Lối thoát cho các doanh nghiệp BOT gặp khó

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp BOT giao thông liên tục kêu khó. Chính phủ và các bộ ngành đang tích cực vào cuộc tìm hướng đi cho doanh nghiệp này.

BOT cầu Thái Hà (nối 2 tỉnh Thái Bình – Hà Nam qua sông Hồng). Ảnh: Nam Hồng

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Ngô Tiến Cương – Chủ tịch Công ty BOT Thái Hà – cho biết, từ năm 2014, các đơn vị đã bỏ hơn 1.600 tỉ đồng đầu tư dự án cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối 2 tỉnh Thái Bình, Hà Nam.

Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong, đơn vị được phép thu phí (tháng 2.2019), đến nay mức thu được rất thấp. Trung bình một ngày chỉ thu được 76 triệu đồng, tương đương 16% so với phương án tài chính BOT. Nguyên nhân chủ yếu do lưu lượng xe đã chọn đi tuyến cầu Hưng Hà (không thu phí). “Với mức thu này, doanh nghiệp đang phải gồng mình chịu lỗ và không biết khi nào sẽ phá sản”, ông Nguyễn Tiến Cương chia sẻ.

Không riêng doanh nghiệp BOT Thái Hà, nhiều doanh nghiệp BOT khác đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Theo Bộ GTVT, trong tổng số 140 dự án BOT giao thông được triển khai trước thời điểm Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) ban hành, hiện 8 dự án thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT còn vướng mắc cần xử lý, được chia thành 3 nhóm.

Nhóm 1 gồm 2 dự án có doanh thu sụt giảm không có khả năng phục hồi (cầu Thái Hà và cầu Ba Vì – Việt Trì). Nhóm 2 là dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả thu phí hoàn vốn qua trạm thu phí La Sơn – Túy Loan. Nhóm 3 là 2 dự án đã hoàn thành không được thu phí (tuyến tránh TP Thanh Hóa và cầu Bình Lợi); 2 dự án chỉ được thu phí 1 trong 2 trạm nên doanh thu sụt giảm, đã áp dụng giải pháp bổ sung vốn Nhà nước, nhưng vẫn không khả thi (Quốc lộ 91 đoạn qua TP Cần Thơ và tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km75 – Km100); 1 dự án sụt giảm doanh thu và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự (Quốc lộ 14 qua Đắk Lắk).

Bên cạnh đó, một số dự án BOT thuộc phạm vi quản lý của địa phương có trạm thu phí tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự nên chưa thu phí, bị ảnh hưởng doanh thu.

Đề xuất hướng tháo gỡ khó khăn từ phía doanh nghiệp, ông Ngô Tiến Cương đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung các điều khoản hợp đồng nhằm gỡ bỏ các vướng mắc đẩy nhanh công tác quyết toán; cho phép bổ sung các khoản chi phí phát sinh hợp lý vào tổng vốn đầu tư (lãi vay trong thời gian chờ, lợi nhuận vốn chủ sở hữu, chi phí vận hành…). Hỗ trợ nhà đầu tư theo quy định của hợp đồng BOT bằng nguồn vốn Nhà nước đối với phần doanh thu bị ảnh hưởng theo phương án tài chính của hợp đồng.

Nhấn mạnh về giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp BOT giao thông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho rằng, cần đánh giá đầy đủ, toàn diện về “bức tranh” BOT trên cả nước, nhất là nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc, từ đó mới đề xuất có “gói” giải pháp xử lý tổng thể, dứt điểm.

Theo Lao Động