Chiều 1-6, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm.
Tại họp báo, báo chí đặt câu hỏi: số lượng DN tham gia thị trường có chiều hướng tốt lên, vậy Chính phủ có giải pháp nào để hỗ trợ DN.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, phát triển DN có xu hướng tích cực; trong 5 tháng có 98.800 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 4,1% so với cùng kỳ, cao hơn số DN rút lui khỏi thị trường (97.300 DN).
Số thành lập mới cao hơn nhưng cao hơn chưa đáng kể, cho thấy hoạt động của DN vẫn còn nhiều khó khăn. Bộ KH-ĐT vẫn thường xuyên theo dõi sát và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng.
Thứ trưởng cũng cho biết, việc tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn (đến cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng mới đạt 2,41%); nợ xấu có xu hướng tăng; số DN rút khỏi thị trường còn cao; còn nhiều khó khăn với các DN.
Chính phủ cũng đã nhấn mạnh các giải pháp, đó là giảm thủ tục hành chính; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.
Tạo thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận vốn tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; phấn đấu tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm khoảng 5%, cả năm khoảng 15%; tiếp tục thực hiện việc giảm lãi suất cho vay từ 1-2%, trong đó 5 ngân hàng thương mại lớn là nòng cốt.
Tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; mở rộng thị trường.
Về việc thu thuế đối với các buổi bán hàng trực tiếp trên mạng lên tới hàng trăm tỷ đồng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, livestream bán hàng trên mạng phát sinh doanh thu, có thể phát sinh thu nhập, như vậy phải chịu sự điều chỉnh của quy định về thuế, chịu sự giám sát của cơ quan quản lý thuế.
Hoạt động thương mại điện tử nói chung, livestream nói riêng hiện nay đang được quản lý theo 2 sắc thuế: cá nhân phát sinh doanh thu, thu nhập thì phải chịu thuế thu nhập cá nhân; với trường hợp hộ kinh doanh gia đình hoạt động bán hàng có doanh thu thì quản lý và thu thuế đối với hộ kinh doanh.
“Livestream bán hàng là hoạt động kinh doanh có doanh thu, thu nhập, do đó phải chịu sự quản lý về thuế”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định.
Thứ trưởng cũng cung cấp thêm thông tin về kết quả giám sát thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trong 2 năm qua, trong đó có hoạt động livestream bán hàng.
Theo đó, năm 2022, doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng, số thuế đã nộp là trên 83.000 tỷ đồng. Năm 2023, doanh thu quản lý thuế là 3,5 triệu tỷ đồng, cơ quan thuế đã thu 97.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, kết quả xử lý vi phạm từ năm 2021 đến năm 2023 đối với tổ chức cá nhân, đã rà soát trên 31.500 đối tượng, bao gồm cả doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân, đã xử lý vi phạm trên 22.000 trường hợp, và số thuế thu thêm là gần 3.000 tỷ đồng.
Thời gian tới sẽ tăng cường quản lý, thực hiện đúng quy định về thuế với các tổ chức, cá nhân, để không còn trường hợp phải xử lý vi phạm.