Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, phát triển kinh tế số đang là một trong những trọng tâm của Việt Nam. Nước ta đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm khoảng 20% GDP và 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
Doanh nghiệp “khát” nhân lực số
Để hiện thực hóa tham vọng này, Chính phủ đã và đang ban hành nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp để thúc đẩy nền kinh tế số, trong đó, con người được xem là nhân tố trọng tâm.
Theo báo cáo Chiến lược phát triển nguồn nhân lực số của FPT Digital, Việt Nam hội tụ nhiều lợi thế để tăng tốc chuyển đổi số. Tại nước ta, hơn 158% dân số (156,02 triệu người) có kết nối di động, 73% dân số (72,10 triệu người) người dùng Internet. Tính đến nay, Việt Nam đã có bước tiến đột phá khi xếp hạng thứ 6 khu vực Đông Nam Á về chỉ số chuyển đổi số tổng thể và chỉ số dữ liệu mã nguồn mở.
Việt Nam hiện có hơn 13 triệu nhân lực trình độ từ đào tạo nghề sơ cấp trở lên, 5 triệu nhân lực có trình độ từ đại học trở lên. Đây đều là những yếu tố quan trọng để nguồn nhân lực Việt Nam chuyển đổi và thích ứng nhanh với công nghệ số. Tuy nhiên, tốc độ chuyển đổi số nhanh cũng đặt ra một thách thức mới. Khi chuyển đổi số trở thành một con đường không thể không đi, nhiều doanh nghiệp, công ty lại rơi vào cảnh thiếu nhân lực số, nhân lực ngành công nghệ thông tin.
Chia sẻ với Đầu tư Tài chính, ông Vũ Nhật Anh, Phó tổng giám Công ty Cổ phần TopCV Việt Nam – một trong những công ty có tiếng trong lĩnh vực nhân sự, tư vấn và cung cấp nhân sự cho các doanh nghiệp, cho biết bất chấp những khó khăn của nền kinh tế trong năm qua, nhu cầu tuyển dụng nhân lực vẫn đang ở mức cao, đặc biệt là nhân lực trong ngành công nghệ thông tin.
“Công nghệ thông tin hiện đang là ngành khát nhân lực bởi đây là ngành nghề đóng vai trò thiết yếu trong mục tiêu thúc đẩy kinh doanh, phát triển sản phẩm cũng như gia tăng lợi thế giúp doanh nghiệp tạo đà và bứt phá trong nền kinh tế số”, ông nói. Cùng với đó, trong những năm gần đây, khi Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút các gã khổng lồ công nghệ như Samsung, Apple, LG, Foxconn, Toshiba,…nhu cầu này lại càng nóng hơn bao giờ hết.
Nhìn vào thực tế, Việt Nam đang thiếu hụt nguồn nhân lực số trầm trọng. Tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin tại Việt Nam chỉ chiếm 1% trên tổng số 51 triệu lao động trong cả nước, thấp hơn tỷ lệ 4% của Mỹ, 2,5% của Hàn Quốc hay 1,78% của Ấn Độ.
Bên cạnh đó, mặc dù Việt Nam có gần 400.000 kỹ sư công nghệ thông tin và hơn 50.000 sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin tốt nghiệp mỗi năm nhưng chỉ có 30% trong số đó đáp ứng được chất lượng so với nhu cầu thực tế. Phần còn lại đều phải được doanh nghiệp đào tạo thêm mới có thể bắt đầu đảm nhận công việc.
Về phía doanh nghiệp, 56,3% doanh nghiệp có dưới 3 nhân sự phụ trách lên kế hoạch, chiến lược chuyển đổi số, 43,7% doanh nghiệp có dưới 3 nhân sự làm việc trong bộ phận công nghệ thông tin. Ngoài ra, chỉ 40% doanh nghiệp cho biết, có đủ kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông để duy trì, khai thác đầy đủ các hệ thống công nghệ số của họ.
Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ và có thể đạt 74 tỷ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, điều này sẽ khó trở thành hiện thực nếu Việt Nam không giải được bài toán về nguồn nhân lực số. Hơn nữa, nếu không kịp thời bổ sung thêm nhân lực số, chúng ta sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội nghề nghiệp, “đây sẽ là sự lãng phí rất lớn”, một chuyên gia cho biết.
Con người là yếu tố cốt lõi của chuyển đổi số
Phó tổng giám đốc TopCV cho rằng, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số nằm ở sự “chuyển đổi” chứ không phải “số”.
