Lợi kép khi tỷ giá liên tục giảm

Tỷ giá giảm, ngân hàng sẽ hưởng lợi hơn từ nền lãi suất ổn định, thanh khoản dồi dào trong khi doanh nghiệp cũng giảm áp lực tài chính.

Ngân hàng hưởng lợi

Trong thời gian gần đây, tỷ giá USD liên ngân hàng, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại và tỷ giá tự do đều đồng loạt giảm sâu.

Theo báo cáo của NHNN, từ đầu năm đã có lúc VND mất giá gần 5% so với USD, nhưng đến nay chỉ còn là 2,3%. Ảnh minh hoạ

Trong tuần đầu tiên của tháng 9/2024, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng giảm sâu tới hơn 200 VND/USD, mức trượt sâu đáng kể trong các năm gần đây. Sáng 10/9, Vietcombank niêm yết giá USD ở 24.500 – 24.840 VND/USD, VietinBank, mua ở 24.350 VND/USD và bán ở mức 24.850 VND/USD. Trong khi đó, những tháng đầu năm 2024, tỷ giá USD/VND liên tục tăng nóng, có thời điểm tiệm cận 25.500 đồng/USD.

So với đỉnh xác lập trước đó, tỷ giá ngân hàng đã giảm hơn 900 đồng, gần 2,3%. Mức tăng giá đồng bạc xanh cũng thu hẹp chỉ còn hơn 2% so với thời điểm cao nhất trên 4% hồi đầu năm.

Trước diễn biến hạ nhiệt của tỷ giá trong nước, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm tỷ giá trung tâm. Sáng 10/9, tỷ giá trung tâm được NHNN công bố ở mức 24.177 đồng, giảm 25 đồng so với tỷ giá trước. Hiện giá bán USD tại Sở giao dịch NHNN đã giảm gần 100 đồng so với cuối tháng 8 và xuống thấp hơn tỷ giá trần khoảng 50 đồng.

Trên thị trường tự do, tỷ giá USD/VND sáng 10/9 ở mức 25.080 – 25.160 VND/USD, giảm mạnh 135 đồng ở cả 2 chiều so với ngày trước đó. So với mức đỉnh gần 26.000 đồng xác lập cuối tháng 6, giá USD tự do hiện thấp hơn khoảng 750 đồng, tương đương giảm 2,8%.

Đồng USD trong nước hạ giá cùng chiều với diễn biến gần đây trên thị trường thế giới. Dollar Index – chỉ số đo lường sức mạnh của USD – giảm về quanh ngưỡng 101 điểm. Chỉ số này đã hạ hơn 4% so với mức đỉnh cuối tháng 6 (106,05 điểm).

Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), các động lực làm cho USD “đặc biệt mạnh mẽ” trên toàn cầu 4 tháng đầu năm nay đã bắt đầu suy yếu. Dữ liệu lịch sử cũng cho thấy đôla Mỹ có khả năng giảm giá khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ bằng việc cắt giảm lãi suất.

Ông Nguyễn Hưng – Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ: “Fed hạ lãi suất xuống, nhu cầu tích trữ bằng USD giảm bớt thì giữ tiền VNĐ có lợi hơn. Như vậy, nhu cầu chuyển đổi từ VND ra USD sẽ bớt đi, giảm áp lực lên tỷ giá”.

Áp lực tỷ giá giảm sẽ giúp các ngân hàng dễ tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ hơn trên thị trường, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 8 đã tích cực trở lại, với mức tăng 6,63% so với cuối năm 2023.

Trước đó, trong bối cảnh tỷ giá hạ nhiệt, NHNN đã có loạt chính sách điều hành mang tính nới lỏng hơn. Cụ thể, nhà điều hành đã thông báo kể từ ngày 28/8, tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu phân bổ đầu năm sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của TCTD đó.

Trên kênh hoạt động thị trường mở, NHNN cũng đã chủ động ngừng phát hành trên kênh tín phiếu và giảm lãi suất trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.

Doanh nghiệp bớt khó

Tỷ giá giảm giúp doanh nghiệp vơi bớt nỗi lo áp lực tài chính, tăng khả năng cạnh tranh, tìm kiếm nhiều hơn những đơn hàng mới. Được hưởng lợi rõ nhất là nhóm doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước hoặc đáp ứng các đơn hàng của đối tác. Nhờ chi phí nguyên vật liệu nhập về rẻ hơn, nên giá bán vì thế cũng rẻ theo, qua đó góp phần kiềm chế lạm phát ở trong nước.

Chia sẻ của lãnh đạo Công ty Fine Mold Việt Nam – một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, mỗi tháng Fine Mold Việt Nam phải chi ra 160.000 USD, tương đương 4 tỷ đồng để nhập khẩu thép nguyên liệu, gia công, sản xuất phôi mẫu. Chỉ một đồng tăng thêm của tỷ giá hối đoái, tương đương doanh nghiệp sẽ phải chi thêm 200.000 đồng chi phí.

Tương tự, Công ty cổ phần EMIN Việt Nam cho biết, mỗi tháng doanh nghiệp cần nhập 11 tỷ đồng tiền hàng, toàn bộ giao dịch được thanh toán bằng ngoại tệ. Nhờ tỷ giá VND/USD giảm trong thời gian gần đây nên chi phí mỗi đơn hàng đều giảm từ 2 – 4% so với lúc cao điểm.

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng cho biết, dư nợ vay ngoại tệ của tập đoàn này hiện tại là 38.000 tỷ đồng, tương đương 1,55 tỷ USD. Tỷ giá tăng đồng nghĩa với việc chi phí của Tập đoàn tăng lên rất mạnh, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất – kinh doanh và ngược lại tỷ giá giảm cũng giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp.

Theo phân tích của CTCK VNDirect, các nhóm ngành nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cao như thép, xăng dầu, đồ uống, hay các nhóm có tỷ lệ vay nợ ngoại tệ cao như hàng không, điện, thép, ô tô… cũng sẽ được hưởng lợi trực tiếp. Tuy nhiên yếu tố quan trọng với doanh nghiệp vẫn là tăng trưởng về mảng kinh doanh cốt lõi như sản phẩm, kỹ năng, dịch vụ… trong bối cảnh cầu trong nước và thế giới chưa hoàn hồi phục.

theo Báo Kinh Tế Đô Thị