat Lim, Phó chủ tịch điều hành Thomson Medical Group, việc mua lại Bệnh viện FV giúp tập đoàn mở rộng sự hiện diện tại ba khu vực địa lý trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Đông Nam Á gồm Singapore, Malaysia và Việt Nam; giúp tập đoàn tiếp cận một thị trường đang phát triển và nguồn nhân lực dồi dào.
Raffles Medical Group (RMG), hồi tháng 10 năm ngoái công bố sẽ mua phần lớn cổ phần tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) ở TPHCM, cũng cho rằng thương vụ sẽ cho phép tập đoàn tăng cường hiện diện tại Việt Nam khi nhu cầu với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân ngày càng tăng. Đây cũng là một phần trong chiến lược dài của RMG để đa dạng hóa hơn nữa hoạt động ngoài Singapore và Trung Quốc.
Theo các nhà đầu tư, dịch vụ chăm sóc sức khỏe là nhu cầu thiết yếu căn bản, không bị ảnh hưởng bởi các biến động trong nền kinh tế chung. Kể cả khi tình hình kinh tế đối mặt với nhiều thử thách, người dân vẫn cần sử dụng các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe.
Mặt khác, tại châu Á, y tế tư nhân bình quân chiếm 20-30% trong hệ thống y tế; còn ở Việt Nam, chỉ chiếm chưa tới 5,5%. Theo Nghị quyết 20 về việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân thì đến năm 2025 phấn đấu tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 10% và đạt 15% vào năm 2030. Đây là lý do dòng vốn tư nhân sẽ còn tiếp tục đổ vào lĩnh vực y tế trong thời gian tới.
Theo dự báo của Kirin Capital, đầu tư trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam năm 2024 tiếp tục duy trì sự sôi động, cơ hội đầu tư rộng mở, các đặc điểm, tính chất thương vụ và đối tượng bên mua – bán cũng đa dạng hơn. Sự đa dạng về cấu trúc giao dịch và số lượng cơ hội đầu tư đáng kể sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của các hoạt động M&A trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam.
Nhận định về triển vọng cổ phiếu ngành dược – y tế, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), cho rằng việc khơi thông các vấn đề pháp lý liên quan ngành dược cũng sẽ là “chất xúc tác” quan trọng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.Ngoài ra, nếu hoàn tất cơ chế về tự chủ tài chính, bệnh viện công lập sẽ tăng cường chọn các dòng thuốc ưu tiên nội địa có chất lượng cao, thúc đẩy nhu cầu kênh thuốc ETC trong bệnh viện. Điều đó tác động tích cực đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối dược phẩm, thiết bị y tế.Trước những kỳ vọng trên, ngành dược phẩm được dự phóng sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 6% giai đoạn 2023 – 2028. |