NBB: Tổng tài sản gần 8 nghìn tỷ, lợi nhuận chưa tới 500 triệu đồng

 Nhờ doanh thu từ hoạt động tài chính tăng mạnh, kéo lợi nhuận quý II/2024 của NBB tăng trưởng 39% so với cùng kỳ, nhưng sau nửa năm, lợi nhuận vẫn chưa đạt nửa tỷ đồng.

Lợi nhuận quý II của NBB mặc dù tăng mạnh gần 40% so với cùng kỳ, nhờ doanh thu từ hoạt động tài chính, nhưng vẫn chỉ đạt chưa đến nửa tỷ đồng – Ảnh minh họa.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 mới công bố, Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy (HoSE: NBB) ghi nhận doanh thu thuần sụt giảm mạnh 92% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt gần 15 tỷ đồng (cùng kỳ đạt gần 180 tỷ đồng). Trong đó, doanh thu từ mảng kinh doanh cốt lõi là bất động sản của doanh nghiệp này chỉ đạt hơn 6 tỷ đồng, giảm hơn 96% so với cùng kỳ, trong khi doanh thu mảng bán hàng và cung cấp dịch vụ lại tăng mạnh lên gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ, đạt hơn 8 tỷ đồng.

Điểm sáng trong kỳ này của NBB là doanh thu từ hoạt động tài chính tăng mạnh lên 106% so với cùng kỳ, lên 76 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lãi của các khoản hợp tác đầu tư, hỗ trợ vốn và lãi tiền gửi.

Ngoài ra, các khoản chi phí trong kỳ này cũng được doanh nghiệp tiết giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, chi phí hoạt động tài chính giảm 35%, xuống còn 63 tỷ đồng, do không còn ghi nhận chi phí hợp tác đầu tư dự án; Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm 14% và 16% so với cùng, xuống còn lần lượt 0,4 tỷ đồng và 3,8 tỷ đồng.

Những yếu tố trên đã giúp lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp ngành bất động sản này tăng trưởng 39% so với cùng kỳ trong quý II, nhưng cũng chỉ đạt 440 triệu đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, NBB ghi nhận doanh thu thuần đạt 42,3 tỷ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ năm trước; Lợi nhuận sau thuế mặc dù tăng 9% so với cùng kỳ, nhưng cũng chỉ đạt 490 triệu đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp chỉ mới hoàn thành 6,6% kế hoạch doanh thu và chưa tới 3% kế hoạch lợi nhuận năm sau khi đã kết thúc chặng đường nửa năm.

Tại thời điểm cuối quý II, tổng tài sản của NBB đạt 7.720 tỷ đồng, tăng 12% so với hồi đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt đạt gần 25 tỷ đồng, tăng 57%; hàng tồn kho 1.795 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm, chủ yếu là bất động sản dở dang với hơn 1.710 tỷ đồng, trong đó, dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp khu dân cư Delagi chiếm hơn 1.026 tỷ đồng và dự án khu dân cư Sơn Tịnh – Quảng Ngãi hơn 612 tỷ đồng.

Các khoản phải thu dài hạn của NBB cũng tăng mạnh lên 2.668 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 31% so với đầu năm. Đây là khoản phải thu góp vốn đầu tư với CII tại 2 dự án là cao ốc 152 Điện Biên Phủ (1.150 tỷ đồng), dự án Xa lộ Hà Nội (857 tỷ đồng); và hợp tác với Công ty TNHH MTV Khu Bắc Thủ Thiêm tại các dự án trong khu đô thị mới Thủ Thiêm là hơn 619 tỷ đồng.

Trên thị trường, cổ phiếu NBB chốt phiên giao dịch ngày 15/7 đạt thị giá 24.550 đồng/cổ phiếu, tăng gần 15% so với hồi đầu năm.

Kết quả kinh doanh trong quý II cũng như nửa đầu năm 2024 của NBB tuy có sự tăng trưởng nhưng trên mức nền thấp của năm 2023. Điều này cho thấy, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này vẫn chưa thật sự khởi sắc, trong khi thị trường bất động sản được đánh giá có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho sự phục hồi và phát triển.

Theo Chứng khoán BVSC, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhanh vào cuối năm 2023 với mức lãi suất cho vay mua bất động sản thấp nhất ghi nhận là 6% từ một số ngân hàng vốn nước ngoài. Xu hướng lãi suất cho vay vẫn sẽ duy trì mức phổ biến là 6,5% – 7,5%/năm tùy ngân hàng, do chi phí huy động mặc dù có tăng, nhưng vẫn ở mức thấp.

Bên cạnh đó, những nỗ lực từ Chính phủ trong hoàn thiện hành lang pháp lý về Luật và Quy hoạch để hỗ trợ sự phục hồi của thị trường. Các địa phương trọng điểm đã hoàn tất quy hoạch mới, tạo điều kiện thúc đẩy công tác điều chỉnh quy hoạch các dự án cũ; và đẩy mạnh thu hút cho các dự án mới. Luật Đất đai với cơ chế tập trung mạnh mẽ cho đấu thầu, đấu giá đất sẽ phát huy hiệu quả khi các quy hoạch điều chỉnh được hoàn thành.

Ngoài ra, các dự án hạ tầng trọng điểm phía Nam bao gồm các dự án cao tốc và dự án các đường vành đai liên kết sẽ hình thành vào giai đoạn 2025-2027 sẽ là động lực lớn cho phát triển kinh tế nói chung và thị trường bất động sản phía Nam nói riêng.

BVSC cũng cho rằng, mặt bằng giá bất động sản tại các tỉnh phía Nam vẫn còn dư địa so với các tỉnh phía Bắc và sự chênh lệch giá bất động sản ở TP.HCM với các tỉnh cũng sẽ là động lực trong giai đoạn tới.

Đánh giá về triển vọng các doanh nghiệp trong ngành bất động sản, BVSC cho rằng, xu hướng lợi nhuận sẽ phục hồi và gia tăng ở phần lớn các doanh nghiệp bất động sản do: sự phục hồi sẽ lan tỏa hơn sang các khu vực ngoài TP.HCM, Hà Nội; quỹ đất các doanh nghiệp bất động sản phân bổ nhiều ở các tỉnh; sản phẩm thấp tầng chiếm tỷ trọng chính trong cơ cấu sản phẩm ở thị trường tỉnh; và GPM các sản phầm thấp tầng sẽ tốt hơn cao tầng.

Đồng thời CTCK này nhận định, dư địa sẽ nhiều hơn ở các doanh nghiệp bất động sản có quy mô nhỏ, thương hiệu hoặc năng lực phát triển sản phẩm còn khoảng cách so với các doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp này cải thiện được hạn chế sẽ có cơ hội tái định giá về sát mức hợp lý của ngành.

Theo Tạp Chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp