Dư luận lo ngại EVN sẽ lạm quyền khi mỗi năm có thể được tăng giá điện 4 lần, với tổng mức tăng tới 20% (EVN được tự quyết mức tăng giá điện dưới 5%).
Điểm mới trong dự thảo là hướng đến rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 6 tháng xuống 3 tháng. Điều này khiến dư luận lo ngại EVN sẽ lạm quyền, khi mỗi năm có thể tăng tới 4 lần, với tổng mức tăng có thể tự quyết lên tới 20% (EVN được tự quyết tăng ở mức dưới 5%).
Đã quy định chặt chẽ cơ chế tiền kiểm và hậu kiểm
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa cho hay, trong quy định về chính sách giá điện của Luật Điện lực thì “giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước…”. Vì thế, việc rút ngắn thời gian giữa các lần điều chỉnh giá là điều cần thiết. Bởi lẽ, điều này giúp các nhân tố hình thành giá điện sẽ phản ánh kịp thời hơn, sát hơn với sự biến động của thị trường.
“Nếu kéo dài thời gian điều chỉnh giá, khi chi phí cấu thành giá điện liên tục tăng, chi phí bị dồn tích lại sẽ không tránh khỏi việc phải điều tiết “giật cục” ở mức độ tăng cao”, ông Thoả lý giải.
Mặt khác, theo chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, rút ngắn thời gian điều chỉnh giá là bước chuẩn bị điều kiện cần thiết để vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, tạo ra môi trường để giá có lên có xuống theo tín hiệu thị trường.
Dự thảo mới vẫn giữ như quyết định 24 năm 2017 là trao quyền cho EVN được điều chỉnh giá tăng từ 3-5%, theo ông Thoả, điều này phù hợp với quy định của Luật Điện lực (khoản 4 Điều 29), nhằm đảm bảo quyền tự quyết định giá mua, giá bán điện trong khung giá, cơ cấu biểu giá điện do Nhà nước quy định.
Còn về việc “EVN có lạm quyền?”, ông Thoả cho rằng: “Chúng ta đừng quá lo ngại việc này, bởi quy định là vậy nhưng EVN không phải “muốn làm gì thì làm”, mà dự thảo quyết định đã quy định khá chặt chẽ cơ chế tiền kiểm và hậu kiểm việc điều chỉnh giá của EVN.
Theo quy định, EVN phải báo cáo chi phí sản xuất điện cho Bộ Công thương sau khi đã được kiểm toán và công bố công khai kết quả kiểm tra chi phí sản xuất điện; sau đó, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra xem xét tính toán của EVN.
“Nếu phát hiện sai sót thì Bộ Công thương yêu cầu EVN dừng điều chỉnh hoặc hoặc điều chỉnh lại giá bán điện. Trường hợp giá bán điện cần điều chỉnh giảm mà EVN không làm thì Bộ Công thương có trách nhiệm yêu cầu EVN thực hiện…”, ông Thoả nói.
Tách chức năng cung cấp dịch vụ độc quyền của EVN
Đồng quan điểm, chuyên gia điện lực GS.VS.TSKH Trần Đình Long ủng hộ việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện để dần đưa về tín hiệu thị trường. Tuy nhiên, song hành với điều này, chúng ta cần đẩy nhanh thị trường điện để trả giá điện về thị trường.
Trong mô hình thị trường điện đã được Chính phủ phê duyệt, năm 2024 thị trường bán lẻ điện phải chính thức đi vào hoạt động, tuy nhiên việc này đang chậm hơn dự kiến. Hiện thị trường phát điện cạnh tranh đã hoàn thành và bây giờ đang nằm ở giai đoạn cuối của thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Tuy nhiên, thực tế, mô hình bán buôn của thị trường cạnh tranh vẫn chưa được hoàn chỉnh bởi vì ngoài 5 tổng công ty điện lực của EVN thì chưa có một công ty điện lực nào khác ngoài EVN thực hiện chức năng mua bán buôn như vậy.
