Đề nghị doanh nghiệp châu Âu tăng cường đầu tư trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo xanh, nông nghiệp thông minh…
Ngày 21-10, tại Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh – GEFE 2024 với chủ đề “Kiến tạo tương lai xanh” do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) phối hợp cùng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương tổ chức ở TP HCM, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết phát triển kinh tế xanh là xu thế tất yếu. Để kiến tạo tương lai xanh phải có tư duy, tầm nhìn xanh kết hợp với hành động xanh, trong đó công nghệ xanh, năng lượng xanh và lối sống xanh rất quan trọng.
Việt Nam đã đặt ra mục tiêu tổng quát và xác định tăng trưởng xanh, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng xã hội, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon…
Chỉ trong một thời gian ngắn, Chính phủ Việt Nam đã tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ để triển khai 16 dự án phát triển bền vững với tổng số vốn vay khoảng 2,5 tỉ USD. Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh, phát thải carbon, tiêu chuẩn môi trường và xã hội quản trị… Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương với Liên minh châu Âu (EU) và các nước thành viên, trong đó lấy phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế xanh là một trong những bước đột phá, thúc đẩy thương mại bền vững và phát triển chuỗi cung ứng xanh.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề xuất EU nghiên cứu và triển khai một số dự án hợp tác, thúc đẩy mô hình hợp tác công tư về chuyển đổi xanh trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của mỗi bên.
Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của EU về tài chính, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để các nước thành viên chia sẻ kinh nghiệm phát triển thị trường chứng chỉ carbon có kết nối với thị trường quốc tế và triển khai các dự án xanh…
“Đề nghị các doanh nghiệp châu Âu xem xét tăng cường đầu tư thiết lập các trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam trong các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo xanh, hạ tầng xanh, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, công nghiệp phát thải thấp. Mong muốn EU tiếp tục duy trì ODA cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực cấp thiết như tăng cường năng lực quản trị công, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn” – Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chia sẻ.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi kỳ vọng GEFE 2024 sẽ giúp TP HCM có thêm thông tin, kinh nghiệm và kết nối nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Cụ thể là các thông tin liên quan giải pháp khích đổi mới sáng tạo; sáng kiến hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao nhận thức cộng đồng và xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao, tăng trưởng xanh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đề nghị cộng đồng DN Việt Nam và EU tiếp tục trao đổi, mở rộng hợp tác kết nối đầu tư, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, chuyển giao công nghệ theo hướng tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính đáp ứng với các tiêu chuẩn mới của toàn cầu. Cùng tìm hiểu và đáp ứng cơ chế, chính sách, pháp luật, các quy định, tiêu chuẩn hướng đến mục tiêu về phát triển xanh, bền vững trong thời gian tới.