Mặc dù thịt cóc không có độc, nhưng nhiều người vẫn vị ngộ độc khi ăn, nguyên do ngộ độc là bởi độc tố cóc (bufotoxin) – một chất cực độc gây ra.
Độc tố của cóc là hợp chất Bufotoxin có tác động đến tim mạch, gây ảo giác, gây hạ huyết áp… Thành phần độc tố thay đổi tùy theo loài cóc.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cũng khuyến cáo: Cóc có chứa độc tố (nhựa cóc) trong một số bộ phận. Trong đó, nhựa cóc (ở tuyến sau tai, tuyến trên mắt và các tuyến trên da cóc), trong gan và buồng trứng.
Khi xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa, độc tố này gây ra ngộ độc cấp tính. Độc tố hấp thu qua da gây ra dị ứng, bỏng rát ở mắt… Các tuyến trên da cóc bài tiết ra chất nhầy màu trắng, dính keo, dân gian gọi là “nhựa cóc”. Đây là hỗn hợp độc tố có khả năng gây ảo giác, nghẽn mạch và tăng áp suất máu.
Ngoài ra, một số loài cóc còn chứa cả độc tố tetrodotoxin (có ở cá nóc) thông qua cơ chế cộng sinh với một số vi khuẩn.
Thông tin từ website BV Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), thịt cóc không độc, nhưng nếu làm thịt cóc không khéo thì độc tố từ nhựa cóc (chứa trong da cóc), trứng cóc, gan cóc có thể dính vào thịt cóc gây ngộ độc.
Triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện 1 đến 2 giờ sau khi ăn nhằm trứng, gan cóc, gồm: Đau bụng, ói, tiêu chảy; không thở được, mệt, chóng mặt; nhịp tim chậm, sốc, ngất, đa số tử vong là do nguyên nhân tim, muộn hơn là suy thận, gan.
Do đó, ngay khi phát hiện ai đó bị ngộ độc sau khi ăn thịt cóc cần phải sơ cứu bằng cách gây ói ngay, sau đó đưa đến bệnh viện gần nhất.
Theo bảng thành phần dinh dưỡng Việt Nam của Viện Dinh dưỡng, thịt cóc chỉ giàu đạm và kẽm chứ không có gì đặc biệt hơn (trong 100 g bột cóc ăn được có 55,4 g đạm và 65 mg kẽm). Tuy thịt cóc giàu đạm nhưng thịt heo, thịt gà, thịt ếch nếu biết chế biến giúp trẻ ăn tốt cũng cung cấp đạm cho trẻ không kém.
Tổng hợp