Nâng hạng thị trường chứng khoán cách nào?

Nâng hạng thị trường chứng khoán là vấn đề được nhà đầu tư, công ty chứng khoán đặc biệt quan tâm trong bối cảnh thị trường đang có nhiều diễn biến khó lường. Ông Vũ Chí Dũng – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, nếu Việt Nam được nâng hạng thì quy mô thị trường trong 5 năm có thể lên đến 7-7,5 tỷ USD.

Nếu được thăng hạng, quy mô thị trường trong 5 năm có thể lên đến 7-7,5 tỷ USD.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, để thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được nâng hạng hiện có 2 tiêu chí trọng tâm cần nghiên cứu để có giải pháp là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Ông Vũ Chí Dũng: Đối với ký quỹ trước giao dịch, bản chất của vấn đề là tiền và chứng khoán được chuyển giao đồng thời, nghĩa là người mua phải có đầy đủ tiền trước khi đặt lệnh giao dịch. Điểm mấu chốt mà nhà đầu tư quan ngại là tiền phải chuyển vào Việt Nam 100% trước khi đặt lệnh giao dịch chứ không phải là chuyển vào thời điểm phải thanh toán. Và chuyển tiền vào thị trường Việt Nam trước khi đặt lệnh giao dịch được hiểu rằng có thể lệnh được khớp hoặc có thể không. Nếu lệnh không được khớp thì tiền lại phải chuyển ra, điều này liên quan đến việc mất cơ hội đầu tư khác trên thị trường, liên quan đến chuyển đổi đồng tiền, đến ngoại hối, chênh lệch tỷ giá cũng như khoảng thời gian mất đi để thực hiện những thủ tục này.

Thứ hai là tỷ lệ sở hữu. Nhà đầu tư nước ngoài đều mong muốn tỷ lệ sở hữu của họ trên thị trường được nới rộng hơn, có nhiều cơ hội hơn đầu tư vào các DN chưa niêm yết cũng như đã niêm yết.

Liên quan đến ký quỹ giao dịch, chúng tôi đang nghiên cứu những giải pháp phù hợp với điều kiện Việt Nam theo hướng bỏ yêu cầu phải kiểm tra tài khoản, số dư tài khoản của nhà đầu tư trước khi đặt lệnh giao dịch, bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch. Chúng tôi cũng sẽ làm việc với Bộ KH&ĐT về việc công bố thông tin về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài để nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận.

Đối với DN niêm yết, chúng tôi yêu cầu DN phải công bố thông tin tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài của DN mình, ngành nghề cụ thể mà DN đang hoạt động để xác định tỷ lệ sở hữu, trong đó yêu cầu DN tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi. DN phải công bố thông tin tập trung tại Sở Giao dịch chứng khoán để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận.

Giải pháp tổng thể để TTCK Việt Nam sớm được nâng hạng, thưa ông?

– Để nâng hạng TTCK, nỗ lực của một cơ quan quản lý là chưa đủ, bởi nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào thị trường với nhiều khía cạnh.

Đơn cử, vấn đề tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến Bộ KH&ĐT về công bố thông tin (bằng tiếng Anh) về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành nghề cụ thể. Chúng tôi rất mong muốn có sự tham gia của Bộ KH&ĐT để nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận và cũng để chính DN Việt Nam xác định được tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong DN mình.

Liên quan đến yêu cầu ký quỹ của nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia thị trường, đối với nhà đầu tư nước ngoài là các quỹ đầu tư lớn phải chuyển đổi ngoại tệ sang đồng Việt Nam để tham gia đầu tư, họ rất quan tâm đến thị trường ngoại hối của Việt Nam cũng như những công cụ phòng ngừa rủi ro ngoại hối được phát hành trên thị trường để bảo đảm rằng họ có công cụ sẵn sàng cho việc chuyển đổi đồng ngoại tệ sang đồng Việt Nam và ngược lại khi họ rút vốn ra khỏi Việt Nam một cách thuận lợi. Liên quan đến vai trò của các ngân hàng lưu ký tham gia trên TTCK với vai trò là người quản lý và nắm giữ tài sản của nhà đầu tư nước ngoài theo sự ủy thác của nhà đầu tư nước ngoài, các ngân hàng này đóng vai trò là tổ chức cung cấp dịch vụ về quản lý tài sản, đảm bảo tài sản cũng như lưu ký tài sản của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường trong lĩnh vực chứng khoán.

Do đó, cần sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước trong việc nghiên cứu những chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Việc nâng hạng sẽ có tác động như thế nào đến TTCK nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung, thưa ông?

Việc nâng hạng TTCK tác động rất lớn đối với TTCK và nền kinh tế. Trước hết, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới về quy mô nguồn vốn thụ động trên TTCK thế giới đổ vào thị trường mới nổi, nếu Việt Nam được nâng hạng, quy mô thị trường trong 5 năm có thể lên đến 7-7,5 tỷ USD, và quy mô sẽ được tăng dần khi nhà đầu tư có sự quan tâm hơn trên thị trường. Nâng hạng sẽ tạo thuận lợi cho việc đánh giá đúng giá trị của DN, giá trị của cổ phiếu vì sự tham gia của rất nhiều các nhà đầu tư sẽ đánh giá được giá trị thực chất của giá cổ phiếu.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo Đại Đoàn Kết