Dù đang chính vụ gặt nhưng sáng 19-4, cánh đồng Buôn Choah, huyện Krông Nô, một trong những vựa lúa lớn ở Đắk Nông, rất thưa thớt người ra đồng. Bông lúa thẳng đứng do hạt lép, nông dân không buồn thu hoạch vì sợ đã lỗ thêm nợ tiền công.
Mất 80% sản lượng
Giật mạnh mấy bụi lúa dưới ruộng sắp thu hoạch, ông Đàm Văn Hội (45 tuổi, thôn Ninh Giang, xã Buôn Choah) ngán ngẩm: “Bông lúa trăm hạt, mất 7-8 phần lép”. Hơn 1,5ha trồng lúa tại cánh đồng Buôn Choah từ 15 năm nay, gia đình ông Hội cho biết chưa bao giờ bị mất mùa như vậy, chỉ thu về được hơn 2 tấn lúa thay vì 18 – 20 tấn như mọi năm.
Bà Hoàng Thị Ân (55 tuổi, thôn Ninh Giang) cho biết thu hoạch cả 10ha lúa nhưng không đủ chi phí. “Mỗi năm gia đình tôi đạt 13 – 14 tấn lúa/ha, có năm hơn 10ha thu gần 200 tấn lúa. Thế nhưng năm nay thu về nhiều nhất được khoảng 20 tấn, chỉ bằng 1/10 mọi năm”, bà Ân nói.
Theo người dân, cả vùng Buôn Choah rộng hơn 700ha lúa đều trồng giống lúa ST24 và ST25. Trên các bao bì đều ghi xuất xứ từ “cha đẻ” giống ST24 Hồ Quang Cua. Theo quan sát của chúng tôi, bao bì đựng giống ST24 mà người dân đã mua khá giống với bao bì của “ông Cua chính chủ” từ quy chuẩn VN, các thông tin về giống, cơ sở…
Bà Nguyễn Thị Bắc, chuyên kinh doanh lúa giống tại địa phương, cho biết đã bán khoảng 2 tấn lúa giống trong vụ đông xuân vừa qua với giá 25.000 đồng/kg. “Bị mất mùa, nhiều hộ dân đến phản ảnh nhưng tôi chưa biết lý giải như thế nào, chỉ phản ảnh lại với đại lý phân phối”, bà Bắc cho biết.
Mất mùa do đâu?
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, chủ tịch UBND xã Buôn Choah, cho biết theo thống kê, việc mất mùa diễn ra trên toàn xã, trong đó có 221ha mất 60 – 80% sản lượng, khoảng 5ha mất trắng. Dù chưa thể xác định được nguyên nhân mất mùa, nhưng theo bà Hạnh, có thể khẳng định không phải do thiếu nước. “Nguồn nước tưới tiêu cho cánh đồng vẫn đảm bảo, trừ 3-5ha xa nguồn nước, kênh mương”, bà Hạnh nói.
Ông Trần Tuấn Anh, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, khẳng định một số thông tin nói lúa mất mùa do giống là võ đoán. Theo ông Anh, sau kết quả khảo sát ban đầu, nguyên nhân có thể tạm xác định là thời tiết bất thường tại thời kỳ lúa trổ bông. Ban ngày nắng nóng, khoảng 32oC, ban đêm lạnh nhiệt độ khoảng 16oC, kèm theo gió to và giật mạnh (khoảng cấp 6-7), dẫn đến lúa thụ phấn không đạt.
“Về giống lúa, năm nay cơ sở Hồ Quang Cua không cung cấp cho các đại lý của huyện, nên người dân mua giống tại Buôn Trấp (Đắk Lắk). Theo phản ảnh của một số hộ được mời làm việc, một số hộ sử dụng lúa thịt để làm giống cũng bị mất mùa. Ngoài ra, do có một số diện tích bị nhiễm bệnh trong thời kỳ trổ bông nên một số hộ dân khi sử dụng thuốc không tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” nên có giảm năng suất”, ông Anh nhận định.
“Hàng xóm” Buôn Choah cũng bị mất mùa nhẹ
Bên kia sông Krông Nô là vựa lúa của huyện Krông Ana (Đắk Lắk) với hàng ngàn hecta trồng lúa tập trung, cũng có một số diện tích bị hiện tượng hạt lép, có khoảng 60ha bị mất 50 – 60% sản lượng. Địa phương này cũng không được cơ sở Hồ Quang Cua cung cấp giống ST24 nhưng có tình trạng nhái bao bì cơ sở này.
“Nguyên nhân mất mùa cục bộ cũng là do thời điểm gieo sạ. Phần lớn diện tích mất mùa nặng là vào thời điểm lúa trổ bông gặp thời tiết rét, gió mạnh dẫn đến mất mùa” – ông Nguyễn Trần Ngọ, phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Krông Ana, lý giải.
Tổng hợp