Nguồn cung và nhu cầu thịt, trứng gia cầm các tỉnh Đông Nam bộ khá khác nhau. Do đó, cần đẩy mạnh kết nối thông tin, nắm bắt thị trường để cân đối cung cầu.
Nguồn cung dồi dào
Tại Diễn đàn trực tuyến kết nối nông sản 970 với chủ đề kết nối cung cầu chuỗi thịt và trứng gia cầm vùng Đông Nam bộ, đại diện Sở NN-PTNT Bình Dương thông tin: Trong năm 2022, toàn tỉnh có 112 cơ sở được chứng nhận VietGAP (9 cơ sở chăn nuôi, 103 trồng trọt). Tỉnh xây dựng được 198 trang trại an toàn dịch bệnh, 27 chuỗi liên kết cung ứng các sản phẩm an toàn. Do đó, từ nay tới Tết Nguyên đán nhìn chung số lượng hàng hóa rất dồi dào, đảm bảo cung ứng cho người dân địa phương và các tỉnh thành lân cận.
Đại diện Sở NN-PTNT Bình Dương đề xuất các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, từng bước xóa bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ, hình thành các chuỗi, các cơ sở sản xuất quy mô lớn giúp giảm giá thành, mang lợi nhuận cao hơn. Đặc biệt, không sản xuất theo phong trào, người chăn nuôi nên tìm hiểu thị trường, kết nối được đầu ra trước khi bắt tay sản xuất.
Tỉnh Tây Ninh, hiện có hơn 9 triệu con gia cầm, 107 trang trại chăn nuôi (76 trang trại gà, 31 trang trại vịt), 59 cơ sở chăn nuôi gà an toàn sinh học. Riêng trong năm 2022, số trang trại đã tăng 20% (nhiều trang trại được cấp phép đầu tư đi vào hoạt động). Bên cạnh đó, đang có thêm chuỗi chăn nuôi gà trứng do Malaysia đầu tư với 2 trang trại, công suất 1 triệu quả trứng/trang trại. Năng lực sản xuất của tỉnh hiện nay khoảng 650 triệu quả trứng, ngoài đáp ứng nhu cầu trong tỉnh cần xuất đi ngoài tỉnh ít nhất 30% sản lượng.
Cuối năm nhu cầu thịt, trứng gia cầm tăng cao
Ông Huỳnh Kim Linh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long cho biết, trong năm 2022, ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển ổn định. Hiện toàn tỉnh Vĩnh Long có tổng đàn lợn 178.000 con, có khả năng cung ứng 305.000 tấn thịt/năm. Tuy nhiên, mỗi năm, tỉnh vẫn cần nhập thêm 250.000 con lợn thịt.
Tỉnh có đàn gà có khả năng cung cấp 29 triệu quả trứng trên năm. Với dân số 1 triệu người, hiện tỉnh vẫn đang thiếu hụt khoảng 20 quả trứng/người/năm và phải nhập từ các tỉnh bạn.
Theo ông Linh, trong thời gian tới, Vĩnh Long sẽ cố gắng duy trì đàn lợn khoảng 360.000 con, gia cầm 14 triệu con và 28.000 con dê.
Để làm được điều này, từ nay đến năm 2023, ngành nông nghiệp Vĩnh Long sẽ khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung, hữu cơ, gắn với an toàn dịch bệnh; đẩy mạnh nuôi giống cao sản; tăng cường phát triển công nghiệp chế biến, chế biến sâu sản phẩm để nâng cao chuỗi giá trị; tăng cường kiểm tra giết mổ, nâng cao năng lực vận chuyển, kiểm soát vật tư, an toàn thực phẩm, tập trung phát triển liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm…
Đại diện Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp (Sở NN-PTNT TP. Hồ Chí Minh) thông tin: Từ nay tới Tết Nguyên đán, nhu cầu thực phẩm của TP. Hồ Chí Minh tăng 20-30%, nhu cầu về trứng khoảng 105 triệu quả/tháng.
Trên cơ sở đó, Đại diện Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp mong muốn các tỉnh thành phố lân cận phối hợp, cung cấp nguồn thực phẩm cho TP. Hồ Chí Minh, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu cho người dân.
Tháo “nút thắt” tại Đồng Nai
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, trong chăn nôi, tỉnh cần giải quyết 3 vấn đề: Khâu dự báo thị trường của tỉnh khá yếu, người chăn nuôi hầu như không nắm được biến động thị trường, hầu hết sản xuất theo hướng rủi may. Cho nên, khi thị trường lên giá thì không được hưởng lợi, nhưng khi thị trường đi xuống thì người chăn nuôi phải gánh chịu thiệt hại.
Thứ 2, nên đưa Ngân hàng NN-PTNT trở thành ngân hàng đặc thù của ngành nông nghiệp. Bởi lẽ, lãi suất ngân hàng rất biến động, lãi suất rất cao trong khi người nuôi vẫn đang chịu lỗ. Từ việc trở thành đặc thù, Nhà nước có cơ chế để ngân hàng giữ nguyên lãi suất trong thời gian dài để người chăn nuôi ổn định sản xuất.
Thứ ba, công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm còn bất cập, việc truy xuất nguồn gốc là cơ sở quan trọng để đánh giá thực phẩm an toàn. Do đó, để làm tốt công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng của các tỉnh cần tăng cường thanh kiểm tra hơn nữa.
Cũng theo ông Công, Đồng Nai hiện có 1,7 triệu con gia cầm nhưng lại không có cơ sở giết mổ gia cầm tập trung, sản phẩm của tỉnh phải ngược về Long An giết mổ và trở lại người tiêu dùng Đồng Nai, điều này đã khiến người tiêu dùng phải sử dụng sản phẩm với giá cao, người chăn nuôi bán giá thấp.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai bày tỏ mong muốn, tỉnh cần quan tâm quy hoạch, kêu gọi doanh nghiệp xây dựng khu giết mổ tập trung gia cầm quy mô lớn. Bên cạnh đó, cần quan tâm tới vấn đề môi trường, tận dụng phế phụ phẩm từ các trang trại xử lý làm phân bón hữu cơ, từ đó, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị.
Theo Nongnghiep