Mặt bằng lãi suất thấp, doanh nghiệp bảo hiểm chuyển hướng đầu tư trái phiếu

Mặt lãi suất huy động duy trì ở mức thấp buộc các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường đầu tư vào kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và cổ phiếu nhằm tối ưu hóa lợi nhuận.

Xu hướng đầu tư trái phiếu ngắn hạn

Mặt bằng lãi suất huy động tăng cao giai đoạn cuối năm 2022 – đầu năm 2023 đã giúp các doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận lợi nhuận không nhỏ từ các khoản đầu tư. Tuy nhiên, việc lãi suất huy động giảm nhanh trở lại giai đoạn cuối 2023 đã tạo những tác động nhất định với các doanh nghiệp từ năm tài chính 2024. Theo đó, một số đơn vị tăng nhanh tỷ trọng đầu tư vào kênh TPDN, gồm trái phiếu có tài sản đảm bảo và không có tài sản đảm bảo, thay vì chỉ tập trung vào chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu Chính phủ, những kênh đầu tư được đánh giá có sự an toàn cao.

Lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2024 sẽ tiếp tục đối mặt với thách thức tăng trưởng chậm lại. Ảnh: LÊ VŨ

Đơn cử như Tổng công ty bảo hiểm Quân đội (MIC) là một trong số ít đơn vị thường xuyên ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính ở mức cao trong 5 năm qua, với tỷ suất lợi nhuận bình quân khoảng 9-10% mỗi năm.

Về danh mục đầu tư, cơ cấu danh mục đầu tư của MIC gồm tiền gửi (71%), ủy thác đầu tư (24%), trái phiếu (5%) tại thời điểm cuối tháng 6-2023. Trong đó, cổ phiếu chiếm tối đa 15% tổng tài sản sinh lời, trái phiếu chiếm khoảng 10-15%, phần còn lại là tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi.

Với riêng sản phẩm trái phiếu, doanh nghiệp nắm giữ 137 tỉ đồng trái phiếu ngắn hạn và 150 tỉ đồng trái phiếu dài hạn tại thời điểm cuối tháng 6-2023 – chiếm 10% tổng tài sản sinh lời. Trong đó, trái phiếu này do các doanh nghiệp sản xuất, tài chính phát hành.

Tới thời điểm 31-3, giá trị trái phiếu đầu tư ngắn hạn tăng lên mức 168,8 tỉ đồng, gồm trái phiếu của Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt và Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Novaland).

Ông Uông Đông Hưng, Chủ tịch HĐQT MIC cho biết lựa chọn đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu đã được doanh nghiệp thực hiện và mang lại hiệu quả tốt trong bối cảnh lãi suất ngân hàng giảm. Với đầu tư cổ phiếu, “khẩu vị” của doanh nghiệp là những cổ phiếu trong nhóm VN30 như TCB, ACB, HPG…

Thậm chí, MIC đã thành lập một ủy ban về đầu tư, cũng như đầu tư uỷ thác qua MB Capital – công ty thành viên của Tập đoàn MB, nên có những mã cổ phiếu sinh lời lên tới 18-22%.

“Đầu tư là mảng mang lại lợi nhuận chính cho các công ty bảo hiểm, nên MIC hợp tác với một số tổ chức chuyên nghiệp để đảm bảo việc đầu tư hiệu quả và an toàn. Các kế hoạch đầu tư đều được Ủy ban Đầu tư của MIC phê duyệt, kể cả tiền gửi ngân hàng cũng được xếp loại rủi ro. Với cổ phiếu, vì là loại tài sản có rủi ro cao nên MIC chỉ đầu tư các mã bluechip có triển vọng tốt”, ông Hưng nói tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024.

Tương tự, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Bưu điện (PTI) cũng tăng cường đầu tư vào các tài sản hưởng lãi suất cố định như trái phiếu tổ chức tín dụng và TPDN.

Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch PTI cho biết danh mục đầu tư chủ yếu của đơn vị là tiền gửi và các công cụ có thu nhập bền vững. Với TPDN, bà đánh giá đây vẫn là kênh đầu tư an toàn, nếu lựa chọn các doanh nghiệp sở hữu ba yếu tố, gồm: chuẩn mực phát hành, dòng tiền, tài sản đảm bảo.

Trước đó, PTI từng ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính năm 2023 ở mức 460,2 tỉ đồng, tăng 33% so với năm 2022 và là mức cao nhất trong 5 năm gần đây nhờ danh mục đầu đầu tư tập trung vào các tài sản thanh khoản cao là tiền gửi và trái phiếu – chiếm tỷ trọng trên 90% tổng danh mục.

Không chỉ các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng tăng cường bỏ vốn vào TPDN, đặc biệt là trái phiếu do các tổ chức tín dụng phát hành. Điều này nhằm tối đa hóa hiệu quả đầu tư khi lãi suất tiền gửi xuống thấp.

