Một ‘mỏ vàng’ nếu xuất khẩu mạnh sẽ đem về nhiều tỷ USD cho Việt Nam

Không phải là những mặt hàng xuất khẩu truyền thống như dệt may, da giày, nông thủy sản… hàng hóa sáng tạo mới được xem là “mỏ vàng” của Việt Nam. Thống kê cho thấy quy mô xuất khẩu hàng hóa sáng tạo của Việt Nam là không nhỏ. Tuy nhiên, mới mang tính chất sơ khởi, nếu tháo gỡ được nút thắt, các ngành dịch vụ sáng tạo sẽ đem về nhiều tỷ USD cho Việt Nam.

Cuối năm 2023, FPT đã công bố cán mốc 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin từ thị trường nước ngoài. Tập đoàn này cho biết đạt tốc độ tăng trưởng gấp đôi trong vòng 3 năm qua, đem về doanh thu 1 tỷ USD dịch vụ công nghệ thông tin từ thị trường nước ngoài đến từ 3 thị trường trọng điểm Nhật Bản, châu Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương.

Việt Nam lọt top 3 toàn cầu

Theo UNCTAD, dịch vụ sáng tạo xuất khẩu được chia làm 6 nhóm: nghiên cứu và phát triển; phần mềm; nghe nhìn; thông tin; quảng cáo, nghiên cứu thị trường và kiến trúc; và các dịch vụ văn hóa, giải trí và di sản.

Việt Nam xếp thứ 3 trong top 10 nền kinh tế đang phát triển xuất khẩu hàng hóa sáng tạo hàng đầu thế giới.

Xuất khẩu các dịch vụ sáng tạo đang cho thấy rõ tiềm năng tăng trưởng. Vì vậy, nếu Việt Nam có thêm những doanh nghiệp như FPT, chắc chắn sẽ mở ra cánh cửa lớn cho ngành dịch vụ này.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), dẫn số liệu từ UNCTAD (2022) cho hay, xuất khẩu hàng hóa sáng tạo thế giới tăng từ 208 tỷ USD (2002) lên 524 tỷ USD (2020), trong đó châu Á là khu vực xuất khẩu lớn nhất (từ năm 2007). Về quốc gia, Trung Quốc có đóng góp lớn nhất trong tổng xuất khẩu hàng hóa sáng tạo toàn cầu (32%).

Đáng chú ý, Việt Nam xếp thứ 3 trong top 10 nền kinh tế đang phát triển xuất khẩu hàng hóa sáng tạo hàng đầu thế giới, với con số 14,15 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 2,7% trong tổng xuất khẩu hàng hóa sáng tạo trên thế giới.

“Thống kê cho thấy quy mô xuất khẩu hàng hóa sáng tạo của Việt Nam là không nhỏ. Tuy nhiên, các thảo luận gần đây chủ yếu mang tính chất sơ khởi, chưa có cơ sở vững chắc trên nền tảng nghiên cứu khoa học bài bản, chưa có các hàm ý chính sách đủ chặt chẽ, khả thi”, các chuyên gia CIEM đánh giá.

Khảo sát của CIEM tại một số địa phương trong thời gian qua cũng cho thấy cách hiểu khác nhau về kinh tế sáng tạo, thậm chí thiếu sự phân định rạch ròi với đổi mới sáng tạo. Do kinh tế sáng tạo còn tương đối mới, Việt Nam gặp phải tình trạng thiếu các dữ liệu cập nhật, thường xuyên và chi tiết để phân tích các nội dung liên quan.

Cần hoàn thiện cơ chế

Nhìn nhận tiềm năng này, nhiều quốc gia trên thế giới đã có chiến lược phát triển cụ thể để tận dụng tiềm năng này. Tại Trung Quốc, chiến lược “Made in China 2025” tập trung vào việc phát triển các lĩnh vực công nghiệp có giá trị gia tăng và công nghệ cao để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao. Trung Quốc dự kiến đưa các ngành công nghiệp sáng tạo cùng các ngành công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ carbon thấp… chiếm 15% GDP trong năm 2020.

Hay với Hoa Kỳ, thống kê 4,01% tổng số doanh nghiệp và 2,04% lao động của quốc gia này đang tham gia vào các lĩnh vực công nghiệp sáng tạo khác nhau. Hoạt động kinh tế văn hóa và nghệ thuật chiếm 4,4% GDP, tương đương 1,02 nghìn tỷ USD vào năm 2021.

Để hỗ trợ những người lao động và doanh nghiệp trong ngành công nghiệp sáng tạo, năm 2022, Thượng viện và Hạ viện của Hoa Kỳ đã đưa ra Đạo luật Thúc đẩy lực lượng lao động kinh tế sáng tạo và nghệ thuật địa phương (PLACE) thông qua tăng nguồn lực liên bang và mở rộng lợi ích liên bang cho những người sử dụng tính sáng tạo và kỹ năng trong công việc; Trao quyền cho những người lao động sáng tạo, giúp thúc đẩy tăng trưởng ở các doanh nghiệp mới và hiện có, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu văn hóa Mỹ ra nước ngoài. Thành lập hội đồng liên ngành để khuyến khích phát triển nền kinh tế sáng tạo.

Với Indonesia, kinh tế sáng tạo đóng góp 82 tỷ USD cho GDP của quốc gia (~7,5%) và 23,9 tỷ USD cho xuất khẩu (~10%) trong năm 2021, sử dụng khoảng 19 triệu lao động (năm 2019). Quốc gia này thiết lập bộ, ngành chuyên biệt quản lý kinh tế sáng tạo (Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo MoTCE), đồng thời có một hệ thống pháp lý tương đối hoàn chỉnh về các ngành công nghiệp sáng tạo.

Dẫn bài học kinh nghiệm trên, ông Dương cho rằng: Việt Nam cần hoàn thiện các thể chế chính sách, pháp luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp cho sự phát triển nền kinh tế sáng tạo, các ngành công nghiệp và văn hóa sáng tạo, thị trường văn hóa sáng tạo, tăng cường năng lực thể chế các cơ quan địa phương…

Theo TS. Nguyễn Thị Hoàng Hạnh, Trung tâm Nghiên cứu Đào tạo và Hỗ trợ, tư vấn – Cục Sở Hữu trí tuệ, để phát triển kinh tế sáng tạo thì cần quan tâm tới sở hữu trí tuệ, hay nói cách khác đây là “xương sống, huyết mạch”. Vì vậy, các bộ, ngành cần có giải pháp cụ thể hơn, xác định vấn đề ưu tiên trong từng giai đoạn. Lợi ích, nhu cầu của các nhóm chủ thể; hài hòa, cân bằng nhưng chỉ có thể tương đối và có thể điều chỉnh kịp thời nếu cần.

Trong khi đó, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện CIEM cho biết, khái niệm kinh tế sáng tạo đã ra đời và liên tục điều chỉnh trong hơn ba thập kỷ qua. Với tư duy thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo, mỗi nền kinh tế cũng có thể tận dụng khung chính sách hiện có trên các mô hình kinh tế khác. Các dịch vụ sáng tạo ở không ít nền kinh tế được đánh giá là có sức chống chịu và khả năng phục hồi tốt hơn trong thời kỳ đại dịch.

“Quan trọng hơn, tư duy về kinh tế sáng tạo giúp hoàn thiện chính sách để các ý tưởng sáng tạo có đủ điều kiện, chu trình từ hình thành, sản xuất, cung ứng, phân phối và kể cả xuất khẩu. Từ đó, mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế, lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp và thu nhập cao hơn cho người lao động”, TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.

Theo Vnbusiness