“Số hóa toàn bộ chỉ là bước từ 0 đến 1, còn từ 1 đến 10 là chuyển đổi văn hóa làm việc, từ tư duy của người lãnh đạo đến việc thích nghi và áp dụng của toàn bộ đội ngũ nhân viên. Đó là một thử thách với các lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô lớn, truyền thống lâu đời. Vướng mắc này khiến nhiều doanh nghiệp “chưa thể”, “chưa dám”, cũng có khi là “chưa muốn”, “chưa chịu” chuyển đổi số nữa”, ông nói. Theo ông Vũ Nhật Anh, con người và công nghệ đều là yếu tố then chốt để một doanh nghiệp phát triển trong nền kinh tế số, trong đó, “con người là cốt lõi, công nghệ là tương lai”.
Cụ thể, trong kỷ nguyên số hóa này, đầu tư vào công nghệ là điều tối quan trọng bởi công nghệ không chỉ giúp tăng cường năng suất làm việc, tối ưu hoá quy trình làm việc mà còn giúp doanh nghiệp phân tích các cơ sở dữ liệu lớn, từ đó đưa ra các quyết định mang tính chiến lược. Các công nghệ mới như AI (Trí tuệ nhân tạo), Máy học (Machine Learning)… mang đến lợi thế cho các doanh nghiệp trong việc tạo ra các sản phẩm, dịch vụ ngày càng tối ưu hơn, nâng cao trải nghiệm của người dùng.
Tuy nhiên, con người mới là yếu tố cốt lõi trong chuyển đổi số của các doanh nghiệp. Tất cả nhân lực, từ tham gia trực tiếp đến gián tiếp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đều là những thành phần quan trọng nhất trong toàn bộ quá trình chuyển đổi số. Doanh nghiệp chuyển đổi số thành hay bại đều do quá trình nhân sự tham gia, bắt đầu từ việc tiếp nhận việc chuyển đổi cho đến khi họ cùng nhau thực hiện chuyển đổi.
Bên cạnh đó, ông Vũ Nhật Anh cũng cho rằng các doanh nghiệp hiện đang phải cạnh tranh gay gắt với bên ngoài khi nhu cầu nhân lực số ngày càng cao. “Các doanh nghiệp có thể sẽ gặp phải nhiều cạnh tranh hơn trong việc tuyển dụng nhân lực số. Chính vì thế, bộ phận nhân sự chắc chắn sẽ cần gia tăng các lợi thế, sức mạnh nội tại nhằm thu hút và giữ chân nhân tài hiệu quả hơn”, ông nói.
Để vượt qua những thách thức trong việc giữ chân cũng như thu hút nhân tài số, việc đảm bảo lương thưởng, đãi ngộ là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần đảm bảo các nhân viên được tuyển dụng, bên cạnh sự phù hợp với văn hoá doanh nghiệp, tiêu chuẩn về chuyên môn thì cần có khả năng học hỏi và thích nghi nhanh chóng, Phó Tổng Giám đốc TopCV cho hay.
Về câu chuyện đào tạo nhân lực chuyển đổi số, ThS Đinh Thị Thanh Long, Học viện Ngân hàng, nhận định: “Đào tạo nhân lực chuyển đổi số không chỉ là việc dạy cách làm chủ công nghệ, máy móc mà còn phải giúp họ thay đổi cả tư duy, hiểu đúng về giá trị của con người trong từng khâu chuyển đổi số của tổ chức. Điều này quan trọng với cả những người lao động phổ thông đến cấp quản lý, lãnh đạo”.
Theo ThS Đinh Thị Thanh Long, để có thể bắt kịp với công cuộc chuyển đổi số toàn cầu, Việt Nam cần tìm ra giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong chuyển đổi số. “Chúng ta cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực toàn diện để sao cho người lao động vừa có kỹ năng kỹ thuật, vừa có năng lực số cũng như các kỹ năng mềm khác”, bà kiến nghị.
Bên cạnh đó, bà Long cũng cho rằng Chính phủ, doanh nghiệp cần xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn về công nghệ thông tin nhằm bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn và kỹ năng số cho người lao động; đẩy mạnh hợp tác trong và ngoài nước về chiến lược phát triển nguồn công nghệ thông tin. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên có chính sách thu hút lao động công nghệ thông tin bằng các cơ chế đãi ngộ, ưu đãi thuế thu nhập cá nhân.