Có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ nên kết quả kinh doanh quý III/2023 của nhiều doanh nghiệp ngành dược tiếp tục tăng trưởng ấn tượng.
Theo báo cáo tài chính (BCTC) quý III/2023 vừa công bố, Công ty CP Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP) ghi nhận doanh thu thuần đạt 467 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp của doanh nghiệpngành dược này đạt 181 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của IMP tăng mạnh lên hơn 6 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù các khoản chi phí của doanh nghiệp đều tăng, trừ chi phí quản lý doanh nghiệp, nhưng IMP vẫn ghi nhận quý lãi kỷ lục từ khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, với mức lãi gần 70 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp cho biết, mức tăng doanh thu đến từ hoạt động mở rộng thị trường trong quý III, kết hợp cùng việc cơ cấu lại danh mục sản phẩm, quản lý chi phí hiệu quả để không chế mức tăng chi phí. Qua đó, lợi nhuận trong kỳ tiếp tục tăng trưởng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của IMP đạt gần 1.400 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 286 tỷ đồng và 227 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2022. Đây được xem là kết quả bùng nỗ của doanh nghiệp ngành dược này. Với kết quả trên, IMP đã hoàn thành 79% kế hoạch doanh thu và 82% kế hoạch lãi trước thuế năm 2023.
Mộtdoanh nghiệpkhác trong ngành dược cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2023 là Công ty CP Dược Hà Tây (HNX: DHT). Mặc dù doanh thu và lợi nhuận trong quý này của DHT giảm nhẹ so với cùng kỳ, nhưng tính chung trong 9 tháng đầu năm, cả doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này cũng đều tăng trưởng 2 con số.
Kết quả, sau khi trừ chi phí, DHT ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 18,7 tỷ đồng trong quý III, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 17,9 tỷ đồng.
Mặc dù cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm trong quý III, nhưng tính chung trong 9 tháng đầu 2023, DHT ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.525 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 72 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, Công ty CP Dược – Trang thiết bị y tế Bình Định (HoSE: DBD) mặc dù chưa công bố báo cáo tài chính quý III, nhưng cũng đã có ước doanh thu và lợi nhuận quý III đều tăng trưởng.
Trong buổi “Hội thảo nhà đầu tư” diễn ra vào cuối tháng 9 vừa qua, lãnh đạo DBD cho biết, doanh thu quý III ước tăng trưởng 5% so với cùng kỳ, đạt khoảng 427 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 79 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, lãnh đạo DBD dự báo, doanh thu sẽ tăng 15%, ước đạt hơn 1.200 tỷ đồng; lợi nhuận sẽ tăng khoảng 22% so với cùng kỳ, đạt hơn 252 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu của DBD, tỷ trọng cao nhất thuộc nhóm chống khuẩn (27%); thuốc ung thư chiếm 22%; dung dịch lọc màng bụng, lọc máu (11%); 8% là các thuốc giảm sốt, giảm đau, vitamin. Các loại thuốc còn lại chiếm 32%. Chia sẻ về định hướng phát triển, lãnh đạo DBD cho biết, doanh nghiệp sẽ tập trung vào thuốc viên điều trị ung thư, dự kiến đi vào sản xuất năm 2026 với dây chuyền sản xuất đạt chuẩn GMP-EU.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng sẽ ưu tiên mạnh cho hoạt động nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, tập trung vào một số nhóm sản phẩm cốt lõi như: Tập trung vào thuốc điều trị ung thư, đặc biệt là thuốc viên; Tập trung nghiên cứu thuốc tác dụng tại đích trong điều trị ung thư, đặc biệt là thuốc viên; Định hướng từng bước nhận chuyển giao công nghệ, triển khai sản xuất thuốc công nghệ sinh học điều trị ung thư; Phát triển các sản phẩm dược liệu hữu cơ.
Mặc dù còn nhiều doanh nghiệp ngành dược khác chưa công bố báo cáo tài chính quý III/2023, nhưng với những diễn biến tích cực của ngành, kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dược cũng sẽ ghi nhận kết quả tích cực trong quý còn lại của năm 2023.
Mới đây Chính phủ vừa ban hành Quyết định số: 1165/QĐ-TTg ngày 9/10/2023 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược).
Mục tiêu chung của Chiến lược là: Phát triển ngành Dược Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đảm bảo tiếp cận thuốc cho người dẫn với mức chi phí hợp lý; Nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sẵn có để sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, hưởng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công/chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của khu vực ASEAN; Phát triển dược liệu, thuốc và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị cao; Đẩy mạnh sản xuất nguyên liệu làm thuốc và tối ưu hóa việc sử dụng thuốc.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; Thuốc sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường: Tiếp nhận chuyển giao công nghệ, gia công có phối hợp chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc biệt dược gốc, vắc xin, sinh phẩm bao gồm cả sinh phẩm tương tự và một số thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được; Xây dựng được 08 vùng khai thác bền vững dược liệu tự nhiên và 2-5 vùng trồng sản xuất dược liệu quy mô lớn…
Để đạt được mục tiêu nêu trên, Chiến lược đã đưa ra nhóm các giải pháp cụ thể như: Tiếp tục hoàn thiện về thể chế, pháp luật; Quy hoạch; Đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường liên kết, tham gia chuỗi giá trị trong ngành dược; Nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát thị trường thuốc, nguyên liệu làm thuốc…
Thực hiện chiến lược theo đó, sẽ là đòn bẩy, động lực giúp các doanh nghiệp ngành dược tăng tốc phát triển.
Theo Diendandoanhnghiepvn