Việc giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc – Nam qua tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị đến nay vẫn còn vướng. Trong khi một số địa phương đã hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng, vẫn còn nơi đang gặp khó trong quá trình triển khai.
Lên phương án cưỡng chế
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình có 3 dự án thành phần, với chiều dài 126,43km, đi qua 6 huyện, thị xã, thành phố và 35 xã, phường. Đến nay, chiều dài đã bàn giao cho các Ban Quản lý dự án là 126,04km, đạt 99,69%, hiện còn lại 389m, chiếm 0,31%.
Chiều dài vướng mặt bằng này đi qua 3/6 huyện, thị xã. Huyện Quảng Trạch đã bàn giao được 25,29km/25,3km, còn lại 10m. Huyện Bố Trạch đã bàn giao được 28,03km/29,04km, còn lại 10m. Đặc biệt, huyện Lệ Thủy bàn giao 31,583km/31,952km; chiều dài còn lại 369m.
Ông Nguyễn Xuân Tường – Phó Chủ tịch Hội đồng Giải phóng mặt bằng cao tốc huyện Lệ Thủy – cho biết, địa phương đang lên các phương án cưỡng chế đối với các hộ gia đình trong diện đền bù, giải phóng mặt bằng, sau khi đã được tuyên truyền, vận động, thực hiện đầy đủ các chính sách nhưng vẫn chưa đồng thuận và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Đặng Đại Tình – cho hay, công tác giải phóng mặt bằng tại huyện Lệ Thủy khó khăn hơn, bởi địa bàn dài nhất tỉnh, dự án đi qua địa hình đông dân cư nhất với gần 1.000 hộ dân. Cùng với đó, lịch sử đất đai để lại phức tạp, đất đai của các nông lâm trường chuyển về, đất lấn chiếm, tranh chấp, không có nguồn gốc thời điểm sử dụng đất… nên tốn nhiều thời gian để xử lý. Cùng với đó huyện còn vướng công ty điện mặt trời và gần 700 ngôi mộ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm cho biết, về cơ bản, người dân bị ảnh hưởng trong vùng dự án đều rất tích cực, đồng thuận, tạo điều kiện để giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng triển khai.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các địa phương ban hành quyết định cưỡng chế và xây dựng phương án bảo vệ thi công đối với các trường hợp không đồng ý với chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Khoảng 200m mặt bằng ở Quảng Trị còn vướng
Tại Quảng Trị, ông Mai Quý Khánh – Phó Trưởng phòng Điều hành dự án 4 Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh – cho hay, cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ đoạn qua tỉnh Quảng Trị dài 32,53km, hiện còn khoảng 200m mặt bằng chưa được bàn giao.
Do việc giải phóng mặt bằng chậm, nên đến nay việc thi công phải làm từng đoạn. Khi vừa được bàn giao mặt bằng sạch, chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh lập tức yêu cầu đơn vị thi công huy động nhân lực, máy móc để thi công.
Dự án sẽ thi công cống các loại 237 cái; hầm chui dân sinh 39 cái; đường gom 45,6km. Theo Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư dự án cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ đoạn qua tỉnh Quảng Trị), sở dĩ có một số địa điểm chưa được thi công, là vì đang vướng mặt bằng. Để đẩy nhanh tiến độ, hiện mỗi ngày có khoảng 1.000 lái xe, lái máy, nhân công và khoảng hơn 650 đầu máy móc, thiết bị ôtô các loại làm việc, nhằm đẩy nhanh tiến độ công việc.