Khi đã không có nhiều công ty, nhiều đơn vị mua bán buôn, thì không thể có thị trường mua bán điện cạnh tranh sòng phẳng và bình đẳng. Cho nên điều kiện trước tiên là làm thế nào để cho cơ cấu của các đơn vị mua bán buôn điện thay đổi.
“Theo tôi thường các công ty mua bán họ kiếm lời trên cơ sở chênh lệch giá mua và bán. Do vậy, nhà nước cần có nghiên cứu và làm thế nào để các đơn vị bán điện cho các công ty này, bán với một mức giá nào đó và công ty bán buôn điện họ có quyền bán với giá cao hơn, để có lợi nhuận hợp lý, tồn tại và phát triển”, GS.VS.TSKH Trần Đình Long góp ý.
Để giải quyết những vấn đề tồn tại trong thị trường điện hiện nay, chuyên gia Nguyễn Tiến Thoả cho rằng, việc sửa đổi cơ chế giá điện lần này là một bước tiến bộ hơn trước để thực hiện lộ trình giá thị trường điện. Nhưng không chỉ dừng lại đó, mà phải tiếp tục cải cách cơ chế giá bán lẻ theo hướng thị trường cạnh tranh.
Cụ thể, áp dụng cơ chế giá bán lẻ điện trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng. Gắn với nó là phải tiếp tục tái cơ cấu ngành điện phù hợp với yêu cầu của thị trường bán lẻ điện. Tức là tách chức năng cung cấp các dịch vụ độc quyền tự nhiên của ngành điện (gồm truyền tải, phân phối, vận hành hệ thống điện và thị trường điện) ra khỏi các đơn vị tham gia cạnh tranh.
Do vậy, cần tiếp tục hoàn thiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh, cũng như thay đổi cơ chế giá bán buôn điện giữa EVN và các tổng công ty hiện nay, mở rộng phạm vi của thị trường giao ngay…
Có nên để nhiều bộ điều hành giá điện?
Tại dự thảo mới, Bộ Công thương cũng đề xuất đưa thêm trách nhiệm của các Bộ liên quan. Trong đó, Bộ Tài chính giữ vai trò là cơ quan “quản lý nhà nước về giá”; Tổng cục Thống kê đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện đến kinh tế vĩ mô (EVN cung cấp số liệu); còn các Bộ, cơ quan liên quan phối hợp theo “chức năng, nhiệm vụ”. Ông Thoả không đồng tình với đề xuất trên của Bộ Công thương. Theo ông, các quy định này cần được cân nhắc trên cơ sở rà soát lại chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành. Dẫn quy định của Luật Điện lực, ông Thoả cho biết, công tác quản lý, điều tiết về giá điện là nhiệm vụ chính của Bộ Công thương. Bộ Công thương phải là cơ quan chủ trì, vì Bộ này là cơ quan quản lý Nhà nước về giá điện, còn quản lý Nhà nước về giá nói chung của Luật Giá năm 2023 thuộc nhiệm vụ của Chính phủ, với quy định “Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về giá, thẩm định giá” và Bộ Tài chính chỉ là “cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về giá, thẩm định giá”, được quy định tại điều 12, Luật Giá. Do đó, không thể quy định “Bộ Tài chính có trách nhiệm với Bộ Công thương thực hiện quyết định này với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về giá”. Cũng theo Luật Giá năm 2023 thì “giá điện và giá các dịch vụ về điện được thực hiện theo quy định của pháp luật về điện”. Vì thế, Điều 31, Luật Điện lực hiện hành quy định Bộ Công thương thực hiện chức năng phối hợp với Bộ Tài chính việc gì thì thực hiện đúng việc đó. Đối với Tổng cục Thống kê cũng vậy, cơ quan này cũng không có nhiệm vụ là cơ quan chính, chủ trì trong việc tính toán, đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện từng mặt hàng, mà chỉ là cơ quan phối hợp cung cấp những chỉ tiêu, tiêu chí cần thiết giúp bộ, ngành tự tính toán, đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá trình Chính phủ quyết định. |