Tại Dai-ichi Việt Nam, các khoản đầu tư dài hạn chủ yếu nằm dưới dạng trái phiếu với giá trị 37.549 tỉ đồng, chiếm hơn 96% tổng giá trị danh mục đầu tư, theo thông tin từ báo cáo tài chính năm 2023. Trong đó, khoảng 8.315 tỉ đồng trái phiếu được phát hành bởi các ngân hàng Vietcombank, BIDV, VietinBank, LPBank, ACB, HDBank, OCB. Ngoài ra, còn có trái phiếu phát hành bởi các doanh nghiệp như Năng lượng Hồng Phong 1, Vingroup.

Với danh mục trên, doanh thu từ hoạt động tài chính của Dai-ichi Việt Nam đạt hơn 3.439 tỉ đồng trong năm 2023, phần lớn đến từ lãi trái phiếu với 2.140 tỉ đồng và tiền gửi ngân hàng với 552 tỉ đồng.

Ông Trần Hoàng Mạnh Việt, chuyên gia tư vấn tài chính thuộc Công ty tư vấn đầu tư và quản lý tài sản FIDT đánh giá đầu tư vào TPDN là lựa chọn khả thi của các doanh nghiệp bảo hiểm với mức lợi suất thường cao hơn trái phiếu Chính phủ hay các công cụ tài chính an toàn khác. Điều này có thể giúp doanh nghiệp bảo hiểm tối ưu hóa lợi nhuận. Ngoài ra, đầu tư vào TPDN giúp doanh nghiệp đa dạng hóa danh mục đầu tư, giảm thiểu rủi ro từ việc phụ thuộc vào một loại tài sản duy nhất.

Dòng tiền từ TPDN cũng hỗ trợ quản lý dòng tiền hiệu quả hơn, đáp ứng các khoản chi trả bảo hiểm đều đặn. Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích của Chính phủ và áp lực cạnh tranh từ các sản phẩm bảo hiểm đầu tư như bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị cũng thúc đẩy doanh nghiệp đa dạng hóa kênh đầu tư để có lợi suất hấp dẫn hơn.

Mở rộng đầu tư và vấn đề quản trị rủi ro

Trong bối cảnh hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm tăng giá trị đầu tư vào TPDN và cổ phiếu, thay vì chỉ tập trung vào tiền gửi ngân hàng, một số đơn vị vẫn lựa chọn định hướng kinh doanh thận trọng.

Ông Trần Xuân Hoàng, đại diện HĐQT Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm BIDV (BIC) cho biết Ban điều hành doanh nghiệp sẽ xem xét đẩy mạnh đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu khi lãi suất tiền gửi được dự báo sẽ duy trì ở mức thấp.

Tuy nhiên, BIC vẫn giữ tỷ trọng tiền gửi tương tự các năm trước để đảm bảo an toàn vốn, cũng như nhằm hỗ trợ hoạt động bán chéo qua các ngân hàng. Năm 2023, tỷ trọng đầu tư tiền gửi của BIC khoảng 80%.

Mở rộng đầu tư sang trái phiếu nhưng vấn đề quan trọng của các công ty bảo hiểm là quản trị rủi ro. Ảnh minh họa: DNCC

Tương tự BIC, Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) và Bảo hiểm Bảo Minh cũng duy trì tỷ lệ đầu tư vào TPDN ở mức thấp để đảm bảo yếu tố an toàn, nhất là với những tài sản rủi ro như cổ phiếu, bất động sản, trái phiếu do doanh nghiệp phát hành… Hơn nữa, thị trường TPDN Việt Nam chưa thực sự phát triển khiến các đơn vị chưa “tự tin” bỏ vốn.

Với MIC, việc đầu tư vào TPDN cũng từng gây lo ngại cho các cổ đông, nhà đầu tư. Tại một cuộc họp, nhà đầu tư đã bày tỏ sự băn khoăn về tính an toàn của danh mục đầu tư trái phiếu khi MIC nắm giữ lượng lớn trái phiếu bất động sản.

Để trấn an cổ đông, ông Đinh Như Tuynh, Tổng giám đốc MIC đã khẳng định việc trả gốc và lãi của các tổ chức phát hành vẫn đầy đủ, vẫn đảm bảo quyền và nghĩa vụ theo đúng hợp đồng.

Về phía chuyên gia, ông Trần Hoàng Mạnh Việt cũng đánh giá các doanh nghiệp bảo hiểm  đối mặt với một số rủi ro khi đầu tư vào TPDN. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu không đủ khả năng tài chính để thanh toán nợ gốc và lãi đúng hạn, gây nguy cơ mất vốn; khung pháp lý chưa hoàn thiện khiến việc phát hành trái phiếu có nhiều rủi ro; sự xuất hiện của các loại trái phiếu ba không -không bảo lãnh thanh toán, không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, làm tăng thêm rủi ro cho nhà đầu tư.

Để thu hút dòng vốn dài hạn từ doanh nghiệp bảo hiểm, ông Việt cho rằng thị trường TPDN cần tăng tính minh bạch và cung cấp thông tin đầy đủ về tình hình tài chính, kế hoạch sử dụng vốn và khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành. Khung pháp lý cũng cần rõ ràng và chặt chẽ hơn để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, cần xây dựng và nâng cao uy tín của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước, cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp và minh bạch hóa các hoạt động kinh doanh, tài chính để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, trong đó có các doanh nghiệp bảo hiểm.

Theo Kinh tế Sài Gòn