Với nhiều quy định đổi mới, đột phá, Luật Điện lực (sửa đổi) được cho sẽ tạo môi trường cạnh tranh, minh bạch trong quá trình cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành điện…
Theo đó, với 439/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 91,65%, ngày 30/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Điện lực (sửa đổi). Luật mới được thông qua đã rút ngắn từ 130 Điều xuống còn 81 Điều, giảm 49 Điều so với Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8; chỉ bổ sung 11 Điều so với Luật Điện lực hiện hành.
Việc Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) được cho là một dấu mốc quan trọng, ý nghĩa lớn trong quá trình cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành điện. Đồng thời, có ý nghĩa lớn đối với việc đảm bảo an ninh năng lượng trong phát triển kinh tế Việt Nam và bảo vệ môi trường bền vững.
Luật không chỉ đưa ra những quy định nhằm điều chỉnh, đổi mới và hoàn thiện khung pháp lý về điện lực, mà còn đáp ứng bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu.
Và một trong những điểm đáng chú ý của Luật này là các quy định Điều 5 của Luật, khi hướng tới việc, Nhà nước chỉ độc quyền trong các hoạt động vì mục đích bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia bao gồm: a) Điều độ hệ thống điện quốc gia; b) Đầu tư xây dựng và vận hành dự án nhà máy điện hạt nhân, nhà máy thuỷ điện chiến lược đa mục tiêu, lưới điện truyền tải quan trọng từ cấp điện áp 220 kV trở lên theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ quyết định; c) Vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng.
Từ đó có thể thấy, Luật đã tạo một môi trường cạnh tranh, minh bạch, lành mạnh hơn cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh điện lực ngoài hoạt động thuộc độc quyền Nhà nước. Đồng thời, tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ hiện đại và tự chủ trong tính toán giá thành, lợi nhuận…
Nhìn nhận về quy định đã nêu, không ít chuyên gia cho rằng, sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân đối với sự phát triển của ngành điện sẽ tăng lên. Và với Luật này, sẽ tạo cơ sở pháp lý khuyến khích và bảo hộ đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân vào phát triển điện lực, khi hoạt động đầu tư này phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia về phát triển điện lực và phương án mạng lưới phát triển điện. Từ đó sẽ góp phần tạo ra thị trường điện lực cạnh tranh, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu cấp điện ngày càng cao trong quá trình phát triển kinh tế trong kỷ nguyên mới.
Theo chuyên gia kinh tế – PGS TS Ngô Trí Long, Luật Điện lực (sửa đổi) lần này đã giải quyết được một số điểm nghẽn quan trọng trong phát triển điện lực của Việt Nam trong thời gian qua.
Vị chuyên gia này cho rằng, trước khi sửa đổi, thị trường điện Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về cạnh tranh, dẫn đến tình trạng độc quyền và thiếu sự minh bạch trong việc phân phối điện. Luật sửa đổi đã có những quy định rõ ràng về việc mở rộng và phát triển thị trường điện, đặc biệt là xây dựng các cơ chế cho phép nhiều thành phần kinh tế tham gia.
“Trong thời gian qua, sự phát triển của năng lượng tái tạo (như điện mặt trời, điện gió) tại Việt Nam gặp không ít khó khăn do thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ rõ ràng và hiệu quả. Luật Điện lực (sửa đổi) đã tạo ra các chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, như xây dựng cơ chế giá hợp lý, hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo và thúc đẩy sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này sẽ giúp tăng cường nguồn cung năng lượng tái tạo, đồng thời giảm thiểu sự phụ thuộc”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Đồng thời cho rằng, trước khi sửa đổi, việc quản lý giá điện còn gặp khó khăn, thiếu sự linh hoạt và chưa minh bạch. Điều này đôi khi dẫn đến sự không công bằng giữa các nhóm người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong việc dự báo và lập kế hoạch kinh doanh. Luật sửa đổi đã đưa ra các cơ chế quản lý giá điện linh hoạt hơn, giúp điều chỉnh giá điện phù hợp với cung – cầu thị trường.
Đồng quan điểm, trước đó, tham gia ý kiến về nội dung này, đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cũng cho rằng, việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào nguồn điện lưới quốc gia và cắt giảm chi phí điện dài hạn. Điều này cũng giúp doanh nghiệp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tăng tính bền vững.
Luật cũng mở cửa cho nhiều thành phần kinh tế tham gia sản xuất, phân phối và kinh doanh điện, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn nước ngoài tham gia vào thị trường. Điều này tạo ra cạnh tranh, dẫn đến việc cải thiện chất lượng dịch vụ và giảm chi phí cho các doanh nghiệp sử dụng điện.
“Do đó, việc ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) lần này hết sức cần thiết và cấp bách cho sự phát triển kinh tế – xã hội cho Việt Nam hiện nay cũng như trong tương lai sắp tới”, đại biểu bày tỏ.
Cùng với vấn đề đã nêu, không ít ý kiến cũng cho hay, một điểm mới đáng chú ý nữa của Luật Điện lực đó là có cơ chế đột phá để phát triển điện gió ngoài khơi khi quy định, có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho từng loại hình nguồn điện, trong đó có các dự án thủy điện nhỏ được xác định theo quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi, khuyến khích đầu tư các dự án tham gia thị trường điện cạnh tranh.