Lọc hóa dầu Nghi Sơn báo cáo ‘bế tắc, tuyệt vọng’, lại lo dừng hoạt động

Thỏa thuận tái cấu trúc tài chính của các bên liên doanh Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) vẫn chưa đạt, đang đẩy công ty này trước nguy cơ dừng hoạt động.

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đang đối diện với nhiều khó khăn trong việc tái cấu trúc tài chính vì chưa đạt được thỏa thuận các bên liên quan – Ảnh: PVN

Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) vừa có báo cáo khẩn kiến nghị tới bộ trưởng Bộ Công Thương, chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) trước rủi ro dừng hoạt động vì thiếu hụt dòng tiền và không đạt được thỏa thuận tái cấu trúc tài chính.

PVN không đồng thuận điều khoản Lọc hóa dầu Nghi Sơn đưa ra?

Cụ thể, dựa vào báo cáo dòng tiền mới nhất của NSRP thì nếu không thể tái cấu trúc tài chính thành công, NSRP sẽ không thể vừa thanh toán kỳ trả nợ vay đến hạn vào tháng 5-2023 cho các bên cho vay, cũng như có đủ dòng tiền để tiếp tục vận hành nhà máy.

Trường hợp giả định khi không có tái cấu trúc tài chính, NSRP sẽ phải trả 375 triệu USD vào tháng 5-2023 và 277 triệu USD vào tháng 11-2023, điều này đồng nghĩa với việc NSRP sẽ phải tạm dừng hoạt động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các bên góp vốn.

Việc không đạt được thỏa thuận tái cấu trúc tài chính, NSRP bày tỏ “quan ngại sâu sắc” khi PVN không đồng ý với các điều khoản đưa ra. Đặc biệt khi các bên đã nỗ lực và đạt được những bước tiến quan trọng khi cùng đồng thuận với các điều khoản thương mại chính.

Thậm chí, các bên cho vay đã có nhiều nhượng bộ “lớn chưa từng có tiền lệ”. Cụ thể, các bên đồng ý việc nhận tiền hàng sớm từ PVN không cần phải cam kết, ràng buộc pháp lý; chấp nhận tỉ lệ chia dòng tiền thặng dư…

Ngoài ra, các bên cho vay cho rằng hỗ trợ gói tái cấu trúc tài chính hiện nay là rất lớn. Cụ thể như việc gia hạn trả nợ đến gần 2 tỉ USD và kéo dài thời hạn vay thêm 3,5 năm, gồm gần 1 tỉ USD ân hạn gốc (NSRP không phải trả gốc trong 18 tháng) sẽ giảm bớt gánh nặng tài chính.

Tuy nhiên, riêng điều kiện quan trọng mà tất cả các bên phải đồng ý là thực hiện tái cấu trúc mà không ràng buộc pháp lý (NBTS), PVN đã không đồng ý. Tập đoàn này cho rằng điều khoản và điều kiện được đưa ra nằm ngoài thẩm quyền của PVN nên cần có phê duyệt nội bộ của PVN, cũng như có thể phải xin phê duyệt các cấp có thẩm quyền cao hơn.

Theo Công ty lọc hóa dầu Nghi Sơn, trong bối cảnh công ty chỉ còn thời hạn rất ngắn và chắc chắn không có khả năng thanh toán, thì việc PVN không đồng ý ký kết vào thỏa thuận NBTS làm mất đi cơ hội cuối cùng để xin gia hạn thanh toán nợ vay.

Nguy cơ dừng hoạt động, không còn dòng tiền

“Chỉ có tái cấu trúc tài chính theo các điều kiện hiện nay mới không yêu cầu các bên góp phần phải tài trợ thêm tiền cho NSRP” – NSRP nêu trong đơn kiến nghị.

Việc PVN không đồng ý, theo công ty này, đã đẩy liên doanh rơi vào tình thế “bế tắc và tuyệt vọng” trong việc cố gắng đảm bảo đủ dòng tiền để tiếp tục hoạt động.

“Việc phải đóng cửa nhà máy lọc dầu sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng và khiến NSRP không thể cam kết cung cấp ổn định các sản phẩm xăng dầu cho thị trường trong nước như cam kết” – NSRP nêu.

Do đó, NSRP đề nghị Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo PVN đồng thuận với thỏa thuận không ràng buộc pháp lý. Mục tiêu là nhằm thực hiện đàm phán chi tiết hơn trong thời gian tới, tháo gỡ khó khăn về việc tái cấu trúc tài chính cho doanh nghiệp.

NSRP là công ty liên doanh được thành lập vào tháng 4-2008, tổng mức đầu tư hơn 9 tỉ USD, quy mô 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm. Các thành viên liên doanh gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPE), Công ty Idemisui Kosan Nhật Bản (IKC) và Công ty hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI), trong đó PVN góp vốn 25,1%.
Tổng hợp