Dự án một luật sửa 7 luật được xây dựng với kỳ vọng sẽ nhanh chóng tháo gỡ được các “điểm nghẽn” của nền kinh tế.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các luật do cơ quan này chủ trì soạn thảo. Từ tình hình thực tiễn phát sinh, Bộ Tài chính đã lựa chọn một số vấn đề lớn có vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và mang tính cấp bách để đề xuất xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật, gồm: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Chứng khoán và Luật Quản lý thuế (Dự án một luật sửa 7 luật).
Dự thảo Luật này được xây dựng với kỳ vọng sẽ nhanh chóng tháo gỡ được các “điểm nghẽn” của nền kinh tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính – Nguyễn Đức Chi, tháo gỡ được vướng mắc, những “điểm nghẽn” trong thể chế, tức chúng ta giải quyết được “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Một luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính, tập trung vào vấn đề thực tế đòi hỏi yêu cầu, trên cơ sở đó nếu được Quốc hội phê duyệt kỳ này, chúng tôi tin tưởng nó sẽ giải phóng được nguồn lực, tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi để đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, việc xây dựng Dự thảo một luật sửa 7 luật tuân thủ nguyên tắc chỉ đạo của Chính phủ là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng cấp. Xóa bỏ cơ chế xin cho, đáp ứng mong muốn của người dân và doanh nghiệp về giảm thủ tục hành chính, chống phiền hà, sách nhiễu.
Trước sự phát triển nhanh chóng của thị trường, kéo theo đó là những bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thi hành các luật, việc xây dựng Dự án một luật sửa 7 luật được đánh giá là cần thiết, cấp bách. Tuy nhiên, nội dung Dự án Luật này vẫn còn đó không ít băn khoăn, quan ngại.
Đơn cử như trong lĩnh vực thuế, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi, bổ sung 13 Điều của Luật Quản lý thuế, như quy định về nguyên tắc quản lý thuế; hiện đại hóa công tác quản lý thuế; nguyên tắc khai thuế, tính thuế; xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế… đặc biệt, một nội dung được quan tâm là việc bổ sung quy định về các trường hợp khai thuế thay, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh hoặc cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử.
Trong đó, không ít ý kiến cho hay, một số quy định về quản lý thuế có thể gây khó trong thực thi, thậm chí không khả thi, tạo gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp. Chẳng hạn, đối với quy định sàn thương mại điện tử khai thuế thay, nộp thuế thay người bán, theo chuyên gia, quy định này là trái các nguyên tắc cơ bản của pháp luật về thuế, không phù hợp thực tế và trái với thông lệ quốc tế.
Bởi, nghĩa vụ khai thuế, nộp thuế của từng chủ thể là vấn đề cơ bản, cốt lõi, đối với từng sắc thuế cần phải được quy định ở các luật thuế chuyên ngành tương ứng, không thể được tùy tiện quy định về việc kê khai, nộp thuế thay mọi loại thuế cho một chủ thể khác như quy định tại Dự thảo Luật.
Hay, liên quan đến việc sửa đổi Luật Chứng khoán, không ít ý kiến cũng cho rằng, Dự thảo đã bổ sung hạn chế với việc phát hành các loại chứng khoán như đưa ra thêm các điều kiện phát hành, gia tăng các hạn chế với việc phát hành các loại chứng khoán. Đồng thời, các tổ chức liên quan phát hành chứng khoán như tổ chức tư vấn, tổ chức kiểm toán… được bổ sung thêm trách nhiệm, hay nâng mức phạt vi phạm hành chính với lĩnh vực kiểm toán có thể dẫn đến sự thiếu khả thi…
Nhấn mạnh về những ưu điểm việc thực hiện một luật sửa đổi 7 luật ngành tài chính, ông Đậu Anh Tuấn – Phó tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nếu chờ sửa lần lượt cần nhiều công sức và thời gian với quy trình hiện tại trong khi có những khó khăn vướng mắc nếu chờ đợi thêm sẽ gây tắc nghẽn ảnh hưởng hoạt động doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu vấn đề đưa vào lớn mà chưa được nghiên cứu sâu, thay đổi có thể gây tác động không mong muốn đến doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế – TS Cấn Văn Lực cũng cho hay, quyết định một luật sửa 7 luật ngành tài chính cho thấy động thái quyết liệt của Chính phủ. Tuy nhiên, đây là điều không đơn giản, nhất là khi khối lượng công việc lớn, đòi hỏi đối chiếu với các thông lệ quốc tế. Do đó, việc sửa đổi cần tập trung vào các khó khăn trước mắt, những vấn đề “nóng” cấp bách.
Trước đó, báo cáo ý kiến của cơ quan thẩm tra đối với Dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội – Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các luật thuộc Dự án Luật nhằm tập trung tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa các nguồn lực Nhà nước, ngoài Nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo làm rõ sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các điều, khoản nêu tại Dự án Luật; đánh giá tác động từng cơ chế, chính sách dự kiến sửa đổi, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đang thực hiện thí điểm, chỉ đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung thực sự cấp bách, bức xúc và có sự đồng thuận giữa các cơ quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cản trở sự phát triển.
Được biết, theo Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 29/10, cùng với Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Quốc hội sẽ tập trung thảo luận Dự án một luật sửa 7 luật ngành tài chính.